Toàn cảnh hội nghị . Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá một năm triển khai CPĐT để nhân rộng; nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ và bổ sung, hoàn thiện các giải pháp trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, hội nghị diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tích cực triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới, nếu làm tốt CPĐT cũng là một trong những biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh này.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh và Phó Giám đốc Sở Thông tin truyền thông Bùi Đắc Thế điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
Ngày 7/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025. Trong năm 2019, công cuộc xây dựng CPĐT đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Hệ thống trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ; Cổng Dịch vụ công quốc gia được khai trương và đi hoạt động đã đạt được những hiệu quả bước đầu. Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng được cải thiện.
Đại diện các sở, ngành tham dự hội nghị tại đầu cầu Hà Tĩnh
Đến nay, 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia. Tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi qua mạng tăng từ 72% năm 2018 lên 86,5% năm 2019.
Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (GSP) tăng từ 3% năm 2018 lên 27% năm 2019; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng hơn hai lần so với năm 2018 …
Trong năm 2019, công tác cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn kết với xây dựng CPĐT cũng đã có những kết quả tích cực.
Đến nay, cả nước có 55/63 địa phương tổ chức Trung tâm phục vụ hành chính công; tỷ lệ giải quyết đúng hạn hồ sơ đạt 95,8%.
Các điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành được rà soát, đã cắt giảm 3.451/6.191 điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.
Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
Đại biểu tại đầu cầu Hà Tĩnh theo dõi hội nghị
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra các mặt tồn tại trong thực hiện CPĐT như: Các cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển CPĐT chậm được triển khai; an toàn, an ninh mạng tại các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế; hạ tầng kỹ thuật trong các cơ quan nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu,...
Đại diện các bộ, ngành, địa phương đã trình bày tham luận về tình hình thực hiện chính quyền điện tử tại đơn vị, vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho CPĐT, những khó khăn, điểm nghẽn khi thực hiện chính quyền điện tử,...
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh xây dựng CPĐT nhất định phải gắn với cải cách hành chính. Phó Thủ tướng cũng quán triệt xây dựng CPĐT phải huy động mọi nguồn lực, thực hiện về vấn đề: Đẩy mạnh thanh toán điện tử; liên thông dữ liệu; đảm bảo an ninh,...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự nỗ lực vượt bậc của các bộ, ngành, địa phương đã có những việc làm mang lại hiệu quả thiết thực như: Rút ngắn thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp; dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng gấp đôi,...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh : VGP/Quang Hiếu
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng nước ta đang đứng thứ 88/193 quốc gia trên thế giới và thứ 6/11 nước trong khối ASEAN về xây dựng CPĐT, như vậy là còn thấp. Vì vậy, cần tiếp tục nỗ lực để làm tốt hơn.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị một số đơn vị thực hiện CPĐT cần có đánh giá bước đầu về kết quả thực hiện CPĐT trong năm 2019 để tiếp tục lộ trình xây dựng CPĐT.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy vai trò người đứng đầu, chịu trách nhiệm trực tiếp về triển khai thực hiện CPĐT; bộ, ngành, các địa phương quản lý tốt, chống tham nhũng trong thực hiện chính quyền điện tử; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, tránh sự chồng chéo trong quá trình thực hiện.
Theo baohatinh.vn