11:00 | 27-12-2024

Phát huy di sản của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông trong y học hiện đại

Các tham luận của đại biểu tại Hội thảo khoa học Y dược học cổ truyền lần thứ III được tổ chức tại Hà Tĩnh đã góp phần khẳng định giá trị, tầm vóc và những đóng góp to lớn của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông đối với nền y học nước nhà.

bqbht_br_aimg-2393-1.jpg
Đại biểu tham dự hội thảo.

Sáng 26/12, Bộ Y tế phối hợp UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo khoa học Y dược cổ truyền toàn quốc lần thứ III năm 2024 với chủ đề “Y dược học cổ truyền kết hợp y dược hiện đại trong điều trị bệnh không lây nhiễm”.

Đại diện các bộ, ban, ngành và các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các y bác sỹ trong lĩnh vực y học cổ truyền trên cả nước tham dự hội thảo.

bqbht_br_aimg-2477-copy.jpg
Ban Chủ trì hội thảo bao gồm: Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương Vũ Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền Bộ Y tế Trịnh Thị Diệu Thương, Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương Trần Văn Thanh, Phó Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam Lê Mạnh Cường, Trưởng khoa Y dược học cổ truyền Đại học Y Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, sự kiện UNESCO lần thứ 42 đã thông qua nghị quyết phê chuẩn danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024 - 2025" được vinh danh và cùng tham gia kỷ niệm vào ngày 21/11/2023, trong đó, có hồ sơ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của cá nhân danh y đối với xã hội, cộng đồng.

bqbht_br_aimg-2405.jpg
Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khai mạc hội thảo.

Nghị quyết được toàn thể thành viên UNESCO thông qua cũng là sự khẳng định rõ ràng nhất về những đóng góp to lớn của người Việt Nam trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội; đồng thời, thể hiện sự lan tỏa tài năng, trí tuệ của người Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, y dược cổ truyền Việt Nam là hệ thống đặc thù, có lịch sử lâu đời, đã tồn tại cùng với sự phát triển của dân tộc. Y dược cổ truyền có tiềm năng, vai trò to lớn và đã đóng góp một phần không nhỏ trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Trong tình hình hiện nay, việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng thành tựu khoa học trong lĩnh vực y dược cổ truyền đã đem lại nhiều thành tựu mới cho nền y dược cổ truyền Việt Nam; phát huy tiềm năng, thế mạnh của y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Hội thảo khoa học Y dược cổ truyền toàn quốc lần thứ III với chủ đề “Y dược cổ truyền kết hợp y dược hiện đại trong điều trị bệnh không lây nhiễm” là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 2024), có ý nghĩa quan trọng, góp phần khẳng định tầm vóc, giá trị và những đóng góp của đại danh y; phát huy những giá trị của danh y đã để lại cho nền y học cổ truyền nước nhà.

 
bqbht_br_aimg-2454.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu chào mừng tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu khẳng định, Hà Tĩnh rất vinh dự khi được Bộ Y tế chọn để tổ chức Hội thảo khoa học Y dược cổ truyền toàn quốc lần thứ III năm 2024. Đây là một hoạt động hết sức ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - ông Tổ của ngành y học cổ truyền Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng thông tin đến đại biểu một số thông tin khái quát về thành tựu của ngành Y tế Hà Tĩnh nói chung, lĩnh vực y học cổ truyền nói riêng. Theo đó, trong những năm qua, công tác y tế ở Hà Tĩnh được triển khai hiệu quả, góp phần bảo vệ và chăm sóc tốt sức khỏe cho Nhân dân.

bqbht_br_aimg-2487.jpg
Thạc sỹ Nguyễn Trung Quân - Viện Y học cổ truyền Quân đội với tham luận “Một số nội dung tư tưởng triết học về con người của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác”.

Nhiều đơn vị đã triển khai áp dụng các kỹ thuật mới, chuyên sâu trong khám, chữa bệnh. Tinh thần phục vụ, thái độ ứng xử của nhân viên y tế đối với người bệnh, người dân ngày càng nâng cao. Hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm được toàn ngành quan tâm thực hiện hiệu quả. Hoạt động tiêm chủng mở rộng trên địa bàn toàn tỉnh đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra…

Về lĩnh vực y học cổ truyền, Hà Tĩnh đã quan tâm thực hiện chỉ đạo của các cấp, ngành về phát triển nền y học cổ truyền Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong đó, chú trọng công tác chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh; nâng cao y đức, thái độ phục vụ; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sỹ; tăng cường công tác xã hội hóa nguồn lực; phát triển hệ thống khám chữa bệnh y học cổ truyền…

Kế thừa, phát huy di sản của Hải Thượng Lãn Ông, tỉnh đã có 12 đề tài, dự án cấp tỉnh về lĩnh vực y dược cổ truyền. Từ các công trình nghiên cứu này, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh và Công ty CP Dược Hà Tĩnh đã bào chế, sản xuất nhiều sản phẩm có giá trị cao.

bqbht_br_aimg-2495.jpg
BSCKII Đào Thị Minh Châu - Trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ một số kết quả nghiên cứu của đề tài "Đánh giá tác dụng của bài thuốc thanh thượng phòng phong thang kết hợp Adepalane trong điều trị bệnh trứng cá thông thường".

Các đơn vị trong ngành Y tế của tỉnh đã tích cực triển khai xây dựng và phát triển không gian văn hóa, di sản Hải Thượng Lãn Ông; xây dựng, chỉnh trang vườn thuốc nam tại các trạm y tế đảm bảo đủ chủng loại gắn với xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp. Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh tăng cường nghiên cứu, sưu tầm bổ sung các bài thuốc quý; bào chế và ứng dụng các sản phẩm mới từ bài thuốc, vị thuốc cổ truyền.

Tại Khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (Hương Sơn), đã có nhiều cây thuốc, bài thuốc quý được các địa phương, đơn vị hiến tặng cho vườn thuốc. Huyện Hương Sơn đẩy mạnh việc sưu tầm, trồng các loại cây thuốc nam bản địa, khôi phục các bài thuốc đông y cổ truyền; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị của di tích và lễ hội...

 
bqbht_br_aimg-2493.jpg
PGS.TS Trần Văn Thanh - Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương trình bày tham luận: "Khơi dậy niềm tự hào dân tộc qua sự kiện UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản cùng với sự trở mình của nền y học cổ truyền nước nhà".

Ban Tổ chức Hội thảo khoa học Y dược cổ truyền toàn quốc lần thứ III năm 2024 đã nhận được 27 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, y bác sỹ trong và ngoài nước liên quan đến chủ đề “Y dược cổ truyền kết hợp y dược hiện đại trong điều trị bệnh không lây nhiễm”, trong đó, có 9 tham luận được trình bày trực tiếp tại hội thảo.

Các tham luận đã khẳng định giá trị, tầm vóc cuộc đời, sự nghiệp của danh y Hải Thượng Lãn Ông; đồng thời, tập trung phân tích, làm rõ vai trò, hiệu quả của việc kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại trong điều trị bệnh nói chung, bệnh không lây nhiễm nói riêng.

Đại biểu cũng công bố các kết quả đề tài nghiên cứu khoa học; đề xuất nhiều giải pháp mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của y dược cổ truyền, mang lại lợi ích thiết thực trong công tác chăm sóc sức khỏe của người dân.

Những kết quả nghiên cứu, ý kiến tham luận tại hội thảo là cơ sở để ngành y tế kế thừa, phát triển những tri thức và tư tưởng của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông theo hướng phù hợp với chủ trương, đường lối phát triển nền y học Việt Nam, góp phần để ngành y làm tròn trọng trách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của Nhân dân.

Nhiều tham luận tiêu biểu trình bày tại hội thảo nhận được sự quan tâm của đại biểu như: Một số nội dung tư tưởng triết học về con người của đại danh y; Khơi dậy niềm tự hào dân tộc qua sự kiện UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản cùng với sự trở mình của nền y học cổ truyền nước nhà; Đánh giá tác dụng của bài thuốc thanh thượng phòng phong thang kết hợp Adepalane trong điều trị bệnh trứng cá thông thường; Bước đầu đánh giá tác dụng hạ acid uric của bài thuốc nam “thống phong - nk” trên người bệnh gout; Đánh giá tác dụng điều trị biến chứng thần kinh ngoại vi do hóa trị bằng điện châm, xoa bóp, bấm huyệt kết hợp cao thông u; Hiệu quả điều trị của hảo châm trên người bệnh hội chứng ống cổ tay, thử nghiệm lâm sàng trước - sau; Tìm hiểu nguồn gốc, nội hàm và vai trò của các loại khí trong lý luận “khí là soái của huyết”...

bqbht_br_aimg-2547.jpg
Đại biểu tham quan gian hàng giới thiệu các sản phẩm y dược cổ truyền của Hà Tĩnh bên lề hội thảo.

Tổng kết hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao chất lượng các tham luận trình bày tại hội thảo; đồng thời, đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu vào việc điều trị cho người bệnh, góp phần thực hiện tốt sứ mệnh chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế khuyến khích các bộ, ngành, địa phương tích cực đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực y tế nói chung, y học cổ truyền nói riêng. Tăng cường công tác tuyên truyền kết quả của hội thảo; góp phần phát huy giá trị di sản của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông để phát triển nền y học cổ truyền Việt Nam trong giai đoạn mới.

 

Dịp này, Bộ Y tế đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông về công tác y dược học cổ truyền lần thứ 7 và thứ 8. Theo đó, đã trao giải thưởng lần thứ 7 cho 54 cá nhân và giải thưởng lần thứ 8 cho 80 cá nhân có thành tích trong công tác kế thừa, bảo tồn, phát triển y dược cổ truyền.

bqbht_br_aimg-2608.jpg
Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trao bằng chứng nhận và huy hiệu cho các cá nhân đạt Giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông về công tác y dược học cổ truyền lần thứ 7...
bqbht_br_aimg-2619.jpg
... và giải thưởng lần thứ 8.
aimg-2627.jpg
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng các cá nhân đạt giải thưởng.
Theo baohatinh.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận