14:39 | 06-03-2024

Những tác hại đối với trẻ em khi sử dụng thiết bị điện tử lúc ăn

Việc sử dụng thiết bị điện tử giúp trẻ tập trung khi ăn dễ gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng tới sức khỏe như: Gây thừa cân, béo phì, mất cảm giác ngon miệng, dễ dẫn tới biếng ăn, suy dinh dưỡng. ảnh hưởng đến dạ dày và hệ tiêu hóa.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM): Muốn trẻ phát triển tốt cả thể chất lẫn tinh thần thì cần có sự tương tác với người thân trong gia đình (cha, mẹ, ông, bà…) và môi trường xung quanh như ở trường, lớp bạn bè… Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại có nhiều yếu tố tác động khiến trẻ tiếp xúc sớm với các thiết bị điện tử. Điều này khiến trẻ chỉ có sự tương tác một chiều trong thế giới ảo, gây cản trở khả năng giao tiếp.

Khi trẻ tiếp xúc với thiết bị điện tử nhiều không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn cả sức khỏe thể chất. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý học Anh quốc, trẻ em dành nhiều thời gian sử dụng điện thoại thông minh thường bị mất ngủ, trong khi giấc ngủ rất quan trọng, giúp trẻ phát triển trí não. Nếu trẻ thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển, học tập. Mất ngủ trong thời gian dài dẫn đến rối loạn tập trung, suy giảm nhận thức. Bên cạnh đó, mắt trẻ đang trong quá trình phát triển, nếu tiếp xúc với bức xạ từ điện thoại sẽ làm suy giảm thị lực và gây ra nhiều bệnh về mắt.

Một nghiên cứu của các chuyên gia Trường Sức khỏe công cộng thuộc ĐH Harvard (Mỹ) chỉ ra rằng những trẻ em dùng máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh hơn 5 giờ/ngày thì tăng 43% nguy cơ bị béo phì. Không chỉ vậy, khi người lớn tập trung làm việc hoặc không kiểm soát những hình ảnh trẻ thấy trên màn hình sẽ vô tình tạo cơ hội cho trẻ tiếp thu những thông tin xấu. Ngoài ra, thời gian qua, tỉ lệ trẻ đến bệnh viện khám vì mắc hội chứng Tic (cử động bất thường của các cơ, lặp đi lặp lại không kiểm soát được) có xu hướng cao hơn trước. Nguyên nhân cũng do trẻ xem tivi, chơi game quá nhiều.

Rất nhiều ba mẹ có thói quen cho con ăn bằng cách cho trẻ xem các chương trình giải trí hay phim hoạt hình trên tivi, điện thoại, máy tính bảng. Có lẽ vì khi xem tivi, trẻ sẽ mất tập trung vào việc ăn uống, ba mẹ sẽ dễ dàng cho trẻ ăn hơn và trẻ cũng ăn nhiều hơn. Vậy vừa ăn vừa xem tivi có tốt không? Thực tế, thói quen này của trẻ không những không có lợi ích mà còn gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Theo BS.CK1 Lê Thị Thúy Hằng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3,  tác hại của việc trẻ vừa ăn vừa sử dụng thiết bị điện tử bao gồm:

Mất cảm giác ngon miệng

Khi vừa ăn vừa xem tivi, trẻ sẽ ko còn chú ý vào món ăn để thưởng thức hương vị. Việc xem tivi hay điện thoại trong khi ăn cũng giống như việc đưa thức ăn vào một cái máy tự động mà không có mang lại cảm giác gì. Thói quen này sẽ khiến trẻ bị phân tán tư tưởng, làm cho vị giác lẫn cảm giác ngon miệng sẽ giảm dần, dẫn đến trẻ biếng ăn. Do đó, vào cuối ngày trẻ sẽ thấy đói bụng và có xu hướng ăn nhiều hơn. Mặc dù ba mẹ có cho trẻ ăn nhiều nhưng cuối cùng trẻ vẫn không cảm thấy vui và thỏa mãn khi ăn uống thức ăn ngon.

Rối loạn tiêu hóa

Trẻ vừa ăn vừa xem tivi hay điện thoại có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng tiêu hóa thức ăn. Ăn uống trong lúc xem các chương trình trên tivi làm mờ nhạt các tín hiệu từ não truyền đến dạ dày. Điều này làm cho dạ dày không tiết đủ dịch vị và men tiêu hoá khiến thức ăn không được tiêu hóa kỹ càng và cơ thể cũng khó hấp thu chất dinh dưỡng hơn. Lâu dần, hệ tiêu hóa của trẻ sẽ bị rối loạn, trẻ thiếu dưỡng chất dễ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe khác.

