11:10 | 27-12-2024

Phát huy giá trị di sản Hải Thượng Lãn Ông trong dòng chảy của văn hóa Hà Tĩnh

“Hà Tĩnh tự hào là quê hương của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và là nơi Đại danh y, Danh nhân văn hóa gắn bó phần lớn cuộc đời với việc chữa bệnh cứu người. Phát huy giá trị di sản Hải Thượng Lãn Ông nói riêng, các giá trị di sản văn hóa nói chung, Hà Tĩnh luôn ưu tiên nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp để đưa văn hóa phát triển toàn diện, trở thành sức mạnh nội sinh, động lực to lớn trên hành trình phát triển bền vững”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu đã khẳng định điều này trong cuộc trao đổi cùng Báo Hà Tĩnh trước thềm lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

thanh-1-3417.png

- P.V: Thưa ông, cách đây hơn 1 năm, UNESCO đã ra nghị quyết vinh danh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Xin ông cho biết về những giá trị, đóng góp của Đại danh y được UNESCO ghi nhận?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu: Phiên họp của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 ngày 21/11/2023 đã thông qua nghị quyết phê chuẩn danh sách các “Danh nhân Văn hóa và Sự kiện lịch sử niên khóa 2023-2024” trong đó có hồ sơ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

bqbht_br_anh1.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao kiêm Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Nguyễn Minh Vũ, GS.TS Lê Gia Vinh - Chủ tịch Hội hình thái học Việt Nam và PGS.TS Biện Minh Điền - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Vinh (Nghệ An) chủ trì hội thảo khoa học quốc tế “Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - danh nhân văn hóa và giá trị di sản”.

Hồ sơ đề cử của Việt Nam được Đại hội đồng UNESCO ghi nhận về sự chuẩn bị khoa học, kỹ lưỡng, nêu bật được những đóng góp, những giá trị, thông điệp tiêu biểu, nổi bật của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Cộng đồng quốc tế đánh giá cao Lê Hữu Trác ở khía cạnh người thầy thuốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam với kiến thức uyên thâm, có tấm lòng bao dung, yêu thương vô hạn với mọi người. Lê Hữu Trác luôn coi việc bảo vệ sinh mệnh người dân là nhiệm vụ hàng đầu. Với ông, “đạo làm thuốc là một nhân thuật có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng người ta, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc giúp người, làm phận sự của mình mà không cầu kể công”.

Đến nay, các bài thuốc, phương pháp điều trị của Lê Hữu Trác vẫn còn nguyên giá trị, chứa đựng nhiều triết lý sâu sắc về cuộc sống và quan niệm nhân sinh. Cả cuộc đời Lê Hữu Trác đã dành hết tâm lực, trí tuệ để làm thuốc, chữa bệnh cứu người và kho tàng nghiên cứu của ông đã đưa nền y học cổ truyền của Việt Nam lên tầm nhân loại. Lê Hữu Trác là tấm gương sáng ngời về y đức, y đạo, y lý, y thuật… không những ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới rất ngưỡng mộ.

bqbht_br_full1.jpg
Quần thể Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa - lịch sử về Đại danh y.
bqbht_br_a1a.jpg
bqbht_br_a1b.jpg
bqbht_br_a1c.jpg
bqbht_br_a1d.jpg
Nhà thờ và khu tưởng niệm Hải Thượng Lãn Ông đang lưu giữ một số tư liệu, hiện vật được phục dựng như: dụng cụ bào chế thuốc, diều sáo, bản sách thuốc Hải Thượng Lãn Ông toàn thư, sách Y gia tâm lĩnh, Hải Thượng Y tông tâm lĩnh...

Quan điểm, hành xử và tư tưởng vượt tầm thời đại của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong suốt cuộc đời chữa bệnh cứu người cũng đồng nhất với lý tưởng và sứ mệnh của UNESCO trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học, văn hóa, thông tin - truyền thông, góp phần thúc đẩy hòa bình, đối thoại văn hóa, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.

 

Việc UNESCO vinh danh danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Việt Nam là sự ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của cá nhân danh y đối với xã hội, cộng đồng. Đồng thời, qua đó giúp thế giới nhận diện và tôn vinh những đóng góp to lớn của y học cổ truyền Việt Nam trên bản đồ y học quốc tế.

thanh-1-3417.png

- P.V: Vậy, sau khi Hồ sơ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông được thông qua, Hà Tĩnh đã có sự chuẩn bị như thế nào cho sự kiện lễ kỷ niệm và đón nhận vinh danh của UNESCO, thưa ông?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu: Ngay sau khi UNESCO có Nghị quyết vinh danh và đồng kỷ niệm, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Trung ương Đảng và Ban Tuyên giáo Trung ương, BTV Tỉnh ủy Hà Tĩnh ban hành Kế hoạch số 269-KH/TU ngày 20/6/2024 về tuyên truyền và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo sát sao để tổ chức thành công đại lễ kỷ niệm quy mô cấp quốc gia vào cuối tháng 12/2024.

bqbht_br_anh6.jpg
Tỉnh đã tập trung chỉ đạo huyện Hương Sơn và các sở, ngành liên quan lập dự án trùng tu, tôn tạo di tích Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác với tổng kinh phí trên 15 tỷ đồng.

Tỉnh đã tập trung chỉ đạo huyện Hương Sơn và các sở, ngành liên quan lập dự án trùng tu, tôn tạo di tích Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác với tổng kinh phí trên 15 tỷ đồng; triển khai trồng bổ sung cây dược liệu tại vườn thuốc và chỉnh trang khuôn viên khu di tích; chỉ đạo Sở VH-TT&DL xây dựng hồ sơ khoa học và đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác là di tích quốc gia đặc biệt… Ngành Y tế tiếp tục kế thừa, phát huy di sản của Đại danh y, nghiên cứu, ứng dụng các bài thuốc y học cổ truyền quý để nâng cao chất lượng, hiệu quả điều trị bệnh nhân; tiếp tục xây dựng và phát triển không gian văn hóa, di sản Hải Thượng Lãn Ông tại các cơ sở y tế. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các cơ quan chuyên môn, báo chí của tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp của Đại danh y; xuất bản một số tác phẩm về Lê Hữu Trác, tổ chức cuộc thi tìm hiểu thân thế, sự nghiệp Lê Hữu Trác…

Cùng với các hoạt động nêu trên, lãnh đạo tỉnh cũng tích cực làm việc với Bộ VH-TT&DL để tổ chức triển lãm “Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác” tại tỉnh Hà Tĩnh; Bộ Y tế tổ chức Hội nghị khoa học y, dược cổ truyền toàn quốc lần thứ 3, tổng kết công tác y, dược học cổ truyền năm 2024; trao Giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông lần thứ 7 và 8; đồng phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về Lê Hữu Trác tại tỉnh Hưng Yên.

bqbht_br_full2.jpg
Đoàn công tác Bộ Y tế, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh dâng hương tưởng niệm 232 năm ngày mất của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông - xã Quang Diệm, Hương Sơn (tháng 2/2023). Ảnh tư liệu

Cùng với sự quan tâm, chuẩn bị chu đáo của các cấp, ngành để tổ chức thành công lễ cấp quốc gia kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, thời gian tới, Hà Tĩnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa (DSVH) của Đại danh y để lại. Theo đó, tiếp tục nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, sáng tác nghệ thuật về Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và DSVH do ông sáng tạo; xây dựng, nâng cấp, tôn tạo các di tích liên quan đến Hải Thượng Lãn Ông, trong đó, trọng tâm là đầu tư xây dựng Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại huyện Hương Sơn trở thành một địa chỉ văn hóa - du lịch độc đáo...

thanh-1-3417.png

- P.V: Giá trị văn hóa của Đại danh y được khẳng định và phát huy sẽ góp phần làm dày thêm hệ thống DSVH đặc sắc của tỉnh nhà. Xin ông cho biết, Hà Tĩnh đã và đang có những giải pháp gì để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản của quê hương?

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu: Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có hơn 1.800 di tích lịch sử - văn hóa đã được thống kê, kiểm đếm, trong đó có gần 700 di tích đã được xếp hạng các cấp. Đại thi hào Nguyễn Du và Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được UNESCO vinh danh, dân ca ví giặm, ca trù được ghi vào danh sách DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại (ca trù là DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp); có 3 bảo vật quốc gia là bộ sưu tập Súng Thần công (thời Nguyễn), Bia Sùng Chỉ và chuông Chùa Rối. Toàn tỉnh hiện có gần 70 lễ hội, trong đó có 4 lễ hội được ghi vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia (Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, cầu ngư Nhượng Bạn, Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi, cầu ngư làng Cam Lâm). Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ, Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là 3 di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương…

bqbht_br_anh3.jpg
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng trao bằng "Vinh danh Hải Thượng Resort là điểm đến du lịch văn hóa sinh thái hàng đầu châu Á" cho Khu du lịch sinh thái Hải Thượng (tháng 10/2024).

