Với việc bắt đầu áp dụng các điều kiện mới, Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024 đang được kỳ vọng sẽ tôn vinh được những gương mặt xứng đáng ở các ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Nhưng bằng cách nào để làm được điều đó?
Quy định mới và tiêu chí mới có ảnh hưởng đến việc xét giải?
Việc phân định và lựa chọn các ứng viên xuất sắc nhất để trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu là câu chuyện diễn ra ở mọi kỳ xét giải thưởng, tuy nhiên, ở một năm bắt đầu áp dụng một thông tư mới như năm 2024, mọi chuyện đã trở nên khác biệt. Tại phiên họp trù bị Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024, diễn ra vào ngày 23/2/2024, Quỹ NAFOSTED, cơ quan thường trực của giải thưởng, đã thông báo những điểm mới trong Thông tư 18/2023/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Giải thưởng Tạ Quang Bửu ban hành kèm theo Thông tư số 01/2015/TT-BKHCN.
Thông tư mới đã mở ra rất nhiều điều kiện mới cho Giải thưởng Tạ Quang Bửu, không chỉ là mở rộng phạm vi xét chọn ứng viên, từ các ngành khoa học tự nhiên tới các ngành khoa học xã hội, mà còn ở những tiêu chí mới để lựa chọn ứng viên. Nếu nhìn thoáng qua, có thể mọi người sẽ chỉ tập trung vào yếu tố nổi bật là lần đầu tiên xét chọn các ứng viên ngành khoa học xã hội và đưa số lượng nhà khoa học đoạt giải thưởng tối đa từ bốn người (3 giải thưởng chính, một giải thưởng trẻ dành cho nhà khoa học dưới 35 tuổi) lên tối đa năm người (5 giải thưởng chính, hai giải thưởng trẻ), tần suất trao giải thưởng sẽ là ba năm một lần và do đó, không biết rằng, hầu như một lộ trình giải thưởng mới đã mở ra trước mắt cộng đồng khoa học Việt Nam.
Sự hiện diện của quá nhiều điểm mới như vậy khiến các hội đồng khoa học chuyên ngành không khỏi bất ngờ, ngay trong phiên họp trù bị. “Trong đợt tổ chức xét chọn và trao thưởng lần này, sẽ không yêu cầu nhà khoa học phải tự ứng cử như những lần trước nữa. Đây sẽ là cơ hội để chúng ta có thể tạo ra một nét văn hóa ở khoa học Việt Nam: nhà khoa học sẽ không phải ‘đi xin’ người ta khen mình nữa, từ bây giờ, các đồng nghiệp, các tổ chức KH&CN có thể phát hiện, giới thiệu những nhà khoa học mà mình thấy xứng đáng”, TS. Phạm Đình Nguyên, Giám đốc NAFOSTED trao đổi.
Việc bỏ yêu cầu nhà khoa học tự ứng cử mình là một trong những đề xuất của các nhà khoa học qua nhiều năm. Tuy nhiên, để hội nhập với thông lệ quốc tế, từ việc đánh giá chất lượng nghiên cứu, tài trợ cho nghiên cứu… đến khen thưởng nhà khoa học, bao giờ cũng cần phải có thời gian và sự cân nhắc. Có mặt tại phiên họp, GS. TS Nguyễn Hải Nam (Hội đồng khoa học ngành Hóa học) cũng xác nhận, trong quá trình sửa đổi thông tư, Quỹ đã phải hỏi rộng rãi ý kiến cộng đồng khoa học, đặc biệt là các hội đồng khoa học chuyên ngành, qua đó “đã tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, bên cạnh việc rút ra những bất cập của những lần xét chọn giải thưởng trước”. Đó là cơ sở quan trọng để đi đến hình thành những sửa đổi mang tính “cách mạng” như nhận xét của một nhà khoa học ở ĐHQGHN, sau khi đọc khá kỹ lưỡng Thông tư 18/2023/TT-BKHCN.