Ảnh minh họa

Tăng nguy cơ béo phì

Nhiều nghiên cứu đã báo cáo rằng ăn trong khi xem tivi hay điện thoại có nguy cơ gây béo phì, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Với thói quen vừa ăn vừa xem sẽ khiến trẻ có xu hướng ăn vặt khi xem tivi hay điện thoại ngoài những bữa ăn chính. Đây là tác hại thường gặp nhất của việc trẻ vừa ăn vừa xem tivi hay điện thoại.

Việc ăn trong lúc xem tivi hay điện thoại sẽ khiến trẻ không nhận ra được khi nào cảm thấy no. Bởi vì toàn bộ sự chú ý của trẻ đã bị thu hút bởi các chương trình truyền hình. Khi “tín hiệu báo no” trong não bị vô hiệu hóa, trẻ sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn so với nhu cầu thực tế dẫn đến sự tăng cân mất kiểm soát, gây ra béo phì. Bên cạnh đó, hầu hết các quảng cáo trên tivi hay các quảng cáo xen giữa các chương trình giải trí xem trên điện thoại đều liên quan đến thực phẩm, chủ yếu là thức ăn nhanh và thực phẩm đóng gói sẵn. Những sản phẩm này bắt mắt, xuất hiện nhiều lần sẽ khiến trẻ thích thú và muốn ăn thử. Đây là những loại thực phẩm không lành mạnh, chứa nhiều calo làm tăng nguy cơ béo phì trẻ em. Ngoài ra, ngồi xem tivi hay điện thoại trong nhiều giờ đồng hồ còn làm giảm tốc độ trao đổi chất trong cơ thể, khiến thức ăn bị tiêu hóa chậm hơn, dẫn đến sự tích tụ chất béo ở vùng bụng, làm cho trẻ tăng nguy cơ béo phì.

Biện pháp giúp trẻ cai điện thoại, tivi khi ăn

WHO khuyến cáo rằng trẻ nhỏ dưới 2 tuổi tuyệt đối không nên sử dụng thiết bị điện tử. Với trẻ lớn hơn cũng không khuyến khích xem, nếu sử dụng thì chỉ nên tiếp xúc khoảng 60 phút/ngày.

Khi cho trẻ xem tivi, điện thoại…, phụ huynh cần chú ý đến khoảng cách từ mắt đến các thiết bị này. Đặc biệt, với trẻ nhỏ, cha mẹ cần để ý để giữ khoảng cách an toàn; ngồi cách tivi 4 - 5 lần kích thước đường chéo màn hình; kiểm soát thời gian xem cũng như chọn lọc nội dung cho trẻ… và tham gia cùng trẻ trong suốt thời gian sử dụng thiết bị.

Thời điểm mới bắt đầu cho ăn dặm, phụ huynh nên kiên nhẫn dụ bé ăn, không được dùng đến tivi, điện thoại hoặc máy tính bảng để thu hút sự chú ý của trẻ. Không ép trẻ ăn quá nhiều gây cho trẻ cảm giác sợ bữa ăn. Phụ huynh cũng không sử dụng thiết bị điện tử trong lúc ăn để làm gương.

Khuyến khích trẻ vào bếp nấu ăn cùng mẹ để trẻ cảm thấy thích thú hơn khi ăn những món ăn mình nấu. Sau đó, cho trẻ ngồi ăn chung với cả gia đình sẽ giúp trẻ vui vẻ quên đi tivi, điện thoại. Tạo cho trẻ cảm giác đói bằng cách không cho trẻ ăn nhiều đồ ăn vặt hay uống nước ngọt trước thời điểm ăn bữa chính. Thời gian mỗi buổi ăn của trẻ chỉ nên kéo dài khoảng 25 đến 30 phút.

Nếu đã áp dụng các biện pháp trên mà trẻ vẫn không sửa đổi được việc phải xem tivi, điện thoại khi ăn, ba mẹ nên hỏi ý kiến của bác sĩ để được giúp đỡ. Tốt nhất là không nên hình thành thói quen này cho trẻ ngay từ đầu.

Nguồn: vietq.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận