Kết quả này được báo cáo trong Hội nghị về sở hữu trí tuệ (SHTT) năm 2023 do Cục SHTT (Bộ KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức vào ngày 9/3.
Đây là sự kiện thường niên nhằm tổng kết hoạt động trong lĩnh vực SHTT trong năm vừa qua. “Hội nghị SHTT hằng năm đã trở thành diễn đàn quan trọng của ngành KH&CN, nơi Cục SHTT báo cáo về hoạt động quản lý nhà nước về SHTT tại Trung ương, đồng thời là nơi để trao đổi về hoạt động SHTT ở các địa phương, doanh nghiệp và viện, trường”, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhận xét.
Theo báo cáo của Cục SHTT, số vụ xâm phạm quyền SHTT được xử lý trong năm 2022 và số tiền phạt đi kèm đều tăng mạnh. Tiêu biểu như trong lĩnh vực nhãn hiệu, cả nước đã có 1.430 vụ xâm phạm quyền về nhãn hiệu đã được xử lý với tổng số tiền phạt là hơn 18 tỷ đồng, tăng gần 30% về số vụ và 35% tổng tiền phạt so với năm 2021.
Một số vụ việc tiêu biểu như vào tháng 3/2022, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra đột xuất và thu giữ số lượng lớn thực phẩm bổ sung viên sủi Vitamin BEEROCAC+ do Công ty cổ phần thương mại Open Pharma (Việt Nam) sản xuất có dấu hiệu xâm phạm quyền của nhãn hiệu Bayer Consumer Care AG (Thụy Điển). Cơ sở vi phạm đã bị xử phạt hành chính hơn 500 triệu đồng.
Một trường hợp khác là nhãn hiệu Nón Sơn cũng bị xâm phạm ở quy mô lớn vào năm 2022. Cụ thể vào tháng 1/2022, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an TP.HCM đã bắt giữ đường dây làm nón vải giả nhãn hiệu Nón Sơn, thu giữ tang vật gồm 30.000 nón vải có giá trị hơn 30 tỷ đồng nếu bán theo giá hàng thật.
Cục SHTT đã hỗ trợ thực thi quyền thông qua việc cung cấp 219 ý kiến chuyên môn cho các cơ quan thực thi quyền; tham gia 9 vụ kiện tại tòa án và tham gia Ban thường trực Chương trình phối hợp hành động chống xâm phạm quyền SHTT quốc gia.
Bên cạnh những kết quả đạt được về thực thi quyền, hoạt động bảo hộ và xác lập quyền SHTT cũng đạt được những kết quả đáng chú ý. Cụ thể, tổng số đơn nộp vào Cục trong năm 2022 (bao gồm đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp như sáng chế, nhãn hiệu, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp… và các loại đơn khác như đơn khiếu nại, đơn đề nghị chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ) tăng hơn 7% so với năm 2021. Nhờ nỗ lực đẩy nhanh công tác xử lý, số lượng văn bằng bảo hộ cấp ra cũng tăng 8,3% so với năm 2021; kết quả giải quyết đơn khiếu nại và đơn đề nghị chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ tăng 18%.
Dù số lượng đơn sáng chế của người Việt Nam vẫn còn thấp so với chủ đơn người nước ngoài, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm số đơn của chủ thể Việt Nam đang tăng nhanh hơn so với đơn của nước ngoài. Trong giai đoạn 2013 - 2022, tốc độ tăng trưởng bình quân của đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích tại Việt Nam là 9,11%/năm. Trong đó, tốc độ tăng trưởng đơn đăng ký giải pháp hữu ích của chủ thể Việt Nam là 8,82%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng của chủ thể nước ngoài là 4,74%.
Làm thế nào để khai thác những sáng chế này vẫn còn là một thách thức. "Số lượng các đối tượng SHTT (bao gồm sáng chế) được chuyển giao quyền sử dụng và quyền sở hữu vẫn còn khiêm tốn so với số đơn và số bằng bảo hộ, cho thấy hoạt động quản lý, khai thác tài sản trí tuệ hiện nay chưa thực sự hiệu quả", ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục SHTT, nhận xét. "Một số nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế; nhiều kết quả nghiên cứu được tạo ra chưa gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh; hợp tác giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp chưa được chặt chẽ; liên kết theo chuỗi giá trị giữa các tác nhân nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh còn yếu".
Một bài toán khác mà Cục SHTT phải đối mặt từ nhiều năm nay liên quan đến hoạt động xử lý đơn. Dù kết quả xử lý đơn được cải thiện song tình trạng tồn đọng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp vẫn còn nhiều. Nguyên nhân là do “khối lượng công việc rất lớn, trong khi hầu hết các đơn vị thuộc Cục SHTT thiếu nhân lực, nguồn kinh phí thường xuyên cấp cho Cục SHTT ngày càng giảm, cơ chế tự chủ không được bảo đảm theo quy định. Điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật xuống cấp đáng kể, chưa đáp ứng nhu cầu công việc và điều kiện làm việc”, theo báo cáo của Cục SHTT.
Để khắc phục vấn đề này, trong thời gian tới, Cục SHTT sẽ tập trung kiện toàn cơ cấu tổ chức và nhân lực, hoàn thành dự án hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin; xây dựng và vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức 4; đồng thời đẩy nhanh việc xây dựng và ban hành các quy chế tiếp nhận và xử lý đơn sở hữu công nghiệp…
Về phần thúc đẩy hoạt động SHTT, có bảy nhóm giải được báo cáo nêu ra: (1) nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về SHTT; (2) đẩy mạnh hoạt động thực thi quyền SHTT, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan hành chính và cơ quan tư pháp, đặc biệt là tăng cường xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT trong môi trường kỹ thuật số; (3) thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ như cung cấp bản đồ công nghệ, báo cáo phân tích thông tin sở hữu công nghiệp...; (4) khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ thông qua việc phát triển các trung tâm chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hộ và khai thác quyền SHTT...; (5) phát triển các hoạt động hỗ trợ về SHTT, bao gồm nâng cao năng lực hoạt động bổ trợ tư pháp về SHTT, phát triển đội ngũ giảm định viên; (6) tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động SHTT; (7) Xây dựng văn hóa SHTT.
Nguồn: khoahocphattrien.vn