Thịt bị "thay tên đổi họ" và những mối nguy cho sức khỏe
Thời gian gần đây, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm sau khi lấy mẫu thịt bò tươi, xúc xích bò, giò bò, nạm bò và thịt bò trong phở để kiểm nghiệm đã phát hiện nhiều mẫu không có thịt bò hoặc thành phần thịt bò không đáng kể.
Theo đó, trong 44 mẫu thịt bò tươi lấy tại các cơ sở kinh doanh thịt bò phát hiện 35 mẫu là thịt bò, 1 mẫu là thịt trâu và 8 mẫu là thịt lợn. 12 mẫu nạm bò thì chỉ có 2 mẫu là nạm bò thật. Trong số 10 cửa hàng phở bò thì có 2 cửa hàng bán thịt lợn. Đặc biệt, 20 mẫu giò bò thì có đến 9 mẫu không có thành phần thịt bò mà chỉ là thịt lợn, 8 mẫu có 13% hàm lượng thịt bò, 2 mẫu hàm lượng 30-33% thịt bò, còn lại là thịt lợn. Tương tự, 23 mẫu xúc xích thịt bò thì có đến 8 mẫu không có thịt bò, còn lại có hàm lượng thịt bò rất thấp.
Đáng nói là nhiều mẫu gắn mác thịt bò khi kiểm tra mặc dù không có nguyên liệu thịt bò nhưng vẫn có mùi và màu sắc đặc trưng như thịt bò thật. Trên thực tế đây là thịt lợn hoặc thịt trâu đội lốt thịt bò.
Điều lo ngại nhất với người tiêu dùng khi ăn những loại thịt bị "thay tên đổi họ" là bị ảnh hưởng sức khỏe. Một trong số những loại hóa chất được sử dụng để "hô biến" thịt lợn thành thịt bò là metabisulfite.
Theo TS Lê Thanh Hiền - trưởng bộ môn bệnh truyền nhiễm và thú y cộng đồng ĐH Nông lâm Tp.HCM, năm 1986 cơ quan FDA của Mỹ đã cấm sử dụng loại hóa chất này trên thực phẩm tươi do những tác dụng phụ của sulfite ở những người có sự nhạy cảm, nhất là bệnh nhân hen suyễn.
Một cơ sở bị phát hiện chế biến thịt bò giả.
Bên cạnh đó, metabisulfite còn liên quan đến việc bất hoạt một số men và đặc biệt phá hủy thiamin (vitamin B1), có thể gây thiếu vitamin B1.
Hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục kiểm nghiệm để tìm ra các phương thức khác được sử dụng để làm giả thịt bò. Và có thể vẫn còn rất nhiều loại phụ gia, hương liệu khác được sử dụng để làm giả thịt, thực phẩm trên thị trường. Chúng có thể là những mối nguy khôn lường đe dọa sức khỏe giống nòi.
Cách nhận biết thịt bò thật và giả
Để bảo. vệ sức khỏe bản thân và gia đình, bà nội trợ nên lưu ý cách phân biệt thịt bò thật và giả
Bước 1: Về cảm quan
Khi chọn thịt bò cần chú ý ở đoạn gân vì bắp bò có gân rất đặc trưng, khó bị nhầm lẫn. Ngoài ra, thớ thịt bò thường bé và dài, mỡ màu vàng nhạt. Trong khi đó thịt lợn đột lốt thịt bò có thớ to và ngắn, mỡ màu trắng đục. Bà nội trợ cũng nên lưu ý khi mua thịt bò chỉ nên mua miếng thịt cắt ra từ súc lớn để tránh bị trà trộn những miếng thịt giả.
Bước 2: Sờ bằng tay
Thịt bò thật khi sờ vào thấy thịt dẻo, khô, miếng thịt dính tay và ít có tính đàn hồi. Còn miếng thịt bò giả ấn vào thấy không dính tay, bở, mềm. Miết tay vào miếng thịt bò giả thấy phẩm màu dây ra tay. Phần thịt bên trong khi cắt ra thấy có màu nhạt hơn phần thịt bên ngoài, đồng thời có nước rỉ ra từ miếng thịt hoặc thịt cắt ra có màu nhạt hơn so với phần thịt bên ngoài, dao thái thịt không dính vào và có nước rỉ ra từ miếng thịt thì đây cũng là thịt bò giả từ lợn.
Ở thịt bò thật, khi thái thịt sẽ dính vào dao người thái. Khi ấn nhẹ vào miếng thịt thì ở thịt bò giả sẽ cảm giác được độ dính ít, thịt bở và cứng.
Bước 3: Hương vị
Thịt bò thật có mùi đặc trưng của thịt bò. Trong khi đó thịt bò giả dù được tưới lớp mỡ bò bên ngoài hoặc sử dụng hóa chất thì theo thời gian, quá trình vận chuyển cũng sẽ lộ ra mùi hôi, không có mùi đặc trưng của bò.
Trong nhiều trường hợp, do những kẻ bán hàng có thủ đoạn tinh vi nên người tiêu dùng mua về nhà vẫn không phát hiện ra thịt bò giả. Chính vì vậy, bà nội trợ cần chú ý trong quá trình chế biến để biết có mua phải thịt bò giả hay không. Thịt bò thật khi chế biến xong có màu hồng sậm và vị ngọt đặc trưng. Còn thịt bò giả nấu xong sẽ có màu nhạt, có thể có mùi tanh do được làm giả từ lợn hay trâu chết.
Theo Emdep.vn