Vượt qua 775 dự án của học sinh, sinh viên trên cả nước, dự án của sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh đã giành giải ba cuộc thi khởi nghiệp toàn quốc.
Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” (Startup Kite) là hoạt động nằm trong Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” do Bộ GD&ĐT phối hợp Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.

Sau 7 năm triển khai (2018 - 2025), cuộc thi đã ghi nhận những con số ấn tượng với gần 2.239 dự án, ý tưởng khởi nghiệp đến từ các cơ sở giáo dục đại học; 4.598 ý tưởng, dự án của học sinh, sinh viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hơn 1.299 dự án từ các trường THPT, THCS trên toàn quốc.
Trong đó, khoảng 80% dự án đã hình thành sản phẩm cụ thể, 20% đang trong giai đoạn thử nghiệm sản xuất; nhiều dự án đạt giải đã nhận được vốn đầu tư từ Nhà nước và được triển khai sản xuất tại một số địa phương. Chất lượng ý tưởng khởi nghiệp ngày càng nâng cao và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tích cực.
Startup Kite lần thứ VII năm 2025 được phát động từ tháng 12/2024. Ban Tổ chức đã nhận được 775 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông trên toàn quốc.

Sau vòng bán kết, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 125 dự án xuất sắc tham dự vòng chung kết cuộc thi. Các ý tưởng khởi nghiệp năm nay được đánh giá có chất lượng, đa dạng, nội dung ý tưởng tập trung vào giải quyết các vấn đề của cộng đồng xã hội.
Hà Tĩnh có một dự án của Trường Cao đẳng Công nghệ được lọt vào vòng chung kết và giành giải ba của cuộc thi. Đó là dự án “Kính định hướng của người mù” do nhóm tác giả Nguyễn Tiến Trường (sinh viên Lớp CĐ-ĐCN-K28A1 - ngành Điện Công nghiệp, Khoa Điện) thực hiện dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Phan Trọng Tài (giảng viên Khoa Điện).
Sản phẩm “Kính định hướng cho người mù” được chế tạo trên nguyên lý sử dụng các loại cảm biến kết hợp với mạch điều khiển để phát hiện vật cản và phát ra cảnh báo bằng âm thanh, rung động.
Sản phẩm dùng để hỗ trợ người khiếm thị nhận biết được vật cản, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và môi trường xung quanh; giúp họ dễ dàng di chuyển, thuận tiện hơn trong quá trình sinh hoạt thay vì sử dụng gậy như thông thường.
Theo BHT