09:59 | 03-04-2023

30 dự án vào chung kết Sáng kiến Khoa học 2023

1. Hệ thống bãi đỗ xe thông minh

Dự án của nhóm ICTU-FECT, Khoa Công nghệ điện tử và Truyền thông, Trường Đại học công nghệ thông tin và truyền thông Thái Nguyên, đề xuất phần mềm quản lý hệ thống bãi đỗ xe, ứng dụng đặt chỗ thông minh giúp người dùng chủ động trong việc gửi xe. Sản phẩm dựa trên công nghệ vạn vật kết nối Internet (IoT) và điện toán đám mây, lưu trữ trên dữ liệu lớn Cloud Computing, giúp kiểm soát được số lượng xe trong bãi đỗ.

2. Sản xuất tơ sợi từ lá cây lưỡi hổ để làm tóc giả và một số sản phẩm thủ công thân thiện với môi trường thay thế tơ sợi nilon tổng hợp

Chế tạo tơ sợi tự nhiên từ lá cây lưỡi hổ, Trần Thị Quỳnh (18 tuổi), THPT Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, sử dụng làm tóc giả, có độ bền cao, màu sắc đa dạng, khả năng chịu nhiệt tốt, dễ dàng thay đổi kiểu dáng. Các sợi tơ còn có thể dùng làm chổi cọ trang điểm, dây thừng, sợi đan giỏ, đan lưới...

3. Tủ nuôi trồng nấm thảo dược đông trùng hạ thảo quy mô hộ gia đình

Tủ nuôi trồng nấm thảo dược tự động của Khoa Công nghệ Nhiệt Lạnh, Trường Đại học Công nghiệp TP HCM, kiểm soát được nhiệt độ môi trường nuôi trồng, độ ẩm tương đối, độ sáng, độ tối trong quá trình nuôi và đối lưu được không khí nhằm phù hợp với môi trường sinh trưởng của đông trùng hạ thảo.

4. Sản xuất và mô tả đặc tính của chất hấp thụ sinh học xanh dựa trên các hạt nano từ tính từ lõi ngô đã biến đổi

Từ phế thải lõi ngô, Đỗ Văn Trương (23 tuổi), Tiên Lãng, Hải Phòng đưa ra vật liệu hấp thụ sinh học xanh nhằm loại bỏ Cr(VI) khỏi nước thải công nghiệp. Chất hấp thụ sinh học được phủ bằng các hạt nano từ tính để tăng cường khả năng hấp phụ, có thể tái tạo, rẻ tiền và tiêu thụ năng lượng thấp.

5. Máy làm cỏ thạch

Sản phẩm của tác giả Hoàng Đức Chính, trường THCS Đề Thám, huyện Tràng Định tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ người nông dân rút ngắn thời gian từ 2 đến 3 lần so với việc làm cỏ truyền thống bằng tay, cuốc.

6. Hợp chất Curcumin trên nền vật liệu MOF ứng dụng trong lĩnh vực y sinh

Nhóm nghiên cứu Vật liệu Hóa, Sinh và Môi trường, Đại học Quốc gia TP HCM đưa ra công trình ứng dụng vật liệu nano CUR@MOF trong nghiên cứu chẩn đoán và điều trị bệnh Alzheimer và độc tố thần kinh gây ra bởi fluoride. Hệ vật liệu hoạt động thông qua quan sát hình ảnh huỳnh quang của vật liệu, sự tương tác giữa các tác nhân kim loại hay hoạt động chuyển hóa của curcumin với các mảng Aβ giúp cho quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh.

7. Hệ thống chăm sóc cây chè ứng dụng công nghệ cao

Dự án đang được triển khai ứng dụng cho mô hình chăm sóc chè tại xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, do Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Thái Nguyên và Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên triển khai.

8. Ứng dụng hỗ trợ chăm sóc y tế cộng đồng và chia sẻ - Healcare Network

Nhóm nghiên cứu từ Đại học FPT, Đại học Cần Thơ, Đại học Quốc tế, ĐHQG TP HCM phát triển ứng dụng nhằm hỗ trợ người dân, đặc biệt là dân nghèo có cơ hội được cứu chữa nhanh chóng hơn, tận dụng sự phổ biến của xu thế chuyển đổi số tại Việt Nam trong quá trình xây dựng hệ thống.

9. Thiết bị dẫn đường phẫu thuật cá thể hóa trong mổ thay khớp gối toàn phần

Nghiên cứu do nhóm 3D LAB VINUNI, Trung tâm công nghệ 3D trong Y học - Đại học VinUni phát triển, theo đó sẽ dựa vào PSI để đặt các khay cắt xương trong mổ như mong muốn, từ đó có thể giúp cải thiện độ chính xác vị trí đặt khớp nhân tạo. Nhóm đã tính toán và in 3D tạo ra PSI, kết hợp lên kế hoạch phẫu thuật cụ thể từ trước cho từng bệnh nhân với tổng số 35 ca thay khớp gối toàn phần ứng dụng công nghệ in 3D thiết bị dẫn đường phẫu thuật cá thể hóa dựa trên trục cơ học của bệnh nhân.

Thiết bị dẫn đường phẫu thuật cá thể hóa trong mổ thay khớp gối toàn phần. Ảnh: Trung tâm công nghệ 3D trong Y học, Đại học VinUni

10. Hệ thống xử lý nước thải mới cho trang trại nuôi tôm

Hệ thống này có khả năng lọc nước thải với cường độ cao để giảm thiểu chất rắn lơ lửng, đảm bảo chất lượng nước trong ao tôm và tiết kiệm năng lượng. Dự án do Trường Bách khoa, Trường Đại học Cần Thơ phát triển.

11. Thiết bị báo cháy

Sản phẩm giúp báo kịp thời những thông tin về vụ cháy, có thể hoạt động ngay khi mất điện, do nhóm học sinh trường THCS thị trấn Mường Chà, Điện Biên đề xuất.

12. Thiết bị phòng chống, khắc phục tai nạn rò rỉ khí gas

Sản phẩm của tác giả Vi Hùng Sơn, đến từ Lạng Sơn, nhằm phát hiện khí gas: tự động gọi điện, kêu còi cảnh báo và đóng nguồn gas triệt để khi phát hiện rò rỉ khí gas và phát hiện người dùng quên tắt bếp

13. Thiết bị phun thuốc bảo vệ thực vật bằng hệ thống cáp treo di động

Sản phẩm của tác giả Đinh Văn Trung là thiết bị dùng để phun thuốc bảo vệ thực vật bằng hệ thống cáp treo nhằm bảo vệ sức khỏe cho con người và phục vụ cho việc phát triển nông nghiệp, công nghiệp.

14. TIR lens mới cho đèn LED công suất cao với giá thành thấp và chiếu sáng đồng đều

Công nghệ TIR lens mới giúp tăng đồng dạng màu ánh sáng trắng, nghĩa là lens mới có thể phân bố lại bức xạ ánh sáng xanh và bức xạ ánh sáng vàng, từ đó nâng cao chất lượng màu ánh sáng trắng. Nhóm nhà khoa học từ Khoa Điện-Điện tử, trường Đại học Tôn Đức Thắng đã nghiên cứu thay đổi sự phân bố đèn; khảo sát sự thay đổi màu sắc; hoặc độ rọi của đèn nhằm tăng hiệu quả chiếu sáng và giảm chi phí vận hành, giúp sử dụng đơn giản và áp dụng rộng rãi. Sáng kiến TIR lens mới nhận được Bằng sáng chế USPTO (Mỹ).

15. Máy gieo, thả hạt đa năng sử dụng nguồn năng lượng mặt trời

Sản phẩm giúp giảm nhân công lao động, chi phí cho nhiều loại máy móc nâng cao năng suất cây trồng, do tác giả Bùi Minh Tú phát triển.

16. Hệ thống giám sát và điều khiển ao tôm

Nhóm MDF, Đại học Cần Thơ phát triển hệ thống quan trắc môi trường nước ao tôm bằng công nghệ IoT, hỗ trợ người dân trong việc kiểm soát các vấn đề của nguồn nước ao nuôi. Hệ thống ứng dụng công nghệ không dây Lora để thực hiện kết nối và truyền tải dữ liệu.

17. Vật liệu giữ ẩm trên cơ sở hydrogel từ rơm phục vụ cải tạo đất nông nghiệp

Dự án tận dụng toàn bộ 3 thành phần chính của rơm (cellulose, hemicellulose và lignin) để tổng hợp nên vật liệu giữ ẩm trên cơ sở hydrogel, nhằm cải tạo và tăng độ phì nhiêu cho các vùng đất bị sa mạc hóa.

18. Ghế điện chăm sóc người cao tuổi

Sản phẩm là khung thép chịu lực, thiết kế nhỏ gọn, dễ dàng tháo lắp và vận chuyển, sức chịu tải lên 150kg, có thể điều khiển từ xa giúp di chuyển người bệnh, hỗ trợ người cao tuổi.

19. Thiết bị cảnh báo sớm quá tải điện và tự động ngắt điện khi quá tải đồng thời giám sát từ xa chỉ số công tơ điện và các chỉ số điện năng cần thiết khác bằng công nghệ 4.0

Dự án của tác giả Lê Đức Quốc sử dụng công nghệ IoT nhằm đưa ra cảnh báo sớm quá tải và quản lý điện năng. Sản phẩm có kích thước khoảng 20 x30 cm hoặc 10x10 cm tùy theo chức năng mỗi loại, được lắp đặt sau công tơ điện.

