08:57 | 13-11-2018

Sổ tay hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu

PHẦN I

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU

Câu hỏi: Nhãn hiệu là gì?

Trả lời:

- Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

- Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Là dấu hiệu nhìn thấy được thể hiện dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp giữa các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.

+ Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.

- Tại một số nước, các khẩu hiệu quảng cáo cũng được coi là nhãn hiệu và được đăng ký bảo hộ.

- Ngoài chức năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức cá nhân khác nhau, nhãn hiệu còn được xem là công cụ marketing, cơ sở để phát triển thương hiệu, dòng sản phẩm phục vụ cho các mục tiêu kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp.

Câu hỏi: Chức năng của nhãn hiệu?

Trả lời:

- Giúp người tiêu dùng có thể phân biệt được các sản phẩm, dịch vụ cùng loại của các công ty khác nhau;

- Giúp công ty có thể phân biệt được sản phẩm của mình, từ đó có chiến lược xây dựng nhãn hiệu, tiếp thị và nâng cao danh tiếng sản phẩm;

- Có thể chuyển giao và có thể mang lại một nguồn thu nhập trực tiếp từ phí chuyển giao;

- Là một cấu phần quan trọng trong các thoả thuận chuyển giao đặc quyền kinh doanh;

- Là một tài sản kinh doanh có giá trị;

- Khuyến khích các công ty đầu tư vào việc duy trì hoặc nâng cao chất lượng sản phẩm;

- Có thể sử dụng như một công cụ để vay vốn, hợp tác kinh doanh, đầu tư.

Câu hỏi: Giá trị của nhãn hiệu?

Trả lời:

Một nhãn hiệu được lựa chọn và chăm sóc cẩn thận là một tài sản kinh doanh có giá trị của hầu hết các công ty. Đối với một số công ty, nhãn hiệu có thể là tài sản có giá trị nhất mà họ sở hữu. Giá trị ước tính của một số nhãn hiệu nổi tiếng nhất thế giới như: Coca-cola, Microsoft, Google... theo ước tính của một số tổ chức/tạp chí định giá doanh nghiệp quốc tế đều vượt quá 50 tỷ đô-la Mỹ. Lý do là khi khách hàng đánh giá cao nhãn hiệu, danh tiếng, hình ảnh hoặc một số phẩm chất của nó, họ sẽ trung thành với nhãn hiệu đó và sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua sản phẩm mang nhãn hiệu mà họ thừa nhận và đáp ứng kỳ vọng của họ. Bởi thế sở hữu một nhãn hiệu với một hình ảnh và danh tiếng tốt tạo cho công ty một lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ của họ. Mặt khác, nhãn hiệu có danh tiếng và uy tín là một tài sản có giá trị để chuyển quyền sử dụng tạo lợi nhuận cho chính công ty.

Câu hỏi: Tại sao doanh nghiệp cần phải đăng ký nhãn hiệu?

Trả lời:

Trừ trường hợp nhãn hiệu đã trở nên nổi tiếng, quyền sở hữu nhãn hiệu chỉ phát sinh khi nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và ghi nhận vào Sổ đăng bạ Quốc gia về nhãn hiệu.

Nếu nhãn hiệu không được đăng ký bảo hộ thì khi doanh nghiệp đưa sản phẩm có gắn nhãn hiệu đó ra thị trường, người khác có thể bắt chước mà doanh nghiệp không có cơ sở pháp lý để tiến hành các biện pháp ngăn cấm hành vi xâm phạm. Nghiêm trọng hơn là doanh nghiệp có thể mất nhãn hiệu nếu bị đối thủ cạnh tranh đăng ký trước.

Mặt khác, việc sử dụng một nhãn hiệu không được đăng ký có thể xâm phạm nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ của một người khác và có thể bị xử lý theo pháp luật.

Câu hỏi: Việc bạn đăng ký tên thương mại của công ty mình đã đủ chưa?

Trả lời:

Nhiều người cho rằng việc đăng ký hoạt động kinh doanh của mình và tên thương mại của cơ sở kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh, tên này sẽ mặc nhiên được bảo hộ như một nhãn hiệu. Đây là một sự nhầm lẫn phổ biến. Cần phân biệt sự khác nhau giữa tên thương mại và nhãn hiệu. Tên thương mại là tên đầy đủ của cơ sở kinh doanh của bạn như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trường An và tên thương mại này xác định công ty của bạn . Tên thương mại thường kết thúc với cụm từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn (Công ty Cổ phần...) hoặc các chữ viết tắt thể hiện đặc điểm pháp lý của công ty.

Tuy nhiên, nhãn hiệu là dấu hiệu phân biệt các sản phẩm của công ty bạn. Một công ty có thể có nhiều nhãn hiệu. Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Dược và Thiết bị y tế Hà Tĩnh có thể bán một sản phẩm của mình với nhãn hiệu Hoàn Xích Hương và một sản phẩm khác mang nhãn hiệu Rhomantic gel... Các công ty có thể sử dụng một nhãn hiệu cụ thể để phân biệt tất cả các hàng hoá, một loạt các sản phẩm hoặc một loại sản phẩm cụ thể do công ty sản xuất. Một số công ty cũng có thể sử dụng tên thương mại của mình hoặc một phần tên thương mại làm nhãn hiệu và trong trường hợp đó, cần đăng ký tên thương mại đó với tư cách là một nhãn hiệu.

Câu hỏi: Nhãn hiệu khác nhãn hàng hoá ở những điểm nào?

Trả lời:

Nhãn hiệu khác nhãn hàng hoá ở những điểm sau:

- Nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá cùng loại của các cơ sở sản xuất khác nhau và không được mang tính mô tả hàng hoá, trong khi đó nhãn hàng hoá (hay còn gọi là nhãn sản phẩm) chủ yếu chứa các thông tin mang tính mô tả hàng hoá giúp người tiêu dùng nhận biết được hàng hoá đó;

- Nhãn hiệu có thể được bảo hộ thông qua việc đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ, còn nhãn hàng hoá không phải đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp nên không phải đăng ký bảo hộ, tuy nhiên đối với nhãn hàng hoá ngoài những thông tin về sản phẩm còn có những hoạ tiết, hoa văn mang tính thẩm mỹ thì có thể đăng ký bảo hộ như một Kiểu dáng công nghiệp;

- Hàng hoá lưu thông trên thị trường có thể gắn hoặc không gắn nhãn hiệu nhưng bắt buộc phải có nhãn hàng hoá. Nhãn hàng hoá phải có những thông tin chủ yếu sau: tên hàng hoá, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hoá, thành phần cấu tạo, công dụng, thời hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, thời hạn bảo quản...;

- Một nhãn hiệu có thể sử dụng cho nhiều loại hàng hoá nhưng một nhãn hàng hoá chỉ sử dụng cho một loại hàng hoá nhất định.

Câu hỏi: Nhãn hiệu khác tên thương mại ở những điểm nào?

Trả lời:

Nhãn hiệu khác tên thương mại ở những điểm sau:

- Tên thương mại và nhãn hiệu là hai đối tượng khác nhau của quyền sở hữu công nghiệp. Quyền đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ, còn quyền sở hữu đối với tên thương mại tự động phát sinh khi hội đủ các điều kiện quy định mà không phải đăng ký;

- Nhãn hiệu có chức năng phân biệt hàng hoá hay dịch vụ của các doanh nghiệp khác nhau, còn chức năng của tên thương mại là phân biệt hoạt động kinh doanh và hàng hoá, dịch vụ của các doanh nghiệp khác nhau trong cùng một lĩnh vực sản xuất hoặc kinh doanh;

- Doanh nghiệp có thể sử dụng hoặc không sử dụng nhãn hiệu cho hàng hoá hay dịch vụ của mình nhưng bắt buộc phải có tên thương mại mới được kinh doanh;

- Thời hạn bảo hộ đối với nhãn hiệu là 10 năm (có thể gia hạn liên tiếp nhiều lần) còn quyền đối với tên thương mại được bảo hộ khi chủ sở hữu còn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh dưới tên thương mại đó;

- Nhãn hiệu có thể được chuyển giao quyền sử dụng và quyền sở hữu. Tên thương mại chỉ được chuyển giao quyền sở hữu cùng với việc chuyển giao toàn bộ nhà máy, công ty.

Câu hỏi: Nhãn hiệu tập thể là gì?Những chủ thể nào có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể?

Trả lời:

Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.

Quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể: Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Các loại hình tổ chức sau đây có thể đáp ứng điều kiện để được đăng ký nhãn hiệu tập thể, tùy thuộc vào điều lệ về tổ chức và hoạt động:

  1. Liên minh hợp tác xã, hợp tác xã được thành lập theo Luật Hợp tác xã;
  2. Nhóm công ty (Công ty mẹ - con, tập đoàn, tổng công ty nhà nước) được thành lập theo Luật Doanh nghiệp;
  3. Hội (hiệp hội, liên hiệp hội, câu lạc bộ...) được thành lập theo Nghị định số 88/2003/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;
  4. Tổ hợp tác của các hộ kinh doanh cá thể được thành lập theo Bộ Luật Dân sự.

Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu tập thể tương tự như đối với nhãn hiệu nói chung.

Câu hỏi: Nhãn hiệu chứng nhận là gì? Những chủ thể nào có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận?

Trả lời:

Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.

Quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận: Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận tương tự như đối với nhãn hiệu nói chung.

Câu hỏi: Đăng ký nhãn hiệu là gì?

Trả lời:

- Đăng ký nhãn hiệu là thủ tục hành chính do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành với ý nghĩa thừa nhận quyền sở hữu đối với nhãn hiệu.

- Hình thức đăng ký nhãn hiệu là ghi nhận nhãn hiệu và chủ sở hữu vào Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu, xét nghiệm và cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho chủ sở hữu.

- Nhãn hiệu được đăng ký trên cơ sở kết quả xem xét đơn vị của người nộp đơn, căn cứ vào các quy định pháp luật về hình thức và nội dung đơn.

Câu hỏi: Ai có quyền đăng ký nhãn hiệu?

Trả lời:

-   Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.

-   Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.

-   Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

-   Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

- Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu với những điều kiện sau đây:

+ Việc sử dụng nhãn hiệu đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hoá, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh;

+ Việc sử dụng nhãn hiệu đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ.

- Người có quyền đăng ký theo quy định tại các điểm nêu trên, kể cả người đã nộp đơn đăng ký có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật với điều kiện các tổ chức, cá nhân được chuyển giao phải đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký tương ứng.

- Đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký nhãn hiệu đó mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên thì người đại diện hoặc đại lý đó không được phép đăng ký nhãn hiệu nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu, trừ trường hợp có lý do chính đáng.”

Câu hỏi: Người nộp đơn cần cân nhắc những gì trước khi làm đơn đăng ký nhãn hiệu?

Trả lời:

Khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, người nộp đơn cần chú ý những trường hợp đơn bị từ chối đăng ký như sau:

- Nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước

- Nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép;

- Nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài;

- Nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận;

- Nhãn hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.

- Nhãn hiệu chứa dấu hiệu không phù hợp với trật tự và đạo đức xã hội.

- Nhãn hiệu không có khả năng thực hiện chức năng phân biệt của nhãn hiệu;

- Nhãn hiệu trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được đăng ký hoặc nộp đơn đăng ký sớm hơn, hoặc nhãn hiệu được coi là nổi tiếng hoặc nhãn hiệu được thừa nhận rộng rãi;

- Nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng, tên nhân vật hoặc hình tượng, quyền tác giả của người khác đã được biết đến rộng rãi;

Câu hỏi: Nhãn hiệu cần được thiết kế như thế nào?

Trả lời:

Nhãn hiệu cần phải được thiết kế độc đáo, dễ nhận biết và có khả năng thực hiện chức năng phân biệt. Những dấu hiệu sau đây bị coi là không có khả năng phân biệt của một nhãn hiệu:

- Dấu hiệu chỉ là màu sắc mà không được kết hợp với dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình hoặc không được thể hiện thành dạng dấu chữ hoặc dấu hiệu hình;

- Dấu hiệu trái với trật tự xã hội, có hại cho an ninh quốc gia;

- Ký hiệu thuộc ngôn ngữ mà người tiêu dùng Việt Nam có hiểu biết thông thường không thể nhận biết và ghi nhớ được, ký tự có nguồn gốc La-tinh nhưng chỉ bao gồm một chữ cái hoặc chỉ bao gồm chữ số hoặc mặc dù có hai chữ cái nhưng không thể đọc được, trừ trường hợp được trình bày dưới dạng đồ họa hoặc dạng đặc biệt khác;

- Tập hợp quá nhiều chữ cái hoặc từ ngữ khiến cho không thể nhận biết và ghi nhớ;

- Ký tự có nguồn gốc La-tinh như là một từ có nghĩa và nghĩa của từ đó đã được sử dụng nhiều và thông dụng tại Việt Nam trong lĩnh vực liên quan đến mức mất khả năng phân biệt;

- Một từ hoặc một tập hợp từ được sử dụng tại Việt Nam như tên gọi thông thường của chính hàng hoá, dịch vụ liên quan hoặc mang nội dung mô tả chính hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ nhãn hiệu;

- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với một trong các đối tượng thuộc phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của người khác;

- Dấu hiệu là hình học phổ thông như hình tròn, hình elip, tam giác, tứ giác... hoặc hình vẽ đơn giản hoặc dấu là hình vẽ, hình ảnh chỉ được sử dụng làm nền hoặc đường nét trang trí sản phẩm, bao bì sản phẩm;

- Dấu hiệu là hình vẽ, hình ảnh quá phức tạp khiến cho người tiêu dùng không dễ nhận biết và ghi nhớ;

- Dấu hiệu là hình vẽ, hình ảnh, biểu tượng, dấu hiệu tượng trưng đã được sử dụng rộng rãi hoặc mang tính mô tả chính hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;

- Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc, xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác như thành phần cấu tạo, quy trình sản xuất, nguyên vật liệu, tính ưu việt của hàng hoá, dịch vụ.

PHẦN II.