Thời gian qua, Hà Tĩnh đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH. Tỉnh đã ban hành một số chính sách và huy động từ nguồn xã hội hóa hàng trăm tỷ đồng để bảo tồn và phát huy các DSVH. Nhiều di tích đã được trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, phục vụ có hiệu quả các hoạt động sinh hoạt văn hóa của cộng đồng Nhân dân; một số lễ hội được phục hồi và tổ chức thường xuyên; nhiều CLB dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ca trù, trò Kiều được thành lập và duy trì hoạt động.

Đặc biệt, sau khi Nghị quyết số 18/NQ-TU ngày 22/12/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh “về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới” được ban hành, các cấp, ngành, địa phương đã xây dựng, triển khai kế hoạch gắn với đường găng thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, trong đó có nhiều giải pháp đột phá về bảo tồn, phát huy giá trị các DSVH.

Theo đó, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn; tăng cường đầu tư nguồn lực tu bổ, tôn tạo, bảo vệ nhằm khai thác và phát huy hiệu quả các DSVH, đặc biệt là các DSVH đã được UNESCO ghi danh. Tiếp tục hỗ trợ, nhân rộng và duy trì hoạt động các CLB dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ca trù, trò Kiều; thực hiện có hiệu quả dạy học dân ca ví, giặm trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Nghiên cứu, phục dựng, lập hồ sơ các DSVH trên địa bàn tỉnh đề nghị quốc tế, quốc gia ghi danh và tôn vinh, trong đó, năm 2025 sẽ triển khai xây dựng hồ sơ khoa học Nguyễn Công Trứ (1778-1858) trình UNESCO vinh danh và tham gia lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh của ông vào năm 2028.

anh-4a.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu tặng cờ lưu niệm cho đại diện lãnh đạo các đoàn tham gia Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh.

Tập trung tôn tạo, nâng cấp, xây dựng, mở rộng các khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập. Xây dựng di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du thành trung tâm văn hóa - du lịch của quốc gia và khu vực, nâng cấp lễ hội Nguyễn Du - Truyện Kiều; kêu gọi đầu tư xây dựng không gian văn hóa “Nguyễn Du - Truyện Kiều” tương xứng với tầm vóc và giá trị của di sản. Xây dựng Làng văn hóa Trường Lưu (Can Lộc) thành địa điểm phát huy giá trị di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương…

Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị các DSVH trên địa bàn tỉnh. Quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ trưng bày, triển lãm DSVH tại di tích, bảo tàng. Thực hiện chương trình số hóa di sản và lập bản đồ số di tích trên địa bàn tỉnh. Tạo không gian để khai thác, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của Hà Tĩnh.

bqbht_br_anh-3.jpg
Du khách thập phương tham quan tại khu mộ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Giới thiệu, quảng bá các DSVH và ẩm thực truyền thống của địa phương đến với du khách trong và ngoài nước. Bảo tồn, phát huy các làng nghề, lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch. Tập trung nguồn lực xây dựng các khu, điểm du lịch văn hóa gắn với các di tích tiêu biểu của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các đề tài khoa học về bảo tồn DSVH; quan tâm chăm lo đến đội ngũ nghệ nhân, văn nghệ sỹ; tổ chức nhiều sự kiện văn hóa - chính trị, các hội thi, hội diễn, ngày kỷ niệm của quê hương, đất nước, ngày sinh của các danh nhân để lan tỏa sâu rộng các giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh.

bqbht_br_full3.jpg
Khu du lịch sinh thái Hải Thượng (xã Sơn Trung, Hương Sơn) - mô hình du lịch phát huy giá trị di sản Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
 

Tỉnh cũng đang ưu tiên nguồn lực, tập trung triển khai các giải pháp, nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị DSVH gắn với phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, sáng tạo các giá trị văn hóa mới và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; tạo dựng thương hiệu các sản phẩm văn hóa đặc trưng của địa phương. Cùng với triển khai đồng bộ các giải pháp trọng tâm khác như xây dựng con người, môi trường văn hóa; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa; phát triển văn học, nghệ thuật..., cả hệ thống chính trị tỉnh nhà đang nỗ lực hướng tới mục tiêu phát triển văn hóa, con người toàn diện, trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững, sớm trở thành tỉnh khá của cả nước.

Theo baohatinh.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận