Đó là nhận định của ThS.Trẩm Bích Lộc – Đại học Sài Gòn tại Hội thảo quốc tế “Khởi tạo doanh nghiệp cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TPHCM” do Trường ĐH Sài Gòn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM tổ chức ngày 18/12 tại TPHCM.
Hiện nay, đã có nhiều chính sách, quyết định của Chính phủ đã khiến các trường đại học chú trọng hơn trong việc đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên. Cụ thể như các buổi hội thảo, tư vấn, giao lưu giữa chuyên gia và sinh viên đã được tổ chức để bàn về vấn đề khởi nghiệp. Rất nhiều cuộc thi dành cho sinh viên để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp; thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp… nhằm truyền kiến thức và khát khao khởi nghiệp cho sinh viên. Bên cạnh đó, một số trường đã đưa khởi nghiệp trở thành môn học tự chọn hoặc bắt buộc trong chương trình học, mở mã ngành mới chuyên đào tạo khởi nghiệp.
Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động khởi nghiệp của sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng hiện nay chưa hiệu quả. Sinh viên được truyền cảm hứng nhưng thường đó chỉ mới là cảm xúc nhất thời. Bà Lộc cho rằng, nguyên nhân trên là do sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp vẫn còn ở mức độ thấp, chủ yếu chỉ dừng lại ở việc đưa sinh viên đến thực tập hoặc doanh nghiệp cấp học bổng cho sinh viên trường, hỗ trợ trường mua thiết bị… Vì vậy, những dự án của sinh viên chưa mang tính thực nghiệm cao.
Trong bối cảnh đó, bà Lộc cho rằng, các trường cần tích cực hơn nữa trong việc hợp tác với các doanh nghiệp. Trong đó, nên xây dựng mô hình spin - off đang khá phổ biến ở các nước phát triển để thương mại hóa các công trình nghiên cứu khoa học và đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ giữa trường đại học và doanh nghiệp. Điều này không chỉ giúp việc hợp tác với doanh nghiệp dễ dàng hơn, mà còn tạo động lực cho sinh viên trong vấn đề khởi nghiệp.
Các diễn giả chia sẻ những vấn đề về khởi nghiệp của sinh viên tại Hội thảo
PGS.TS. Trần Đình Phụng, Trưởng khoa Tài chính – Kế toán Trường Đại học Sài Gòn, thì cho rằng, “Để khởi nghiệp thành công, trước hết phải xuất phát từ bản thân sinh viên. Tuy nhiên, để có được tinh thần, ý tưởng và hành động khởi nghiệp thì nhà trường đóng vai trò hết sức quan trọng” - TS. Phụng nhấn mạnh.
Vì vậy, các trường cần từng bước tích hợp nội dung giáo dục tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh vào chương trình đào tạo các ngành. Đồng thời, xây dựng chương trình đào tạo các khóa học ngắn hạn nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng khởi tạo doanh nghiệp một cách thiết thực, phù hợp với từng đối tượng như sinh viên đang học, sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm, học viên sau đại học.
“Phương pháp giảng dạy các khóa khởi tạo doanh nghiệp cần sinh động, thiết thực, thu hút người học. Giảng viên các khóa học này nên là những doanh nhân thành đạt” – theo TS. Phụng.
Hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp giúp sinh viên có nhiều cơ hội khởi nghiệp
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Chu - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen - cho rằng, doanh nghiệp nên xem việc hợp tác, liên kết với các trường đại học là một mục tiêu chiến lược và lâu dài. “Các sản phẩm từ khởi nghiệp nên được áp dụng vào thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Xác định đầu tư cho khởi nghiệp cũng chính là góp phần vào việc tạo ra các giải pháp, công nghệ, cũng như nguồn đối tác tiềm năng cho chính doanh nghiệp mình” – ông Chu nói.
Theo: khoahocphattrien.vn