Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cùng các thành viên Ban HĐND, UBND tỉnh dự họp.
Theo báo cáo giám sát chuyên đề về CCHC giai đoạn 2015-2018 cho thấy, công tác CCHC được UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung và triển khai thực hiện đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và phù hợp thực tiễn của địa phương. Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đã tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh tiếp tục được cải thiện.
Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Huy Hùng: Mặc dù các sở, ngành, địa phương đã rất nỗ lực CCHC nhưng tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hẹn, xử lý chậm vẫn còn, chủ yếu tập trung ở một số lĩnh vực phức tạp như: Đầu tư, đất đai, chế độ chính sách xã hội.. .
Thời gian, trình tự giải quyết TTHC được rút ngắn, bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời. Chất lượng giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được nâng cao. Tổ chức bộ máy của cơ quan hành chính nhà nước các cấp được củng cố, sắp xếp, kiện toàn đảm bảo đúng quy định, tinh gọn, hợp lý và phát huy hiệu quả.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành được quan tâm; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương các cấp từng bước được nâng cao.
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Phi Quang: Kết quả giám sát này có ý nghĩa rất quan trọng, nhìn nhận rõ những ưu điểm, đặc biệt là tồn tại hạn chế để khắc phục.
Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo giám sát cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như: Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, chưa quan tâm đúng mức đến công tác CCHC; việc cập nhật, niêm yết, công khai TTHC ở một số nơi chưa khoa học, đầy đủ và đúng quy định; tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hẹn, xử lý chậm vẫn còn, chủ yếu tập trung ở một số lĩnh vực phức tạp như đầu tư, đất đai, chế độ chính sách xã hội... Mặc dù các chỉ số đánh giá cấp tỉnh tăng cao so với những năm trước, tuy nhiên, trong từng chỉ số, các tiêu chí tăng chưa đồng đều, còn một số tiêu chí điểm không cao, tụt hạng và xếp hạng thấp trong cả nước.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh: UBND tỉnh đã phối hợp, báo cáo với đoàn giám sát các nội dung, văn bản đầy đủ. Nhiều nội dung tồn tại hạn chế đã được đoàn giám sát chỉ ra đã giúp UBND tỉnh khắc phục điều chỉnh trong quá trình điều hành, chỉ đạo.
Đoàn giám sát CCHC của HĐND tỉnh cũng kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật, trong đó quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan, đẩy mạnh phân cấp giữa Trung ương và địa phương, cơ quan Nhà nước thẩm quyền chung với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền riêng; tăng cường phân cấp quản lý các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công; sớm khắc phục tình trạng không đồng bộ trong quy định pháp luật.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y: Nhận thức của đội ngũ CBCCVC một số cơ quan, đơn vị, địa phương về công tác CCHC chưa thật sự đầy đủ, sâu sắc, chưa thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng và tác động tích cực của CCHC đối với thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn tại đơn vị
Đối với UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về CCHC để CBCCVC và nhân dân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nhận thức sâu sắc, đầy đủ về công tác CCHC. Tăng cường kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã đối với công tác CCHC.
Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn ghi nhận những đánh giá khách quan của đoàn giám sát. Tuy nhiên, báo cáo giám sát cần chỉ rõ “địa chỉ” còn tồn tại; phân tích nguyên nhân chủ quan kỹ hơn, giải pháp phải rõ hơn.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, thời gian qua, Hà Tĩnh đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, trong đó có sự đóng góp rất lớn của công tác CCHC của các cấp, ngành, đơn vị địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC, trong đó nguyên nhân chủ quan khá lớn. Đồng chí Lê Đình Sơn yêu cầu UBND tỉnh, các sở, ngành tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nghị quyết của Đảng, các kết luận, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh CCHC, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình CCHC. Tiếp tục chỉ đạo tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về CCHC để CBCCVC và nhân dân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nhận thức sâu sắc, đầy đủ về công tác CCHC.
Chỉ số CCHC (PAR INDEX) trong 3 năm 2015-2017 được duy trì ổn định và ở mức khá. Năm 2018, tăng 4 bậc so với 2017 và xếp thứ 13 cả nước, xếp thứ nhất các tỉnh cụm Bắc Trung Bộ; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc, xếp thứ 23 cả nước; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng 5 bậc, xếp thứ 7 cả nước; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) tăng 12, xếp thứ 4 cả nước. |
Theo baohatinh.vn