Đưa KH&CN vào phục vụ sản xuất
Một trong những yếu tố quan trọng của quá trình xây dựng NTM là phải nâng cao thu nhập cho người dân, tiêu chí này đang là bài toán nan giải cho các địa phương. Câu chuyện được nhắc tới nhiều nhất trong những ngày qua ở xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) nhờ chuyển đổi cây trồng áp dụng KHCN vào sản xuất đưa lại thu nhập cao, phần nào đã làm rõ lời giải bài toán hóc búa trên. Tượng Sơn là xã nằm ven TP. Hà Tĩnh đất chật người đông, trong khi đó đất nông nghiệp khô cằn không thuận lợi cho sản xuất, lại được chọn là xã điểm xây dựng NTM với mốc về đích 2013. Trong tình thế đó, buộc Tượng Sơn vào cuộc một cách quyết liệt bằng việc áp dụng KH&CN vào sản xuất để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Cụ thể từ trồng lạc và lúa kém năng suất, người dân xã Tượng Sơn đã chuyển đổi sang trồng rau, củ, quả áp dụng theo tiêu chuẩn VietGap.
Chị Bùi Thị Hạnh ở thôn Trung Lập xã Tượng Sơn cho biết: Gia đình có 800m
2
đất nông nghiệp hàng năm sản xuất lạc và lúa hiệu quả kinh tế thấp do không thuận lợi trong việc tưới tiêu, đã chuyển số diện tích này sang trồng rau, củ, quả chủ yếu là bí xanh và mướp hương. Sau 2 tháng xuống giống đến nay đã bắt đầu cho thu hoạch đợt đầu trên 7 triệu đồng, với đà này cả vụ ước đạt trên 20 triệu đồng. Mỗi năm gia đình chị canh tác được ba vụ, lãi gấp 5 lần so với trồng lúa. Ông Nguyễn Văn Thìn- Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn cho biết, Tượng Sơn là xã ven đô nên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa, lạc hiệu quả thấp sang trông rau, củ, quả sạch. Nhờ được Sở KH&CN và Trung tâm chuyển giao KH&CN huyện Thạch Hà ứng dụng khoa học kỹ thuật đưa giống mới có giá trị kinh tế vào sản xuất. Cán bộ kỹ thuật đã trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể từ khâu làm đất, chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, chọn thời vụ phù hợp để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho cây sinh trưởng phát triển. Giống tốt, sạch bệnh, dùng nguồn nước sạch không bị nhiễm các chất độc hại, không bón phân chuồng tươi, sử dụng phân vi sinh giúp cho đất được cải tạo, giảm bớt lượng bón đạm hóa học tránh tích lũy nitrat và giảm sâu bệnh. Với qui mô 2,5 ha được triển khai trồng thử nghiệm cho 20 hộ dân ở thôn Trung Lập. Kết quả cho thấy, dưa chuột có thời gian sinh trưởng 90-100 ngày, năng suất bình quân đạt 25-30 tấn/ha; bí xanh sinh trưởng 110-120 ngày năng suất 35-40 tấn/ha. Theo tính toán chung toàn mô hình đạt 250 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn lãi 150 triệu đồng/ ha, so với trồng lúa gấp 5 lần và gấp 3 lần so với trồng lạc, người dân rất phấn khởi. Ông Thìn cho biết thêm, sau khi thành công ở thôn Trung Lập, vụ hè thu 2012 xã tiếp tục chuyển đổi những vùng đất cằn ở thôn Bắc Giang, Bắc Bình và Trung Tiến với diện tích 15ha sang trồng rau, củ, quả áp dụng theo tiêu chuẩn VietGap cho hàng trăm hộ dân. Đến thời điểm này đang bước vào thu hoạch rộ, dưa chuột và bí xanh cho năng suất cao.
Tuy nhiên, khi áp dựng KHCN vào sản xuất đã đưa lại năng suất cao thì người dân Tượng Sơn lại gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Điều khiến người nông dân trăn trở là họ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, lại được đánh đồng với những sản phẩm chưa có thương hiệu, không có nhãn mác và còn bị tư thương ép giá. Sự thiếu đồng bộ này đã ảnh hưởng không nhỏ khi mà hàng tấn sản phẩm rau, củ, quả không có đầu ra. Do đó cần phải có một lộ trình đồng bộ khi áp dụng KH&CN vào sản xuất với diện tích và số lượng lớn.