CÁCH LÀM ĐƠN ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU

Câu hỏi: Bộ hồ sơ đăng ký nhãn hiệu phải có những tài liệu gì?

Trả lời:

- Đơn đăng ký nhãn hiệu phải có các tài liệu tối thiểu sau đây:

+ Tờ khai yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (theo mẫu, 02 bản);

+ Mẫu nhãn hiệu (9 mẫu kèm theo, ngoài 1 mẫu được gắn trên Tờ khai); Danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.

+ Chứng từ nộp lệ phí nộp đơn;

+ Tài liệu chứng minh quyền đăng ký hợp pháp ( như giấy đăng ký kinh doanh, hợp đồng hoặc tài liệu khác xác nhận hoạt động sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ của người nộp đơn…. ) (01 bản);

+ Giấy uỷ quyền nộp đơn, nếu thông qua đại diện (01 bản);

+ Đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận còn phải có Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể/Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;

Nếu thiếu một trong các tài liệu nêu trên, Cục SHTT có quyền từ chối chấp nhận đơn đăng ký nhãn hiệu.

Đơn phải đảm bảo tính thống nhất: Mỗi đơn chỉ được yêu cầu đăng ký một nhãn hiệu.

Câu hỏi: Người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu phải nộp những khoản lệ phí gì?

Trả lời:

- Các khoản phí và lệ phí đăng ký nhãn hiệu gồm: (theo Thông tư số 263/2016/TT-BTC).

Lệ phí nộp đơn (cho mỗi nhóm có đến 06 sản phẩm dịch vụ)

150.000đ

Lệ phí yêu cầu gia hạn thời hạn trả lời thông bỏo của Tổ chức thu phí, lệ phí (mỗi lần được phộp gia hạn)

120.000đ

Lệ phí thẩm định nội dung đơn (cho mỗi nhóm có đến 6 sản phẩm, dịch vụ)

550.000đ

+ Nếu đơn có trên 6 sản phẩm, dịch vụ, phải nộp thêm cho mỗi sản phẩm, dịch vụ từ thứ 7 trở đi

120.000đ

Phí phân loại quốc tế về hàng húa, dịch vụ đối với nhón hiệu (cho mỗi nhóm có không quá 6 sản phẩm/dịch vụ)

100.000đ

+ Nếu mỗi nhóm có trên 6 sản phẩm/dịch vụ, phải nộp thêm cho mỗi sản phẩm/dịch vụ từ thứ 7 trở đi

20.000đ

Phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (mỗi đơn/yêu cầu)

600.000đ

Phí thẩm định yêu cầu sửa đổi đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (cho mỗi nội dung sửa đổi của mỗi đơn) - trừ sửa đổi theo Văn bằng bảo hộ đó cấp ở nước ngoài theo yêu cầu của tổ chức thu phí

160.000đ

Phí tra cứu thông tin (cho mỗi nhóm có đến 6 sản phẩm, dịch vụ)

180.000đ

+ Nếu đơn có trên 6 sản phẩm, dịch vụ trong 1 nhóm, nộp thêm cho mỗi sản phẩm, dịch vụ từ thứ 7 trở đi

30.000đ

Phí công bố thông tin về sở hữu công nghiệp

120.000đ

Phí đăng bạ thông tin về sở hữu công nghiệp

120.000đ

Phí sử dụng Văn bằng bảo hộ đối với nhón hiệu cho mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ cho 10 năm

700.000đ

Lệ phí cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu

120.000đ

+ Nếu đơn có trên 01 nhóm sản phẩm/dịch vụ, từ nhóm thứ 2 trở đi phải nộp

100.000đ

Lệ phí duy trì hiệu lực của Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu (10 năm) cho mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ

100.000đ

Câu hỏi: Cách lập Tờ khai yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu?

Trả lời:

- Mẫu Tờ khai được Cục SHTT, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh cung cấp miễn phí cho người nộp đơn. Người nộp đơn cũng có thể sử dụng mẫu Tờ khai được đăng tải trên trang web http://www.noip.gov.vn hoặc http://www.khcnhatinh.gov.vn

- Người nộp đơn cần điền đầy đủ vào Tờ khai theo quy định về cách lập Tờ khai.

- Hàng hoá, dịch vụ cần phải được phân loại theo Bảng phân loại hàng hoá, dịch vụ của Thoả ước Ni-xơ (xuất bản lần thứ IX) tham khảo trên trang web http://www.noip.gov.vn . Nếu người nộp đơn không phân loại hoặc phân loại không chính xác thì Cơ quan đăng ký sẽ thực hiện việc đó và người nộp đơn phải nộp phí phân loại.

- Hướng dẫn cách điền Tờ khai:

(Tải file đính kèm để có thông tin đầy đủ)

So_tay_huong_dan_dang_ky_nhan_hieu_nam_2018
tin khác

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận