17:15 | 24-04-2024

Đổi mới sáng tạo: Yếu tố sống còn giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng

Để thích ứng và tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp cần đổi mới sáng tạo trong sản xuất và kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Tận dụng tối đa sự hỗ trợ của Nhà nước trong nâng cao năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo

Tại Việt Nam, tăng trưởng dựa vào vốn, tài nguyên, lao động trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị thu hẹp đã trở nên không còn phù hợp. Chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào phát triển năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo chính là yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế một cách bền vững, là yêu cầu sống còn giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay.

Đổi mới sáng tạo, thúc đẩy nâng cao năng suất là rất cần thiết để giúp các doanh nghiệp đón đầu công nghệ mới, đưa cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 thành cơ hội đổi mới cho doanh nghiệp khi việc ứng dụng các công nghệ thông tin và tự động hóa các quá trình kinh doanh hiện nay vẫn còn hạn chế ở hầu hết các doanh nghiệp hiện nay.

Đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao năng suất chất lượng giúp doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh mới, tạo ra thị trường mới, thu hút các nguồn lực tài trợ của các đối tác, sử dụng hiệu quả nguồn lực, giảm lãng phí, nâng cao uy tín của doanh nghiệp. Do đó, việc triển khai các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng gắn với đổi mới sáng tạo là yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp hiện nay.

Để thúc đẩy tăng năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo, ngày 11/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/QĐ-TTg Ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030. Theo đó, đưa ra các mục tiêu cụ thể lần lượt cho giai đoạn đến năm 2025 và 2030 là: Góp phần đạt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân trên 7%/năm và 7.5%/năm. Góp phần đạt mục tiêu đóng góp của khoa học công nghệ thông qua TFP khoảng 45% và 50% vào tăng trưởng kinh tế. Phấn đấu 12-15 tỉnh, thành phố và 30 đến 35 tỉnh, thành phố hoàn thành việc xây dựng và triển khai kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; 3-5 và 5-7 tập đoàn, tổng công ty triển khai xây dựng và thực hiện kế hoạch năng suất.

Đổi mới sáng tạo là yếu tố giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ảnh minh họa

Tối thiểu 300 và 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa của các tỉnh, thành phố triển khai các dự án điểm về cải tiến năng suất, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất. Hình thành các câu lạc bộ cải tiến năng suất cho sinh viên tại 10 và 20 trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. 

Quyết định cũng đã cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp về: Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Phát triển hoạt động nghiên cứu, tư vấn, đào tạo và các tổ chức hỗ trợ hoạt động năng suất; Đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ nâng cao năng suất trong doanh nghiệp; Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về năng suất; Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế. 

Để thích ứng và tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa sự hỗ trợ của Nhà nước trong nâng cao năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, cần triển khai các nhóm giải pháp đổi mới, sáng tạo trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bao gồm toàn bộ các giai đoạn từ khâu thiết kế sản phẩm, cung ứng nguyên, phụ liệu, sản xuất, xuất khẩu và marketting đến đổi mới phương thức, mô hình quản trị, đổi mới cách tiếp cận đến các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng cho phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

 
Theo Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) công bố vào tháng 10 năm 2023, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo tăng 2 bậc so với năm 2022, từ vị trí 48 lên 46 trên 132 quốc gia xếp hạng. Việt Nam duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp, chỉ sau Ấn Độ.
Chỉ số xếp hạng của bảng xếp hạng các hệ sinh thái khởi nghiệp trên toàn cầu StartupBlink năm 2023 cũng cho thấy, hệ sinh thái của các thành phố của Việt Nam như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có những bước cải thiện, tiếp tục tăng trưởng, đưa Việt Nam xếp hạng thứ 58 trên thế giới.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, bên cạnh các kết quả đạt được, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam cần tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới, nhằm góp phần trực tiếp vào tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm hàng hóa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
 

Thực tế thời gian qua đã có không ít doanh nghiệp đạt được những thành tựu đáng kể khi thực hiện việc đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao năng suất chất lượng trong sản xuất và kinh doanh.

Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel trong hai năm liên tiếp (2020, 2021) được đánh giá là doanh nghiệp Việt Nam có sức ảnh hưởng nhất về đổi mới sáng tạo khu vực Nam Á và Đông Nam Á, đồng thời là thương hiệu viễn thông giá trị nhất Việt Nam, đứng số 1 tại Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và thứ 18 trong số các nhà mạng có giá trị lớn nhất thế giới năm 2022. Viettel trở thành hình mẫu của một doanh nghiệp nhà nước kinh doanh sáng tạo và có hiệu quả.

Trong khi đó, Vietcombank với việc đưa vào vận hành Trung tâm đổi mới sáng tạo, lần đầu tiên Vietcombank sẽ chính thức có bộ phận chuyên trách cho công tác đổi mới và sáng tạo, cho việc ươm mầm và nuôi dưỡng các ý tưởng và sáng kiến mới; phát huy tối đa trí tuệ của hơn 22 nghìn cán bộ, nhân viên, người lao động, đóng góp cho sự phát triển của ngân hàng.

Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã thực hiện rất hiệu quả việc đổi mới từ quy trình đến sản phẩm, trong đó đặc biệt là quy trình sản xuất. Với mục tiêu đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp công nghệ cao dẫn đầu thị trường chiếu sáng tại Việt Nam, Rạng Đông được đánh giá là một trong những doanh nghiệp điển hình trong đổi mới sáng tạo nhưng vẫn giữ sản phẩm kinh doanh cốt lõi đó là sản xuất thiết bị chiếu sáng.

Tiêu chuẩn hóa về quản lý đổi mới sáng tạo thúc đẩy đổi mới một cách có hệ thống

Hiện nay, tại Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã mời các chuyên gia từ các cơ quan Chính phủ, bộ, ngành liên quan, hiệp hội, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp tham gia tích cực vào xây dựng tiêu chuẩn quốc tế thuộc các Ủy ban kỹ thuật của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế liên quan đến tự động hóa, thương mại số, thương mại điện tử, sản xuất thông minh, đổi mới sáng tạo để nắm bắt những xu thế mới nhất hiện nay và tư vấn cho Chính phủ về đổi mới sáng tạo.

Theo đó thực hiện Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4560/VPCP-KGVX ngày 21/7/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030 cũng xác định các mục tiêu cần phải thực hiện trong thời gian tới đối với hoạt động tiêu chuẩn hóa, bao gồm:

Đưa tiêu chuẩn hóa trở thành một biện pháp kỹ thuật, là công cụ đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, thông qua việc tăng cường năng lực quản lý của các bộ, ngành, địa phương; hỗ trợ các sản phẩm của Việt Nam đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế gắn với các mục tiêu phát triển bền vững trên cơ sở thực hành có trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế khác nhau (bao gồm các tiêu chuẩn thực hành về trách nhiệm xã hội tích hợp với các yêu cầu về trách nhiệm xã hội trong các tiêu chuẩn đặc thù).

Tập trung nguồn lực để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển tiêu chuẩn quốc gia gắn với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy xã hội hóa trong hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn; phát triển và chuẩn hóa nguồn nhân lực về tiêu chuẩn hóa nhằm nâng cao năng lực xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn đối với các cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, Ban biên soạn. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đào tạo nhân lực trong hoạt động tiêu chuẩn hóa.

Nâng cao vị thế của Việt Nam tại các tổ chức, diễn đàn tiêu chuẩn hóa khu vực và quốc tế, tạo điều kiện nâng cao chất lượng và uy tín cũng như sức cạnh tranh của các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng, triển khai đầy đủ, đồng bộ các cam kết quốc tế về tiêu chuẩn hóa và minh bạch hóa.

Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030 do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xây dựng dự thảo khi ban hành sẽ góp phần thúc đẩy hình thành mô hình quản lý hoạt động tiêu chuẩn một cách toàn diện, nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, nâng cao trình độ quốc tế hóa tiêu chuẩn, đồng thời đẩy nhanh quá trình hình thành hệ thống tiêu chuẩn quốc gia nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu thị trường đang thay đổi không ngừng và nhanh chóng, đảm bảo các yêu cầu đặt ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Chính phủ.

Nguồn: vietq.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận