Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP Hồ Chí Minh năm 2018 do IPP đồng thực hiện. Ảnh: IPP2.
Trong bối cảnh thách thức do chưa có một hệ sinh thái khởi nghiệp đầy đủ để nuôi dưỡng và hỗ trợ thiết thực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) đã làm gì để hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo?
Nhìn nhận lại quá trình này, tại buổi Lễ kết thúc Chương trình IPP2 ngày 15/1, bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc chương trình IPP2 đã giải thích lý do tại sao IPP2 không lựa chọn con đường đơn giản là thuần túy hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp bằng cách tài trợ theo những quy trình công phu có sẵn trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của Quỹ Tekes Phần Lan mà đã đi con đường phức tạp hơn, đó là thử nghiệm các mô hình và các công cụ can thiệp chính sách mới đối với hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Chẳng hạn, ngay cả trong việc tổ chức chương trình tăng tốc đổi mới sáng tạo để đào tạo các kỹ năng mềm cho các nhóm khởi nghiệp, IPP2 cũng không chọn cách “dễ làm” là đưa các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam tham dự các khóa bootcamp ở nước ngoài - chỉ cần đóng một khoản tiền phí là có thể thực hiện được. Mà đi đến thử nghiệm chương trình tăng tốc khởi nghiệp ở Việt Nam, được "thiết kế" dành riêng cho các nhóm khởi nghiệp Việt Nam, do các chuyên gia đến từ Phần Lan, Thung lũng Silicon Hoa Kỳ và các chuyên gia người Việt Nam thực hiện.
Tuy nhiên, việc “gieo những hạt mầm” để hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo không đơn giản, mà phải dò dẫm thử nghiệm và chấp nhận rủi ro để đưa ra các giải pháp thực sự phù hợp với điều kiện của Việt Nam, như ông Lauri Laakso, cố vấn trưởng của IPP2 chia sẻ.
Năm 2015, IPP2 bắt đầu đợt kêu gọi đợt tài trợ đầu tiên dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và các nhóm liên danh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, IPP2 đã hỗ trợ các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và trình ban hành các chính sách lớn như Chương trình 844 về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, Luật Chuyển giao công nghệ, và một số văn bản quan trọng khác. Đồng thời, Chương trình IPP2 dần mở rộng ra các hoạt động khác, từ hỗ trợ thiết kế chính sách, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ hoạch định chính sách, hỗ trợ cho các đơn vị cung cấp dịch vụ cho khởi nghiệp và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đào tạo huấn luyện viên khởi nghiệp, cho tới các sáng kiến hợp tác với các trường đại học Việt Nam để đào tạo giảng viên nguồn và đưa chương trình đào tạo về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vào giảng dạy...
Nhờ những hoạt động đó, IPP2 “đã đi tiên phong trong việc thúc đẩy sự hình thành và phát triển một xu hướng mới và tiến bộ ở Việt Nam. Đó là Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, nơi gieo mầm, nuôi dưỡng tinh thần doanh nhân và khởi nghiệp sáng tạo để phát triển thành đội ngũ doanh nghiệp mạnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Các kết quả đạt được và tác động mang tính bền vững mà Chương trình IPP2 mang lại cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam là rất đáng ghi nhận và trân trọng”, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhận xét.
Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã trao tặng kỷ niệm chương và bằng khen cho các cá nhân đã hỗ trợ, đóng góp và xây dựng Chương trình IPP2.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trao kỷ niệm chương cho ông Marko Saarinen (giữa), Tham tán Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam, đồng Trưởng ban chỉ đạo IPP2 và ông Lauri Laakso (phải), cố vấn trưởng Chương trình IPP2. Ảnh: Bảo Như
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và Đại sứ Phần Lan Kari Kahiluoto trao tặng bằng chứng nhận khen thưởng cho các cá nhân có đóng góp cho Chương trình IPP2. Ảnh: Bảo Như
Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) là Chương trình hợp tác phát triển giữa hai Chính phủ Việt Nam và Phần Lan, thực hiện trong 4.5 năm (3/2014-10/2018) với tổng ngân sách của Chương trình là 11 triệu Euro, trong đó Chính phủ Phần Lan tài trợ 9.9 triệu Euro, phần đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 1.1 triệu Euro. Chương trình có ba cấu phần chính: (i) Phát triển môi trường thể chế và xây dựng năng lực về đổi mới sáng tạo; (ii) thiết lập quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo và (iii) hỗ trợ các dự án khởi nghiệp sáng tạo.
Nhìn tổng thể, các hoạt động của Chương trình IPP2 đã tác động tích cực tới hầu hết các yếu tố cấu thành của Hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, bao gồm từ i) Chính sách của Chính phủ và khung pháp lý (Government Policy; Regulatory Framework); ii) Định chế tài chính cho khởi nghiệp (Funding and Finance); iii) Văn hóa khởi nghiệp thông qua đào tạo, lan tỏa tri thức (Culture); iv) Đội ngũ chuyên gia huấn luyện, tư vấn khởi nghiệp (Mentors, Advisors & Support Systems); v) Vai trò của các trường đại học như nhân tố xúc tác khởi nghiệp (Universities as Catalysts); vi) Giáo dục và đào tạo khởi nghiệp (Education & Training); và vii) Gián tiếp tác động tới chất lượng nguồn nhân lực (Human Capital & Workforce) thông qua các nỗ lực hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cũng như thúc đẩy chương trình đào tạo và giảng dạy về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại các trường đại học của Việt Nam. |
Theo: khoahocphattrien.vn