Trên bình diện quốc tế, các nước đều ban hành quy định kỹ thuật đo lường về kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường. Việc xây dựng quy định kỹ thuật đo lường chủ yếu dựa trên hướng dẫn các khuyến nghị (Recommendation) của Tổ chức Đo lường pháp định quốc tế (OIML).
Tính đến nay, Tổ chức Đo lường pháp định quốc tế đã ban hành 150 khuyến nghị kỹ thuật, 36 tài liệu hướng dẫn; bãi bỏ 20 khuyến nghị, 02 tài liệu; soát xét 67 khuyến nghị và 14 tài liệu không còn phù hợp. Một số quốc gia như Canada ban hành 75 văn bản, cập nhật mới 03 văn bản trong năm 2023; Úc ban hành 19 các thủ tục kiểm định phương tiện đo, 41 yêu cầu kỹ thuật đo lường phê duyệt mẫu phương tiện đo, 08 hướng dẫn phục vụ phê duyệt mẫu.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đến thăm và làm việc tại QUATEST 3 - Phòng Đo lường Độ dài.
Nhìn chung hệ thống văn bản kỹ thuật đo lường của nhiều quốc gia thường xuyên được soát xét, cập nhật theo xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, nền kinh tế-xã hội và yêu cầu quản lý. Các nước đều tiến hành soát xét quy định đã ban hành trên 5 năm để sửa đổi, bổ sung cập nhật những kỹ thuật đo lường, yêu cầu quản lý mới, loại bỏ những nội dung không còn phù hợp.
Ở góc độ trong nước, theo quy định của pháp luật về đo lường, yêu cầu kỹ thuật đo lường do cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền quy định áp dụng tại các văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam. Việc xây dựng các văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu kiểm soát đo lường đối với chuẩn đo lường, phương tiện, phép đo, hàng đóng gói sẵn…
Mặc dù hoạt động xây dựng và ban hành văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam đạt kết quả đáng ghi nhận với 349 văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam được ban hành, hình thành hệ thống tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cho các tổ chức, cá nhân thực hiện. Tuy nhiên, để phù hợp với sự phát triển của khoa học và công nghệ, yêu cầu quản lý đo lường từng thời kỳ, công tác rà soát, cập nhật và dự báo nhu cầu xây dựng văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục, cần lộ trình thực hiện cụ thể trong giai đoạn trung hạn, dài hạn.
Với quan điểm trên, Tổng cục TCĐLCL đang triển khai Nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng kế hoạch xây dựng mới, soát xét, sửa đổi văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn để xây dựng dự thảo kế hoạch xây dựng mới, soát xét, sửa đổi văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam nhằm giải quyết các vấn đề khoa học và thực tiễn quản lý. Nhiệm vụ tập trung giải quyết các vấn đề lý luận khoa học và thực tiễn để xây dựng kế hoạch xây dựng, soát xét, ban hành văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam phù hợp, khả thi nguồn lực thực hiện (nguồn lực con người, đơn vị, tài chính...) đúng thời hạn, chất lượng đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước về đo lường và hài hòa với các khuyến nghị quốc tế. Có thể nêu một số vấn đề chính được nghiên cứu như sau:
Kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng, soát xét, sửa đổi các văn bản kỹ thuật, khuyến nghị về đo lường.
Đánh giá thực trạng hệ thống đo lường Việt Nam hiện nay, việc xây dựng, ban hành và thực hiện văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam; dự kiến nhu cầu rà soát, xây dựng mới văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam phục vụ quản lý nhà nước về đo lường đến năm 2030 gồm:
Nghiên cứu, đánh giá thực trạng hệ thống đo lường Việt Nam hiện nay, việc xây dựng, ban hành và thực hiện văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam về hiệu chuẩn, thử nghiệm chuẩn đo lường; kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo và các vấn đề khác (các vấn đề chung, dấu định lượng hàng đóng gói sẵn, phép đo; công tác thanh tra, kiểm tra nhà nước về đo lường...); các khó khăn, bất cập...
Nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam liên quan đến xây dựng văn bản kỹ thuật đo lường; đánh giá danh mục phương tiện đo nhóm 2 hiện nay; dự kiến các phương tiện đo được bổ sung vào danh mục phương tiện đo nhóm 2 đến năm 2030.
Nghiên cứu dự kiến yêu cầu soát xét, xây dựng mới và ban hành văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam về hiệu chuẩn, thử nghiệm chuẩn đo lường cũng như kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo và các vấn đề khác (các vấn đề chung, dấu định lượng hàng đóng gói sẵn, phép đo; công tác thanh tra, kiểm tra nhà nước về đo lường...) đến năm 2030.
Trên cơ sở luận cứ khoa học, nhiệm vụ nghiên cứu đã đề ra nội dung dự thảo kế hoạch xây dựng soát xét, xây dựng mới văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam đến năm 2030. Hiện nay dự thảo kế hoạch đang được Tổng cục TC ĐLCL lấy ý kiến đóng góp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân và tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện trước khi ban hành
Nguồn: vietq.vn