Chuyển đổi số là xu thế tất yếu giúp tối ưu hóa năng lực sản xuất của doanh nghiệp, điều hành sản xuất thông minh, tạo nên mặt bằng năng suất chất lượng mới, đảm bảo đủ hàng hóa với tốc độ tăng trưởng cao, phức tạp, đa chủng loại, trong bối cảnh mặt bằng giới hạn và số lượng nhân công không tăng. Nói cách khác, chuyển đổi số đã trở thành một thực tế bắt buộc các doanh nghiệp phải tham gia để có thể phát triển và tránh tụt hậu.
Chuyển đổi số được nhìn nhận sẽ trở thành cú huých thúc đẩy năng suất lao động của khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Ảnh minh họa.
Mở ra không gian phát triển mới
Hiện nay, chuyển đổi số là xu thế tất yếu không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài giá trị truyền thống vốn có.
Với sự tiến bộ vượt bậc của Internet vạn vật (IoT), sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) có ý nghĩa như khi loài người phát minh ra động cơ hơi nước, phát minh ra dòng điện,… Phương thức sản xuất số đã hình thành, trở thành động lực mới trong lịch sử phát triển nhân loại.
Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho biết, chuyển đổi số đã giúp doanh nghiệp tạo ra mặt bằng tăng trưởng mới ở mức 15-20% so với thời kỳ trước khi thực hiện chuyển đổi số là 8-10%; Thay đổi cách thức vận hành của doanh nghiệp, chuyển từ chỉ đạo từ trên xuống, ra quyết định dựa trên kinh nghiệm sang điều hành ở tuyến đầu và ra quyết định dựa trên dữ liệu.
Đồng thời, tối ưu hóa năng lực sản xuất, điều hành sản xuất thông minh, tạo nên một mặt bằng năng suất, chất lượng mới, đảm bảo đủ hàng hóa với tốc độ tăng trưởng cao, phức tạp, đa chủng loại, trong bối cảnh mặt bằng giới hạn và số lượng nhân công không tăng.
Từ thực tiễn áp dụng của doanh nghiệp, bà Vũ Thị Mai, Giám đốc nhân sự Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, 3 trụ cột thúc đẩy tăng năng suất lao động chính là nhân lực, công cụ và cơ chế chính sách. Trong đó, chất lượng nguồn nhân lực mang ý nghĩa quyết định đến việc thúc đẩy, nâng cao năng suất lao động; Chuyển đổi số mạnh mẽ, áp dụng những công nghệ mới nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn; Cơ chế chính sách tạo động lực, khuyến khích đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động và trao cơ hội phát triển cho người lao động.
Chuyển đổi số được nhìn nhận sẽ trở thành cú huých thúc đẩy năng suất lao động khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo tính toán chung, doanh nghiệp chuyển đổi số có thể tăng trung bình 55% tổng lợi nhuận doanh nghiệp; tiết kiệm tới 50% chi phí quản lý và nhân sự; tiết kiệm 30 - 40% thời gian.
Chuyển đổi số hợp lý để tránh “đứt gãy giữa đường”
Chất lượng nguồn nhân lực mang ý nghĩa quyết định đến việc thúc đẩy, nâng cao năng suất lao động. (Ảnh minh họa)
Một số ý kiến khác cho hay, bên cạnh mặt tích cực thì chuyển đổi số cũng mang đến không ít thách thức. Thậm chí có doanh nghiệp còn rơi vào tình trạng “đứt gãy giữa đường” khi ứng dụng chuyển đổi số không hợp lý.
Điểm hạn chế đầu tiên có thể kể đến là việc nhiều doanh nghiệp còn khá vội vàng trong chuyển đổi số, chưa có cái nhìn toàn diện về ứng dụng chuyển đổi số vào doanh nghiệp. Do đó, lãnh đạo doanh nghiệp cần xác định rõ tư tưởng về chuyển đổi số, cần có tư duy thay đổi tích cực đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, nhiều doanh nghiệp hiện còn hiểu sai về ứng dụng công nghệ thông tin để thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Chuyển đổi số không đơn thuần là mua công nghệ sau đó lắp ghép là xong, mà cần xây dựng chiến lược rõ ràng, đúng đắn và có lộ trình cụ thể theo từng giai đoạn.
Đặc biệt, chuyển đổi số phải bắt đầu từ chuyển đổi tư duy và nhận thức của lãnh đạo, muốn chuyển đổi số thành công cần tìm được con đường riêng phù hợp, tổ chức thực hiện từ đồng lòng đến đồng bộ, đổi mới sáng tạo là gốc rễ thành công của chuyển đổi số, cần phát triển nhân lực số và văn hóa số và phải giải quyết được vấn đề công nghệ trong chuyển đổi số, tránh áp dụng chuyển đổi số máy móc.
Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã và đang diễn ra ở hầu hết loại hình doanh nghiệp và ở nhiều mức độ khác nhau, tác động đến tất cả các ngành công nghiệp, doanh nghiệp và trong cuộc đua hướng tới số hóa, chỉ những doanh nghiệp có thể thích nghi và chủ động, tích cực nhất mới có thể tồn tại và phát triển bền vững. Nói cách khác, chuyển đổi số đã trở thành thực tế bắt buộc các doanh nghiệp phải tham gia để có thể phát triển và tránh tụt hậu.
Nguồn: vietq.vn