Ngày 20/01/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 119-KL/TW về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật. Trong đó, nêu rõ mục tiêu hàng đầu của công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới là tạo lập hệ thống pháp luật hoàn thiện, bảo đảm nền tảng pháp lý vững chắc, tạo động lực mạnh mẽ, bứt phá cho phát triển, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra đưa đất nước vững bước tiến vào “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Để thực hiện thành công mục tiêu này, đòi hỏi phải đổi mới tư duy về xây dựng pháp luật, đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật theo hướng chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả. Đồng thời, phải tập trung làm tốt 07 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:
Một là, Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; xác định rõ việc lãnh đạo công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng. Thực hiện nghiêm túc Quy định số 178-QĐ/TW, ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật.
Hai là, Đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Công tác xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, nâng cao năng lực phản ứng chính sách và giải quyết hiệu quả, kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra, lấy người dân, doanh
nghiệp làm trung tâm, chủ thể; bảo đảm cơ sở pháp lý và các điều kiện để đẩy mạnh thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền; cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ; dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong ban hành và tổ chức thi hành pháp luật. Các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài.
Ba là, Tiếp tục đơn giản hóa, giảm tầng nấc, loại hình văn bản quy phạm pháp luật.
Bốn là, Đổi mới mạnh mẽ việc xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội theo hướng vừa có chiến lược, định hướng dài hạn, vừa có chương trình hằng năm linh hoạt, bám sát thực tiễn cuộc sống. Hoàn thiện cơ chế “một luật sửa nhiều luật” để kịp thời sửa đổi, khắc phục ngay các quy định sơ hở, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Năm là, Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm dân chủ, chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả, minh bạch, dễ tiếp cận, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Sáu là, Tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong việc chủ động, tích cực tham gia xây dựng pháp luật. Hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, giải trình và tiếp thu ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Bảy là, Phát triển nguồn nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, thành thạo chuyên môn. Quan tâm bố trí đủ nguồn lực, có cơ chế tài chính và chế độ, chính sách đặc thù cho công tác và cán bộ làm công tác pháp chế, xây dựng pháp luật, xác định đầu tư cho xây dựng pháp luật là đầu tư cho phát triển; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong xây dựng pháp luật.
HP