Đi lên nhờ KH&CN
Không chỉ đưa dây chuyền cộng nghệ nuôi lợn siêu nạc hiện đại về khai phá vùng quê nghèo với thu nhập hàng năm lên tới 50 tỷ đồng, Công ty cổ phần chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh còn mở hướng làm giàu cho người nông dân đang là câu chuyện hiện hữu ở Hà Tĩnh. Để rõ hơn về quy trình nuôi lợn hiện đại này chúng tôi đã tìm gặp ông Lê Văn Nhị- Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi Mitraco. Theo ông Nhị: Bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2004, công ty chọn công nghệ nuôi lợn hiện đại của Thái Lan, đây là dây chuyền khép kín từ sản xuất con giống, cai sữa đến thương phẩm. Mỗi năm trang trại duy trì nuôi trên 1.500 con lợn bố mẹ giống Thái Lan, cho ra đời 17.000 lợn con và 27.000 con lợn thương phẩm. Với quy mô trại lớn nhưng tất cả được tuân thủ rất nghiêm ngặt và được vận dụng KHCN thực thụ thì mới hiệu quả từ chọn khẩu phần, liều lượng thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đàn lợn…Chưa hết để quản lý vận hành được dây chuyền này trang trại phải sử dụng công nghệ thông tin bằng những phần mềm máy tính chăn nuôi hết sức độc đáo của Thái Lan, Mỹ. Bởi, nhờ vào phần mềm này mới có thể điều chỉnh được thành phần thức ăn hợp lý đưa lại hiệu quả chăn nuôi rất cao. Vì vậy mà đàn lợn con sinh ra chỉ cần nuôi 20 ngày đã đạt trọng lượng 8kg/con và có thể bán ra thị trường, còn lợn thương phẩm chỉ nuôi sau 3 tháng đã đạt mỗi con lên tới 80- 100kg xuất chuồng. Ngoài việc đầu tư và ứng dụng những tiến bộ KHCN vào sản xuất, Công ty đã phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nông dân phát triển chăn nuôi lợn theo hình thức trang trại, gia trại tập trung. Sau 8 năm thành lập đến nay công ty đã xây dựng gần 30 trang trại chăn nuôi lợn vệ tinh ở các huyện như Hương Sơn, Hương Khê, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Can Lộc và Đức Thọ… mỗi năm cung cấp trên 20.000 con lợn giống cho các hộ nuôi vệ tinh. Công ty cung ứng giống, thức ăn, thuốc thú y, chăm lo dịch bệnh và bao tiêu sản phẩm. Đến nay nhiều hộ chăn nuôi đi theo hình thức này và cho hiệu quả cao. Điển hình như hộ chăn nuôi Nguyễn Tất Trường ở xã Thạch Thắng huyện Thạch Hà. Năm 2011, anh Thắng đã nhận nuôi trên 2.100 con lợn. Một năm xuất 3 lứa lợn thương phẩm trừ các chi phí gia đình anh Thắng cũng đã lãi ròng 150 triệu đồng. Ông Lê Văn Nhị cho biết thêm: Qua thực tiễn cho thấy các hộ tham gia mô hình chăn nuôi vệ tinh đã có thu nhập và không phải lo đầu ra. Nếu nuôi 3 tháng một lứa xuất chuồng thì mỗi con cũng có lãi từ 50-70 ngàn đồng, một hộ gia đình tham gia nuôi từ 300-500 con, thu nhập là từ 20-30 triệu đồng/lứa. Hiện nay công ty tiếp tục mở rộng chăn nuôi vệ tinh ở các huyện trên địa bàn, tăng cường mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh, hướng tới xuất khẩu”. Không chỉ đáp ứng nhu cầu thực phẩm công ty còn điều tiết lợn giống cho bà con nông dân và ứng dụng chuyển giao khoa học kỷ thuật vào chăn nuôi từ đó từng bước đưa ngành chăn nuôi thành nghề sản xuất bền vững.
Đình Thông -Hữu Anh