Có lẽ, không quá khuếch đại khi coi quy chế xét giải thưởng Tạ Quang Bửu lần này đã có thay đổi mang tính cách mạng so với những quy định của quy chế xét giải thưởng trước. Bên cạnh việc không phải để nhà khoa học tự ứng cử, có một thay đổi đáng chú ý về tiêu chuẩn xét chọn giải thưởng: nếu ở Thông tư 01/2015/TT-BKHCN quy định ứng viên có công bố trước ít nhất một năm và không quá năm năm trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành, tính đến thời điểm kết thúc nhận hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng thì ở Thông tư 18/2023/TT-BKHCN là công bố ít nhất một năm và không quá bảy năm; và nếu ở quy định cũ tối đa không quá một công bố thì quy định mới cho phép đề cử tối đa một đến ba công bố, điều mà theo giới thiệu của đại diện Quỹ là “xét toàn diện kết quả bài báo và chuỗi hoạt động nghiên cứu”. TS. Phạm Đình Nguyên lưu ý, việc xét chọn giải thưởng Tạ Quang Bửu “không phải dựa vào thành tích cả đời của một nhà khoa học mà mở rộng hơn để cho các nhà khoa học có cơ hội được xét chọn nhiều hơn với tính xuất sắc thể hiện ở tối đa ba công trình trong vòng bảy năm. GS. Đinh Dũng cũng từng phân tích, điều này giúp cho cơ hội đối với nhà khoa học trẻ và nhà khoa học kỳ cựu không quá khác nhau”.
GS Nguyễn Hữu Việt Hưng (toán học) và PGS Nguyễn Bá Ân (vật lý) là hai nhà khoa học đầu tiên được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu.
Việc mở rộng thời gian xét chọn nhà khoa học trong quãng thời gian bảy năm và qua ba công trình có thể giúp Hội đồng giải thưởng Tạ Quang Bửu chạm đến những công trình khoa học lớn và chạm đến những nhà khoa học kiên trì bám đuổi các chủ đề dài hơi hơn. Bởi việc giải quyết toàn diện hơn một vấn đề quan trọng không phải một sớm một chiều, một vài năm, bất kể lĩnh vực nào, từ khoa học tự nhiên đến xã hội. Trong một cộng đồng khoa học đang hội nhập với quốc tế như Việt Nam, không thể không vinh danh các nhà khoa học nỗ lực vượt thoát khỏi những sức ép về thành tích trước mắt và vượt qua những yêu cầu về quản lý tài chính đôi khi có phần mâu thuẫn với bản chất khoa học để có được những nghiên cứu và công bố có chất lượng, có tác động quốc tế. Mặt khác, việc so sánh các công trình với nhau ở cấp độ thời gian lớn hơn sẽ tạo điều kiện cho các hội đồng đánh giá chính xác hơn, như theo lời GS. Trần Xuân Nam (Hội đồng Khoa học máy tính), chủ tịch Hội đồng giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024 “rõ ràng hai công trình ban đầu được đánh giá tương đương nhau nhưng việc đánh giá mức đóng góp trong vòng bảy năm thì chúng ta có thể thấy rõ ràng hơn công trình nào vượt trội hơn”.
Tuy nhiên, ở góc độ của bên góp phần tạo ra thay đổi điều kiện xét giải thưởng, NAFOSTED không khỏi băn khoăn và lo ngại về khả năng các thay đổi sẽ có thể khiến cộng đồng khoa học cân nhắc khi đề cử ứng viên cho giải thưởng. “Trong quá trình xây dựng văn bản, chúng tôi không khỏi lo lắng là số lượng hồ sơ có giảm xuống không”, TS. Phạm Đình Nguyên nói.
“Tính trung bình mọi năm, Quỹ thường nhận được khoảng 40 đến 45 hồ sơ đề cử và ứng cử. Không ngờ là năm nay, số lượng gửi đến tăng gần gấp đôi với 97 hồ sơ, trong đó 73 thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, 21 thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, trong đó có 71 đề cử giải chính và 26 giải trẻ. Điều đó cho thấy sự quan tâm của cộng đồng khoa học đối với giải thưởng Tạ Quang Bửu không ngừng tăng lên”.
Dẫu cần phải có thời gian để đánh giá được tác động của những thay đổi trong một văn bản quản lý nhưng ở lần đầu tiên áp dụng thông tư mới về giải thưởng, đã xuất hiện một số thông tin tích cực. Với gần 100 hồ sơ, trong đó cao nhất là ngành vật lý 18 hồ sơ, tiếp theo là sinh học nông nghiệp và cơ học kỹ thuật 10 hồ sơ, toán học, hóa học, khoa học trái đất – khoa học biển, y sinh dược học 8 hồ sơ, đợt xét chọn giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024 đang đứng trước rất nhiều lựa chọn và cân nhắc. “Trong quá trình xây dựng thông tư, cũng có ý kiến cho rằng nên có một giải thưởng cho mỗi ngành hay mỗi nhóm ngành khoa học. Tuy nhiên dựa trên kết quả trao đổi với các hội đồng khoa học trong đợt xây dựng thông tư trước lẫn thông tư lần này thì đa số bám sát tinh thần khích lệ tôn vinh và có tính cạnh tranh, không trao cho mỗi ngành một giải thưởng”, TS. Phạm Đình Nguyên nói.
Cơ hội thì đã có, vậy giải thưởng Tạ Quang Bửu có chọn mặt gửi vàng, vinh danh được người xứng đáng?
Tiêu chí nào đánh giá sự xuất sắc?
Mặc dù đã trải qua nhiều lần xét giải thưởng nhưng có lẽ, trong phiên họp hội đồng giải thưởng năm nào cũng dấy lên câu hỏi như vậy. Dẫu ai biết rằng cần phải tôn vinh nhà khoa học có kết quả nghiên cứu xuất sắc nhưng thật không dễ để lựa chọn giữa hàng loạt ứng viên của các ngành, phân định tính xuất sắc của công trình thuộc ngành khoa học này so với công trình thuộc ngành khoa học khác. Trong khoảng thời gian không dài, sự phát triển ngày một sâu ở các lĩnh vực chuyên ngành hẹp khiến cho cái nhìn nhận, sự đánh giá giữa các lĩnh vực thường có độ chênh nhất định. “Trong các cuộc họp trước, thường các nhà khoa học trao đổi với nhau rất gay gắt về tiêu chí ‘thế nào là xuất sắc?’, nên dựa vào nội dung hay ý nghĩa của công trình hay dựa vào các chỉ số trắc lượng, xếp hạng tạp chí hay những chỉ số trắc lượng khác”, TS. Phạm Đình Nguyên trao đổi và lưu ý cần đánh giá tính xuất sắc theo thông lệ quốc tế.
Ở đây, việc đánh giá sự xuất sắc giữa các công trình thuộc tám lĩnh vực khoa học tự nhiên và bảy lĩnh vực khoa học xã hội khiến người ta không khỏi bối rối. Ở lần đầu tiên gia nhập Hội đồng giải thưởng Tạ Quang Bửu, các nhà khoa học ngành khoa học xã hội đều băn khoăn về cách thức và tiêu chí lựa chọn các ứng viên xứng đáng, bởi Giải thưởng Tạ Quang Bửu không có hạng mục dành riêng cho từng ngành mà xét chung nhiều lĩnh vực khác nhau. GS. Nguyễn Thị Hiền (Hội đồng ngành Văn hóa học, Nghiên cứu nghệ thuật, Thông tin đại chúng và Truyền thông) đặt câu hỏi “Chúng tôi băn khoăn là mình chỉ thuộc một chuyên ngành nhất định thì mình làm sao có thể đánh giá được công trình của một tác giả của lĩnh vực khác là xuất sắc hay không. Quỹ có định hướng như thế nào cho việc chuyên gia của các lĩnh vực khác nhau ngồi cùng một hội đồng xét giải?”.
PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng (sinh học) là nhà khoa học nữ đầu tiên đoạt giải thưởng Tạ Quang Bửu
Phóng chiếu vấn đề từ một chuyên ngành hẹp, PGS. Bùi Hải Thiêm (Hội đồng khoa học liên ngành Triết học, Xã hội học, Chính trị học) đưa ra một thực tại “nếu đặt vấn đề chất lượng nghiên cứu và đánh giá chất lượng nghiên cứu với ngành xã hội thì mọi người đều biết là khó so sánh. Chúng ta có cần tiêu chí riêng cho ngành nhân văn hay không vì đánh giá sự xuất sắc của công trình nghiên cứu thì chắc phải dựa vào peer-review (đánh giá ngang hàng) mà chúng ta biết trong lĩnh vực xã hội thì tính chủ quan trong đánh giá rất cao. Vì vậy, lo lắng nhất của các ngành nhân văn là làm sao quy được cái tiêu chí rất chủ quan thành thứ tất cả đều công nhận và đạt tới sự đồng thuận để ghi nhận sự xuất sắc”. Đó cũng là vấn đề mà PGS. Nguyễn Thị Hạnh (Hội đồng ngành Sử học, khảo cổ học) chia sẻ “Cá nhân tôi hay được mời tham gia giải thưởng sách, quốc gia hoặc quốc tế. Chúng tôi nhận được tiêu chí đánh giá rất rõ, ví dụ nhấn mạnh vào ý nghĩa phục vụ quốc gia, phát triển xã hội hay tư tưởng chính trị. Thường rất dễ để hội đồng làm việc với các tiêu chí như vậy”. Bằng kinh nghiệm tham gia rất nhiều hội đồng quốc tế, GS. Nguyễn Thị Hiền cũng bổ sung “Trong nhiều hội đồng quốc tế xét duyệt hồ sơ, mặc dù có những tiêu chí rõ ràng mà còn cãi nhau nảy lửa, thậm chí lật ngược vấn đề”.
Việc đánh giá được tính xuất sắc của một công trình khoa học và so sánh nó với công trình khác, dù lĩnh vực tự nhiên hay xã hội, đều đầy rẫy sự phức tạp. Từng là chủ tịch Hội đồng giải thưởng Tạ Quang Bửu trước, GS. Nguyễn Hải Nam trao đổi “Trước đây, tiêu chí đánh giá một công trình vừa là ý nghĩa khoa học vừa là chất lượng tạp chí. Bây giờ thì chỉ có giá trị và ý nghĩa khoa học thôi, nghĩa là tập trung vào mức độ tác động của công trình, đặc biệt là tính mới, tính đột phá có thể dẫn đến thay đổi cả một lĩnh vực”. Đồng thời, anh lưu ý hai yếu tố khiến các hội đồng trước “rất vướng”, đó là “hay bị ám ảnh bởi tên tuổi ứng viên và bị vướng vào tạp chí, thường công trình trên tạp chí có hệ số ảnh hưởng lớn thì được mặc định là tốt hơn công trình trên tạp chí có hệ số thấp hơn nên ít xem xét kỹ hơn vào nội hàm, giá trị khoa học”. Do đó, anh cho rằng sự đánh giá đồng nhất giữa các hội đồng khoa học là tập trung vào giá trị công trình chứ không thuần túy dựa vào chỉ số trắc lượng, bởi nếu thế sẽ dễ bỏ qua những công trình thật sự xuất sắc.
Khi nhìn vào mục tiêu của giải thưởng Tạ Quang Bửu là nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có kết quả nghiên cứu cơ bản xuất sắc, GS. Lê Văn Hoàng (Hội đồng ngành Vật lý) góp ý “chúng ta nói về công trình khoa học, không nên đặt nặng chuyện ứng dụng bởi đây là công trình tạo giá trị mới” đồng thời chỉ ra “phân định xuất sắc như thế nào thì cần phải dựa vào chất xám của các hội đồng, nếu nhiều tiêu chí hơn thì e rằng nó lại bó hẹp chúng ta”.
Việc coi các chỉ số trắc lượng là thông tin tham khảo, không bắt buộc sẽ tạo điều kiện cho các hội đồng tập trung vào những câu hỏi quan trọng, theo GS. Nguyễn Hải Nam. “Kinh nghiệm của những lần xét giải trước là bao giờ cũng đặt câu đầu tiên ‘công trình ấy có xứng đáng với tầm vóc của giải thưởng hay không?’. Câu thứ hai là tác giả có phải là người có đóng góp quan trọng nhất vào công trình hay không? Câu thứ ba là tính liêm chính của tác giả”.
Không phải tới khi Quỹ NAFOSTED chính thức ban hành quy định về liêm chính nghiên cứu đối với các đề tài khoa học do Quỹ tài trợ thì vấn đề liêm chính mới được coi trọng trong những lần xét giải thưởng Tạ Quang Bửu. Trao đổi với KH&PT từ vài năm trước, một thành viên Hội đồng ngành Vật lý cho biết là hội đồng đã phải loại đi một số đề cử, mặc dù chất lượng công trình khá xuất sắc, bởi vì “khi đưa nhà khoa học nào đó vào vị trí người đoạt giải thưởng, mang tính biểu tượng nhất định thì phải có sự xứng đáng cả về đạo đức khoa học”. Trong phiên họp trù bị giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024, PGS. Phạm Phương Chi (Hội đồng Văn học, Ngôn ngữ) cũng nêu vấn đề “Vậy công trình được xét là xuất sắc nhưng trong vòng bảy năm đó, hoặc trước khi đăng bài, nhà khoa học có những biểu hiện có thể khiến đặt dấu hỏi về liêm chính thì Hội đồng xử lý như thế nào?”.
Sức nóng của liêm chính khoa học đã thêm phần gia nhiệt cho việc xét giải Tạ Quang Bửu, qua đó khiến cho quá trình lựa chọn các ứng viên thêm phần phức tạp hơn nhưng cũng góp phần đảm bảo cho giải thưởng giá trị hơn. Vậy các hội đồng ngành và hội đồng giải thưởng sẽ ứng xử thế nào cho hợp lý? “Tôi cho rằng với nhà khoa học, đầu tiên phải đảm bảo sự liêm chính khoa học, đạo đức khoa học và đó phải là một quá trình chứ không thể xét trong vòng bảy năm có công bố. Nếu trong khoảng thời gian trước đó, nhà khoa học vi phạm liêm chính khoa học mà vẫn đưa ra xét giải thì tôi cho là các hội đồng ngành phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng. Khi xét chọn, chúng ta phải đảm bảo nhà khoa học thực sự liêm chính, có đạo đức, sau đó mới xét các tiêu chí khác để thực sự người được trao giải thưởng phải là người hoàn toàn xứng đáng, cả về đạo đức khoa học lẫn đóng góp khoa học”, GS. Trần Xuân Nam nói. “Điều này có thể khiến quá trình xét chọn vất vả hơn nhưng sau này chúng ta sẽ không gặp phải những ý kiến, thắc mắc, kiến nghị về liêm chính khoa học của người đoạt giải nữa”.
Chất lượng của một giải thưởng, xét cho cùng cũng phụ thuộc vào năng lực và phẩm chất của những người tham gia xét giải. Đó là lý do mà nhiều khi, người ta thường nhìn vào hội đồng giám khảo để đánh giá giải thưởng. GS. Trần Xuân Nam không khỏi suy nghĩ “Khi đánh giá xét chọn hồ sơ mà thành viên của hội đồng có quan hệ về mặt lợi ích thì đây là vấn đề liêm chính khoa học. Tôi cho là chúng ta cần trao đổi thêm. Nếu như có một hồ sơ đề xuất của một ứng viên, trong đó có thầy hướng dẫn, người cùng cơ quan, cùng chung đề tài thì chúng ta xét như thế nào? Chúng ta cần xem xét cả điều này để đưa ra được một nguyên tắc đánh giá khách quan, công bằng và có thể giải trình”.
Nêu lên một loạt vấn đề có thể sẽ gặp phải trong quá trình xét duyệt hồ sơ, từ hội đồng ngành đến hội đồng giải thưởng, các nhà khoa học đều mong muốn đi đến một cái đích cuối cùng, đó là chọn được người xứng đáng. Ba câu hỏi của GS. Nguyễn Hải Nam đã tóm gọn được những yếu tố quan trọng nhất của quá trình xét giải, tuy nhiên việc trả lời chúng không dễ, đặc biệt là việc xác định đóng góp của tác giả trong công trình. Nguyên nhân là văn hóa xuất bản của mỗi ngành thường rất khác nhau. “Đây cũng là một trong những tiêu chí được quan tâm trong những lần đánh giá trước, có rất nhiều ý kiến. Nếu là tác giả đầu hay là tác giả trong công trình xuất bản trên các tạp chí mà nhà xuất bản yêu cầu phải cam kết làm rõ đóng góp của từng tác giả trong bài báo như Elservier, Springer… thì rất dễ. Không có cam kết của các tác giả và không phải tác giả đầu thì làm thế nào làm rõ tác giả nào có đóng góp nhiều nhất thật sự khó. Nếu chúng ta cam kết chỉ dựa trên xác nhận của tác giả như vậy có phù hợp không? Tôi cho là các hội đồng ngành cần trao đổi vì sau này có thể cũng phát sinh trường hợp là tác giả cuối cùng, có trường hợp là tác giả giữa, không phải là tác giả đầu”, GS. Trần Xuân Nam nói.
Mặc dù quá trình xét chọn giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024 mới chỉ bắt đầu nhưng với những điều mà các nhà khoa học trao đổi và thảo luận, người ta có thể kỳ vọng vào một mùa giải thưởng tôn vinh và khích lệ được những người xứng đáng.
Nguồn: tiasang.com.vn