10:36 | 01-03-2024

Nghiên cứu xây dựng quy trình hiệu chuẩn phương tiện đo nhóm 2 lĩnh vực khối lượng

Trước yêu cầu công tác quản lý và sự phát triển của xã hội, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đang triển khai nhiệm vụ Nghiên cứu soát xét, sửa đổi các văn bản kỹ thuật đo lường lĩnh vực dung tích - lưu lượng và xây dựng quy trình hiệu chuẩn phương tiện đo nhóm 2 trong lĩnh vực khối lượng.

Qua nhiều lần sửa đổi, cập nhật, đến nay Việt Nam đã có hệ thống văn bản pháp lý về đo lường tương đối hoàn thiện, bao gồm: Luật Đo lường (2011) và các văn bản dưới Luật, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật hiện nay của đất nước và thông lệ quốc tế.

Song hành với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam (ĐLVN) được xây dựng khá đầy đủ với 349 quy trình liên quan đến kiểm định, thử nghiệm phương tiện đo nhóm 2 quy định tại Thông tư 07/2019/TT-BKHCN và 160 quy trình khác đáp ứng kịp thời phần nào yêu cầu quản lý cũng như nhu cầu kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo nhóm 1 nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo công bằng xã hội.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số bất cập trong danh mục các ĐLVN phục vụ kiểm định phương tiện đo nhóm 2 đặc biệt trong lĩnh vực dung tích – lưu lượng. Một số quy trình ban hành từ lâu đã lỗi thời chưa bắt kịp sự phát triển của lĩnh vực đo lường và chưa được đưa vào soát xét, sửa đổi trong nhiều năm.

Điển hình, quy trình lập bảng dung tích bể trụ đứng ĐLVN 28:1998 được ban hành từ năm 1998, cần rà soát yêu cầu về chuẩn đo lường và tính liên kết chuẩn, cập nhật theo các phương pháp mới nhất đã được tiêu chuẩn hóa, áp dụng vào Việt Nam (ví dụ: Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11156-4:2015).

 Ảnh minh họa.

Ngoài ra, một số quy trình ban hành thời gian gần đây nhận được phản ánh về những bất cập trong việc thực hiện kiểm định cũng như đào tạo kiểm định viên. Ví dụ: Quy trình kiểm định đồng hồ đo nước ĐLVN 17:2017 và quy trình thử nghiệm đồng hồ đo nước ĐLVN 96:2017: Việc xác định lưu lượng kiểm định QIII và thể tích lưu lượng tối thiểu Vmin chưa quy định hết trường hợp được nêu ra tại Khuyến nghị OIML R49 về đồng hồ đo nước. ĐLVN 05: 2017 giải thích thuật ngữ, định nghĩa và quy trình thực hiện không rõ ràng, gây khó khăn cho kiểm định viện thực hiện.

Qua các bất cập đã nêu ở trên, việc soát xét, sửa đổi các quy trình này là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội đối với hoạt động kinh tế xã hội quan trọng (nước sinh hoạt, xăng dầu, khí ga dân dụng và công nghiệp), đáp ứng yêu cầu thực tiễn về quản lý nhà nước, cũng như hỗ trợ các tổ chức tham gia hoạt động kiểm định, thử nghiệm phương tiện đo nhóm 2.

Điểm b, khoản 2, Điều 2 Nghị định 154/2018/NĐ-CP (Nghị định 154) nêu rõ các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường phải có các quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm “phù hợp hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc khuyến nghị quốc tế của Tổ chức Đo lường pháp định quốc tế, tiêu chuẩn của Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế, tiêu chuẩn của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế, tài liệu của nhà sản xuất có liên quan”.

