11:01 | 10-02-2025

Những điểm sáng kinh tế tháng đầu tiên năm 2025

Hoạt động dịch vụ trong tháng Một tăng cao, đáp ứng nhu cầu mua sắm, đi lại của người dân trong dịp Tết.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2025 tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,0%); vận chuyển hành khách tăng 17,0% và luân chuyển hành khách tăng 18,0%; vận chuyển hàng hóa tăng 12,5% và luân chuyển hàng hóa tăng 15,2%.

Vốn đầu tư nước ngoài điều chỉnh tăng thêm trong tháng Một năm nay là điểm sáng tích cực của nền kinh tế, cho thấy các nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng Việt Nam là điểm đến quan trọng và tăng cường mở rộng quy mô các dự án đầu tư.

Tính đến ngày 30/01/2025, cả nước có 137 lượt dự án đầu tư nước ngoài được điều chỉnh tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 2,73 tỷ USD, tăng 4,6% về số lượt dự án và gấp 6,1 lần về số vốn so với cùng kỳ năm 2024. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại Việt Nam trong tháng 01/2025 đạt 1.510 triệu USD, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều điểm sáng kinh tế tháng đầu tiên năm 2025.

Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, nguồn cung hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán dồi dào, giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tương đối ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Một năm 2025 tăng 3,63% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác an sinh xã hội được các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm kịp thời. Các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể đã tặng quà cho các đối tượng với gần cho trên 13,5 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí trên 7.943 tỷ đồng (tăng 181 tỷ đồng so với Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024), hơn 6.876 tấn gạo, bảo đảm không để ai không có Tết, không ai bị bỏ lại phía sau.

Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2025 được dự báo đang dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng, xu hướng phục hồi rõ nét hơn nhưng không đồng đều giữa các quốc gia. Các tổ chức như OECD, IMF và EU nhận định tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2025 tăng nhẹ hoặc ổn định ở mức 3,2%-3,3%. Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu vẫn phải đối mặt với nhiều rùi ro thách thức như xung đột và căng thẳng địa chính trị, chuỗi cung ứng toàn cầu còn yếu do bất ổn địa chính trị, thiếu hụt nguồn cung, lạm phát đang hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, rủi ro lãi suất tăng và biến động tỷ giá hối đoái. Bên cạnh đó, những chính sách kinh tế mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ tác động sâu sắc hơn đến tình hình kinh tế thế giới nói chung và nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Đối với Việt Nam, hầu hết các tổ chức quốc tế như WB, ADB, OECD và IMF đều dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2025 ở mức từ 6,1%-6,6%. Trong nước, kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, tuy nhiên sẽ phải đối mặt với những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.

Nguồn: vietq.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận