Sáng 9/11, Đoàn công tác Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh do đồng chí Bùi Quang Hoàn - Giám đốc Sở làm trưởng đoàn cùng đồng chí Bùi Phong An Phó Giám đốc Sở, đại diện lãnh đạo, chuyên viên một số phòng đã đến tham quan mô hình Trồng hoa công nghệ cao trên đèo Sa Mù của Trạm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ Bắc Hướng Hóa thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị
Đèo Sa Mù là một địa danh heo hút ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Với độ cao trung bình từ 1.000 - 1.500m so với mực nước biển, có khí hậu mờ sương, nhiệt độ trung bình 20 độ C. Đây là địa điểm lý tưởng hội tụ mọi điều kiện thích hợp để trồng các giống hoa ôn đới có giá trị kinh tế cao.
Đỉnh Sa Mù được ví như Đà Lạt thứ hai
Mô hình Trồng hoa công nghệ cao trên đèo Sa Mù bắt đầu triển khai năm 2016 từ nguồn vốn ban đầu của dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 của Chính phủ.
Mô hình trồng Lan Hồ điệp
Đến nay mô hình có diện tích 9ha gồm 02 cơ sở (cơ sở 1 ở Thôn Chênh Vênh diện tích 7ha, cơ sở 2 ở Thôn Hướng Phú diện tích 02ha) tại xã Hướng Phùng huyện Hướng Hoá tỉnh Quảng Trị do Trạm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ Bắc Hướng, Sở Khoa học và Công nghệ Tỉnh Quảng Trị đầu tư gồm hệ thống nhà kính với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ cao (nông nghiệp 4.0), các công đoạn đa phần đều được tự động hóa như tưới, hệ thống kéo rèm, điều khiển nhiệt độ, ẩm độ. Đặc biệt, những nguyên liệu sẵn có từ thiên nhiên như hệ thống nước tự chảylấy từ trên núi, pin sử dụng năng lượng mặt trời… sẽ góp phần bảo vệ môi trường và hạ giá thành sản phẩm.
Hàng năm Mô hình trồng hoa công nghệ cao trên đèo Sa Mù đã trồng và tiêu thụ hơn 5.000 chậu hoa lily, 50.000 cây hoa lan hồ điệp được nhập giống từ Đài Loan với 10 màu khác nhau, 2.000 chậu hoa hồng môn, 10.000 cây dâu tây, 7.000 cây hoa tulip, …
Mô hình trồng dâu tây
Bên cạnh các loại hoa, Trạm đã nghiên cứu và đưa các loại dược liệu quý hiếm và một số loại dược liệu có tại bản địa vào sách đỏ để bảo tồn và phát triển như: lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa, cùng nhiều loại dược liệu khác để phục tráng, phục hồi lại và nhân rộng các nguồn dược liệu phù hợp với khí hậu vùng Bắc Hướng Hóa.
Sau chuyến công tác, Giám đốc Sở đề nghị các cán bộ các phòng chuyên môn học tập kinh nghiệm từ mô hình trồng hoa công nghệ cao trên đèo Sa Mù, phối hợp với các địa phương tỉnh Hà Tĩnh nghiên cứu tình hình đặc điểm khí hậu, địa lý để tham mưu triển khai các mô hình nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thanh Loan