Nhằm từng bước đáp ứng quy định tại Nghị định 154, cần thiết phải nghiên cứu xây dựng quy trình hướng dẫn kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm các phương tiện đo nhằm thống nhất hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, đảm bảo độ tin cậy và tính chính xác của phép đo, kết quả đo đối với phương tiện đo có tên trong danh mục phương tiện đo nhóm 2 khi những phương tiện đo này có khả năng dùng cho mục đích thanh toán, mua bán, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường… mà không có sự kiểm soát từ cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, do phương tiện đo trong xã hội hết sức đa dạng và phong phú, trước mắt, việc xây dựng quy trình hiệu chuẩn trong lĩnh vực khối lượng cân ưu tiên cho các phương tiện đo có tên trong danh mục phương tiện đo nhóm 2 do tính phổ biến và sự tham gia đông đảo của nhiều tổ chức đăng ký cung cấp dịch vụ hiệu chuẩn liên quan đến nhiều hoạt động kinh tế, xã hội cần được kiểm soát (giao nhận, thanh toán, buôn bán…). Việc xây dựng hướng dẫn hiệu chuẩn cần tập trung vào các một số phương tiện đo khối lượng.

Với tình hình quản lý và mục tiêu trên, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đang triển khai nhiệm vụ Nghiên cứu soát xét, sửa đổi các văn bản kỹ thuật đo lường lĩnh vực dung tích - lưu lượng và xây dựng quy trình hiệu chuẩn phương tiện đo nhóm 2 trong lĩnh vực khối lượng, trong đó:

Xây dựng dự thảo soát xét, sửa đổi 09 ĐLVN (ĐLVN 05:2017 “Xi téc ô tô - Quy trình kiểm định”; ĐLVN17: 2017 “Đồng hồ đo nước - Quy trình kiểm định”; ĐLVN 28: 1998 “Bể trụ đứng - Quy trình lập bảng dung tích”; ĐLVN 29: 1998 “Bể trụ ngang - Quy trình lập bảng dung tích”; ĐLVN 96: 2017 “Đồng hồ đo nước - Quy trình thử nghiệm”; ĐLVN 155: 2015 “Đồng hồ đo khí kiểu màng - Quy trình kiểm định”; ĐLVN 239: 2011 “Đồng hồ đo khí dân dụng kiểu màng - Quy trình thử nghiệm; ĐLVN 254: 2015 “Đồng hồ khí công nghiệp - Quy trình thử nghiệm; ĐLVN 271: 2015 “Bể trụ cầu - Quy trình kiểm định” trong lĩnh vực dung tích - lưu lượng để giải quyết những bất cập còn tồn tại, cập nhật theo tiêu chuẩn mới nhất và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về đo lường.

Xây dựng mới các hướng dẫn quy trình hiệu chuẩn phương tiện đo nhóm 2 trong lĩnh vực khối lượng nhằm đưa ra khung quy chiếu cho các tổ chức cung cấp dịch vụ hiệu chuẩn xây dựng hoặc áp dụng quy trình hiệu chuẩn phương tiện đo nhóm 2 trong lĩnh vực khối lượng, đáp ứng quy định tại Nghị định 154 và yêu cầu quản lý nhà nước về đo lường đối với 1 số phương tiện đo thông dụng (bao gồm cân không tự động; cân băng tải; cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới xách tay, quả cân).

Trình tự, thủ tục xây dựng các văn bản kỹ thuật đo lường (ĐLVN) đáp ứng theo quy định tại Hướng dẫn ban hành kèm theo kèm theo Quyết định số 836/QĐ-TĐC ngày 15/5/2011 của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Thông tư số 04/2022/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ: Quy định định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước về duy trì, bảo quản và sử dụng hệ thống chuẩn đo lường quốc gia; xây dựng quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường bao gồm: Biên soạn dự thảo, xây thuyết minh, tổ chức họp hội thảo, hội đồng và các đơn vị có liên quan; lấy ý kiến các chuyên gia, triển khai thử nghiệm, đánh giá thực tiễn (nếu có), tổng hợp xử lý ý kiên và hoàn thiện, thẩm định hồ sơ trình dự thảo quy trình ĐLVN.

Hiện nay, dự thảo các quy trình đang được hoàn thiện để trình Tổng cục TCĐLCL xem xét, ban hành.

Nguồn: vietq.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận