Hướng nghiệp có tác dụng góp phần cụ thể hoá mục tiêu đào tạo của trường phổ thông, hiện thực hoá đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước ta trong đời sống xã hội. Ngày nay, cuộc chạy đua về sản xuất đang diễn ra rất quyết liệt. Trong cuộc chạy đua này, những nước tụt hậu phần lớn là không làm tốt công tác đào tạo người lao động, đào tạo đội ngũ thợ lành nghề và những cán bộ khoa học, kỹ thuật có trình độ cao. Hướng nghiệp phải được coi là điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng và hiệu quả của giáo dục. Giáo dục hướng nghiệp là một bộ phận của giáo dục toàn diện giúp mỗi học sinh có sự hiểu biết về tính chất của ngành nghề mà mình hướng tới, biết phân tích thị trường hoạt động và tháo gỡ vướng mắc hoặc rèn luyện bản thân từ đó, mỗi học sinh tự xác định được đâu là nghề nghiệp phù hợp hoặc không phù hợp với mình. Hướng nghiệp sẽ tạo nên những yếu tố mới trong người lao động - yếu tố cơ bản của việc tăng năng suất lao động xã hội. Giáo dục hướng nghiệp có vị trí hết sức quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực qua đào tạo ngày càng tăng trong thời gian tới.
Trước những yêu cầu thực tiễn về chất lượng và hiệu quả của giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực qua đào tạo ngày càng tăng, năm 2012 Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đã triển khai đề tài
"Nghiên cứu, nâng cao chất lượng
Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh bậc Trung học ở Hà Tĩnh"
do NGƯT-ThS. Trần Trung Dũng chủ trì đã có những đóng góp to lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp cho học sinh bậc Trung học trên địa bàn tỉnh.
Qua đây, đề tài đã phân tích làm sáng tỏ: Giáo dục kỹ thuật - hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông là xu thế chung của tất cả các trường phổ thông trên thế giới. Với nước ta trước tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông là hết sức cần thiết và quan trọng. Giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông nếu được tổ chức tốt, nghĩa là chúng ta đã chuẩn bị những tiền đề hướng nghiệp tốt nhất cho tuổi trẻ chuẩn bị bước vào đời…
Trên cơ sở đánh giá thực trạng cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực, đề tài đã phân tích, làm rõ việcchọn nghề thiếu cơ sở khoa học của học sinh dẫn đến tình trạng mất cân đối nghiêm trọng trong các kì thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng hàng năm, tạo ra sức ép lớn cho các trường và xã hội, gây mất cân đối trong cơ cấu nguồn nhân lực xã hội (giữa các ngành nghề, trình độ đào tạo), lãng phí trong đào tạo, v, v...
Đồng thời đề tài đã liên hệ cụ thể về nhu cầu nhân lực trong thời gian tới đối với Hà Tĩnh là rất lớn, trước yêu cầu phát triển của các khu công nghiệp lớn, như: Vũng Áng, mỏ sắt Thạch Khê, khu công nghiệp Gia Lách, khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo cùng với nhu cầu nhân lực của các ngành: xây dựng, dịch vụ, thương mại,... và nhất là ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, đòi hỏi "Nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, phấn đấu đến năm 2015 đạt 60% và đến năm 2020 đạt 70%. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đến năm 2015 đạt 50% và đến năm 2020 đạt 60%. Cơ cấu lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản từ 63,9% năm 2010, giảm xuống 40% năm 2015 và xuống 28% năm 2020, lao động công nghiệp và xây dựng từ 13,1% năm 2010, tăng lên 27% năm 2015 và lên 35% năm 2020, lao động dịch vụ từ 23%, tăng lên 33% năm 2015 và lên 37% năm 2020. Đến năm 2015 giải quyết việc làm cho 32.000 lao động và đến năm 2020 giải quyết việc làm cho 40.000 lao động (Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011 - 2020).
Trước yêu cầu về nguồn nhân lực trong giai đoạn mới ở Hà Tĩnh, đề tài cũng đã nêu lên những chỉ tiêu phấn đấu trong công tác phân luồng học sinh của ngành giáo dục để thực hiện mục tiêu "Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011 - 2020": đến năm 2015 phải có từ 35% đến 45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông được tuyển vào học nghề dài hạn hoặc trung cấp chuyên nghiệp; nâng số lượng học viên tốt nghiệp trường dạy nghề lên 30.000 người/năm vào năm 2015 và trên 40.000 người/năm vào năm 2020.
Bên cạnh việc đánh giá đúng thực trạng của công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh bậc trung học hiện nay, căn cứ vào ý nghĩa của việc chọn nghề có cơ sở khoa học và nhu cầu nhân lực xã hội. Giáo dục hướng nghiệp giúp cho học sinh hiểu được hệ thống nghề nghiệp trong xã hội, phương hướng phát triển nền kinh tế quốc dân nói chung và của địa phương nói riêng nhằm xác định cho bản thân trách nhiệm, nghĩa vụ sẵn sàng tham gia vào lao động sản xuất. Trên cơ sở của sự hiểu biết nghề nghiệp và nền kinh tế quốc dân, của địa phương, những đòi hỏi khách quan của hoàn cảnh, biết đối chiếu với sự phát triển, năng lực, sở trường, tình trạng tâm sinh lý sức khỏe của bản thân để điều chỉnh động cơ lựa chọn nghề. Tạo ra những điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, về các mối quan hệ xã hội và ý thức cầu tiến bộ của học sinh để các em tích cực tham gia các hình thức lao động kỹ thuật do nhà trường tổ chức, nâng cao ý thức và thái độ lao động, có dịp thử sức mình trong hoàn cảnh thực tiễn, từ đó kết luận về sự phù hợp nghề nghiệp của bản thân. Phải làm cho mỗi học sinh có được tính chủ động trong lựa chọn nghề, có khả năng tự quyết định được con đường nghề nghiệp tương lai của mình. Bên cạnh đó đề tài đã đề xuất hệ thống giải pháp khá toàn diện, vừa kế thừa được những ưu điểm của cách làm truyền thồng, vừa cải tiến, bổ sung, cập nhật những phương pháp mới, hiện đại, phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, vừa có tính đón đầu của xu thế hội nhập và phát triển. Nếu sử dụng tốt hệ thống các giải pháp sẽ khắc phục được những hạn chế yếu kém hiện nay, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục hướng nghiệp ở bậc trung học trên địa bàn Hà Tĩnh. Khi chất lượng, hiệu quả giáo dục hướng nghiệp được nâng lên sẽ có tác động rất tích cực đến việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển trong giai đoạn mới.
Nguyễn Duy Tiệp - Sở Giáo dục-Đào tạo
|