20. Hạt nano polymer liên hợp điều trị hiệu quả ung thư vú bằng liệu pháp quang nhiệt

Dự án của Khoa Y - Dược, Đại học Đà Nẵng và Khoa Hóa - Vật liệu, Đại học Chung - Ang, Hàn Quốc, tập trung vào viêc tạo ra vật liệu nano liên hợp có cấu trúc lắp ráp theo thứ tự của xương sống CP cho các ứng dụng điều trị. P-CPNs được đánh giá là vật liệu quang nhiệt tiềm năng có thể được ứng dụng trong điều trị ung thư và các loại bệnh lý khác.

21. Hệ thống chống nguy hiểm thiếu dưỡng khí trong một số không gian kín

Tác giả Đặng Ngọc Chính, THPT Tố Hữu, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế nghiên cứu chế tạo hệ thống mạch điện tử có khả năng điều khiển tự động việc hỗ trợ chống nguy hiểm thiếu dưỡng khí trong một số không gian kín.

22. Quy trình sản xuất hạt giống nảy mầm sẵn

Giải pháp từ tác giả Lương Văn Trường đưa ra quy trình kỹ thuật đưa hạt lúa giống đã nảy mầm về trạng thái ngủ đông, sau đó lưu trữ đến thời điểm thích hợp để gieo trồng. Hạt giống qua xử lý bằng giải pháp này sẽ nảy mầm rất nhanh, thông thường từ 30 đến 120 phút gặp điều kiện thích hợp là đã nảy mầm.

23. Nuôi trùn quế lai bằng rác thải sinh hoạt góp phần bảo vệ môi trường và tạo sản phẩm ứng dụng trong nông nghiệp

Dự án của tác giả Trần Thị Hương Giang ứng dụng mô hình nuôi trùn quế lai tại các địa phương có ngành chăn nuôi phát triển nhằm tận dụng nguồn thức ăn sẵn có từ phân động vật.

24. Thiết kế bộ thiết bị và website hỗ trợ trẻ khiếm thị học tập chữ nổi theo lộ trình của Sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1

Phòng thí nghiệm Hệ thống Thông minh (Intelligent Systems Lab), Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật TP HCM phát triển bộ thiết bị và website hỗ trợ trẻ khiếm thị học tập chữ nổi hiển thị các ký tự chữ nổi theo lộ trình học được thiết kế sẵn. Trẻ em khiếm thị có thể dễ dàng sử dụng sản phẩm để tương tác với nội dung bài học và các chức năng được tích hợp sẵn của website thông qua các phím chức năng trên sản phẩm.

25. Xe cứu hộ lốp và thay thế lốp phụ ô tô

Sáng chế của tác giả Đào Văn Minh giúp xe cứu hộ lốp nhanh và thay thế lốp phụ ô tô nhanh gọn và dễ sử dụng.

26. Thiết bị vi lưu số chạy phản ứng khuếch đại DNA đẳng nhiệt

Sản phẩm của tác giả Huỳnh Chấn Khôn, Khoa Kỹ thuật Y Sinh, Trường Đại học Quốc tế, ĐHQG TP HCM ứng dụng hiệu ứng điện ẩm, giúp điều khiển các thành phần phản ứng xét nghiệm thông qua phần mềm hoặc có thể được lập trình một cách tự động, không cần phải thao tác trực tiếp từ kỹ thuật viên chuyên môn.

27. Trà làm từ cây thông đất và cây thành ngạnh hỗ trợ chữa bệnh teo não Alzheimer

Trà được làm hoàn toàn từ 100% từ thiên nhiên, từ cây thông đất và cây thành ngạnh - những vị thuốc có tác dụng điều trị chứng sa sút trí tuệ.

28. Máy bóc vỏ xanh Mắc ca và phân loại quả theo kích cỡ

Máy bóc vỏ theo kích thước như mong đợi cho người nông dân, được chế tạo đơn giản, nhỏ gọn do tác giả Lò Thị Hòa, Điện Biên, phát triển.

29. Tưới phun tự động có ứng dụng cảm biến độ ẩm đất và nhiệt

Dự án của tác giả Hồ Minh Trung kết hợp tưới phun tự động được cài chế độ độ ẩm đất và nhiệt độ cao độ ẩm cao thì máy phun tự hoạt động tưới cho cây trồng, ứng dụng trong hệ thống sản xuất hoa, cây ăn trái, rau màu...

30. Tận dụng phế phẩm nông nghiệp để sản xuất phân Compost từ vỏ sầu riêng kết hợp vỏ sò giúp cải tạo đất

Dự án của tác giả Nguyễn Trọng Hoà nhằm giảm thiểu phế thải nông nghiệp, đồng thời tăng cường quá trình phân giải và chuyển hóa chất hữu cơ, làm suy giảm các chất ô nhiễm hay chất độc trong đất và cải thiện tính chất đất.

Các dự án bước vào chung kết sẽ tiếp tục tham gia vòng bình chọn (từ 3-22/4) và thuyết trình trước Hội đồng giám khảo về nghiên cứu của mình. Ở vòng này, điểm bài thi bao gồm 80% điểm đánh giá của Hội đồng giám khảo và 20% điểm vote của độc giả VnExpress .

Nguồn: vnexpress.net

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận