01:21 | 12-01-2022

Cộng đồng đổi mới sáng tạo cần đưa ra giải pháp công nghệ, mô hình kinh doanh mới

Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), hiện nay Chính phủ rất quan tâm tới hoạt động đổi mới sáng tạo và đưa ra thông điệp ủng hộ cơ chế thử nghiệm thúc đẩy đổi mới, tạo hiệu quả rõ rệt nhất để giúp đất nước vượt qua những tác động tiêu cực của Covid-19.

Trong bối cảnh hiện nay, cộng đồng đổi mới sáng tạo cần đưa ra giải pháp công nghệ, mô hình kinh doanh mới để giải quyết được những vấn đề của xã hội dưới ảnh hưởng của dịch bệnh. Các giải pháp đổi mới sáng tạo phải mang tính toàn diện, toàn dân, lấy con người làm mục tiêu cuối cùng để phục vụ, giúp cuộc sống con người được tốt hơn bằng công nghệ mới, các giải pháp tổ chức quản lý có tính sáng tạo.

Theo ông Phạm Hồng Quất, từ các mô hình thành công ở các đơn vị, địa phương, các trường đại học với nguồn lực về trí tuệ, vốn, thị trường... phát triển những sản phẩm đổi mới sáng tạo của người Việt đi ra thị tường quốc tế hoặc thu hút nước ngoài tham gia là cơ sở để cơ quan quản lý đưa ra chính sách phát triển.

"Những thành công này rất quan trọng để chúng tôi xây dựng chính sách thí điểm thúc đẩy những mô hình này", ông Quất nói và cho rằng việc xây dựng chính sách thí điểm không bị ảnh hưởng các mô hình truyền thống để mở đường cho những cái mới.

Ở góc nhìn về đầu tư, ông Phạm Duy Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ khởi nghiệp Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam chia sẻ phải xác định đầu tư về đổi mới sáng tạo là đầu tư mạo hiểm, không phải đầu tư chắc chắn. Chỉ khi xác định như vậy thì hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mới được đầu tư mạnh mẽ. Việc đầu tư này rất động, thay đổi liên tục và trông chờ vào sự trưởng thành của các nhóm khởi nghiệp. Đầu tư trong đổi mới sáng tạo không giới hạn sự tham gia của các nhà đầu tư khác nhau. Nếu hợp lực lại sẽ tạo ra sự sáng tạo rất lớn.

Năm 2020 do tác động của dịch COVID-19, đầu tư khởi nghiệp vào Việt Nam giảm hơn 60%, từ 861 triệu USD năm 2019 xuống 317 triệu USD. Tuy nhiên, năm 2021, Việt Nam ghi nhận sự gia tăng vượt bậc về thu hút đầu tư khởi nghiệp với trên 1,3 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục trong hoạt động đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam.

Ảnh minh hoạ

Dù vậy, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN TP.HCM đặt vấn đề Việt Nam có 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng mỗi năm chỉ có khoảng 100 dự án được gọi vốn; thậm chí có năm chỉ 60 dự án gọi vốn.

Đơn cử năm 2021 rất thành công nhưng chỉ có 147 dự án được gọi vốn, dù hiện có 200 tổ chức đầu tư tại Việt Nam. Trung bình mỗi quỹ đầu tư 1 năm gọi vốn chưa được một dự án. Do vậy, các vườn ươm, đơn vị tăng tốc khởi nghiệp cần tìm hiểu, nắm bắt được nhà đầu tư cần gì để đáp ứng được thị trường này.

Trước đó, theo thống kê của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, vốn đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam năm 2021 đạt hơn 1,3 tỷ USD, tức là tăng gấp 4 lần so với năm trước. Tính tới nay, cả nước đã có hơn 3.800 startup, với 3 "kỳ lân" - doanh nghiệp được định giá từ một tỷ USD - gồm VNG, VnPay và MoMo cùng với khoảng 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD. Hệ sinh thái khởi nghiệp cũng đã có bước phát triển lớn, có khoảng hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, bao gồm quỹ đầu tư, cơ sở ươm mầm khởi nghiệp, khu làm việc chung.

Ước tính đến nay có hơn 200 quỹ đã đầu tư vào các startup ở Việt Nam, hoạt động đa lĩnh vực như Fintech, thương mại điện tử, hậu cần, bảo hiểm, bất động sản, giáo dục, y tế... Cùng với các quỹ đầu tư mạo hiểm VC/PE, các tập đoàn lớn đang trong quá trình mở rộng hệ sinh thái của mình trên thị trường trong và ngoài nước cũng là nguồn đầu tư khởi nghiệp lớn và quan trọng.

Các công nghệ mới như AI, Big Data, Blockchain... cũng được nhiều startup ứng dụng, khai thác. Thị trường đã xuất hiện một làn sóng mới, khởi nghiệp với công nghệ blockchain trong game, NFT. Hệ sinh thái hỗ trợ cho các công ty trong xu hướng này cũng hình thành đặc biệt nhanh.

Nhận định về việc nguồn vốn đầu tư cho cộng đồng startup tăng cao, ông Hoàng Đức Trung, Giám đốc điều hành VinaCapital Ventures chỉ ra 2 nguyên nhân. Thứ nhất, Việt Nam là thị trường mới nổi quy mô lớn với dân số lên đến 100 triệu người, nền kinh tế phát triển nhanh, từ đó cũng phát sinh nhiều "điểm nghẽn – pain point" trong tất cả lĩnh vực, đặc biệt là logistics, y tế, giáo dục, tài chính, bảo hiểm... tạo nên "mảnh đất màu mỡ" cho các startup. Nhờ đó, cộng đồng này ngày càng lớn mạnh và thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.

Thứ hai, làn sóng khởi nghiệp hiện tại ở Việt Nam đã là thế hệ thứ ba, các nhà sáng lập đã có nhiều kinh nghiệm trong gọi vốn, quản trị, nắm vững các công nghệ mới, có được sự pha trộn tốt giữa tiếp cận trình độ quốc tế và kinh nghiệm địa phương. Các trường đại học và tập đoàn lớn cũng giúp đào tạo và cung cấp nguồn lực lao động công nghệ chất lượng cao.

Riêng trong lĩnh vực công nghệ, Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển khởi nghiệp. Đây là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư như dân số trẻ có trình độ học vấn, độ phủ internet và tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh cao; đặc biệt là sự hỗ trợ của Chính phủ trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số (đặt mục tiêu đóng góp 30% vào GDP).

Theo vietq.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận