Kể từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã sử dụng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu như một công cụ quản lý điều hành quan trọng và đã phân công các bộ, cơ quan, địa phương có trách nhiệm cải thiện chỉ số này, trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ là đầu mối theo dõi, điều phối chung. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng cũng như sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, chỉ số GII của Việt Nam liên tục được cải thiện, từ vị trí 59 (năm 2016) lên vị trí 42 (năm 2020).
Cụ thể, so với năm 2019, nhóm chỉ số đầu vào, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo tăng 1 bậc, trong đó trình độ phát triển kinh doanh tăng 30 bậc từ vị trí 69 lên 39. Trong nhóm chỉ số đầu ra, chỉ số về các sản phẩm sáng tạo tăng 9 bậc (từ vị trí 47 lên 38); chỉ số hợp tác viện trường – doanh nghiệp tăng 10 bậc (từ 75 lên 65); chỉ số công bố bài báo khoa học và kĩ thuật tăng 13 bậc (từ 74 lên 61); năng lực hấp thụ tri thức tăng 13 bậc (từ vị trí 23 lên 10). Đặc biệt, chỉ số giá trị thương hiệu toàn cầu lần đầu tiên được sử dụng để đánh giá xếp hạng cũng ghi nhận kết quả tốt của Việt Nam khi đứng ở vị trí thứ 19 với 33 thương hiệu nằm trong Top 5000 thương hiệu hàng đầu.
Theo ông Bùi Thế Duy – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, trong xếp hạng chỉ số GII năm nay, nhóm chỉ số đầu vào tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo tiếp tục tăng là minh chứng cho việc chúng ta tiếp tục duy trì sự đầu tư của nhà nước, cũng như các doanh nghiệp cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi như thể chế, trình độ kinh doanh, tín dụng tiếp tục ở mức cao. Từ việc đầu tư đầu vào như vậy thì các chỉ số đầu ra của chúng ta cũng tiếp tục được duy trì và tăng.
Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu như một đánh giá khách quan của quốc tế về từng lĩnh vực quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Các Bộ, ngành, địa phương qua đó nhận ra được những điểm mạnh, điểm yếu trong công tác quản lý nhà nước của mình. Từ đó cần phải tập trung vào khắc phục những điểm yếu cũng như phát huy các điểm mạnh.
Theo các chuyên gia, để tiếp tục cải thiện thứ hạng trong chỉ số GII một cách bền vững, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng cả các yếu tố đầu vào của đổi mới sáng tạo, trong đó, đặc biệt lưu ý cải thiện các nhóm chỉ số về hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin, cải thiện môi trường kinh doanh, chất lượng các quy định pháp luật, nâng cao chất lượng lực lượng lao động.
Các doanh nghiệp đã chú trọng trong đầu tư cho KH, CN và đổi mới sáng tạo, liên kết viện – trường – doanh nghiệp
Chỉ số GII là một bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia, được WIPO phối hợp với Viện INSEAD và Đại học Cornell, Hoa Kỳ xây dựng lần đầu tiên vào năm 2007 và liên tục hoàn thiện. Bộ chỉ số này mang tính toàn diện, phản ánh được tất cả các khía cạnh của hệ thống Đổi mới sáng tạo quốc gia, bao gồm cả các yếu tố về thể chế, cơ sở hạ tầng, thị trường,… |
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN