Đó là vào năm 2034. Bạn thức dậy và đi vào phòng tắm.
Đầu tiên, một cảnh báo từ nhà vệ sinh vang lên, thông báo bạn đang bị mất nước và tốt hơn hết hãy nhớ mang theo chai nước khi đi làm. Chiếc gương phía trên bồn rửa tay thì khuyên bạn nên thoa thuốc theo đơn. Sau đó, khi bạn bước vào, đứng dưới vòi hoa sen - nó sẽ phát ra ánh sáng hồng ngoại nhằm làm dịu các chứng viêm.
Các nhà thiết kế và giám đốc điều hành công nghệ cho biết phòng tắm ứng dụng công nghệ có thể trở nên phổ biến ở nhiều ngôi nhà cao cấp ở Mỹ trong thập kỷ tới.
Nỗi lo ngại về sức khỏe sau đại dịch được cho là giúp thúc đẩy xu hướng này, theo Wall Street Journal.
Thomas Serval, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Baracoda - công ty Pháp chuyên về công nghệ y tế kết nối internet - chia sẻ phòng tắm thông minh đã được ứng dụng ở các bệnh viện, khách sạn hàng đầu và một số ngôi nhà siêu sang tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, quyền riêng tư sẽ là vấn đề gây lo ngại. Liệu bao nhiêu người sẽ muốn hoạt động trong phòng tắm của họ bị theo dõi và phân tích?
Bồn cầu thông minh
Bill Darcy - chủ tịch toàn cầu và giám đốc điều hành của Hiệp hội Nhà bếp & Nhà tắm Quốc gia - cho hay những năm tới, một số chủ nhà có thể sẽ tìm kiếm loại bồn cầu có nhiều tính năng hơn, như khả năng phân tích nước tiểu và tự làm sạch.
Trong khi đó, theo Vik Kashyap, giám đốc điều hành của Toi Lab - nhà sản xuất bồn cầu thông minh - trong tương lai, nhà vệ sinh có thể phát hiện nhiều bệnh khác nhau, chẳng hạn nhiễm trùng đường tiết niệu và vấn đề về thận, bằng cách sử dụng xét nghiệm kích hoạt hóa học tích hợp.
Kashyap chia sẻ ở một số cơ sở dành cho người cao tuổi, bồn cầu gắn camera hướng xuống đã sử dụng trí tuệ nhân tạo của Toi Labs để theo dõi nước tiểu và phân, nhằm phát hiện dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh tật.
Tương tự, Inna Ndaw - giám đốc sản phẩm của công ty Withings - cho hay họ bán thiết bị đặt bên trong bồn cầu có khả năng phát hiện nồng độ vitamin, lượng đường huyết và thời điểm rụng trứng. Kết quả sẽ được gửi đến một ứng dụng. Thiết bị này giá khoảng 500 USD.
Những phát minh khác cũng đang được nghiên cứu. Toi Labs có kế hoạch kết hợp công nghệ “mũi điện tử” để phát hiện mùi hương mang dấu hiệu bệnh tật. Công ty cũng phát triển bồn cầu sử dụng nhiều loại ánh sáng khác nhau chiếu vào da, nhằm xác định nhiệt độ cơ thể, nhịp tim và lượng oxy trong máu của người dùng.
Gương điện tử trên tường
Không dừng lại, một ngày nào đó, khi nhìn vào gương phòng tắm, bạn có thể nhìn thấy khuôn mặt khác không phải của mình - mà là khuôn mặt của bác sĩ.
Serval của Baracoda, công ty sở hữu CareOS - nhà sản xuất phần mềm gương thông minh - cho biết tương lai, những chiếc gương có giao diện giống màn hình có thể kết nối người dùng với chuyên gia chăm sóc sức khỏe, khi thiết bị khác trong phòng tắm báo hiệu vấn đề.
Trí tuệ nhân tạo tích hợp vào gương cũng có thể đưa ra khuyến nghị chăm sóc da được cá nhân hóa và hướng dẫn người dùng kỹ thuật “yoga mặt” hoặc thiền.
Lindsay Brennan - phát ngôn viên của công ty - chia sẻ công ty sản phẩm y tế NuraLogix gần đây đã ra mắt gương để bàn trang bị camera, giúp phát hiện lưu lượng máu trên khuôn mặt, từ đó xác định huyết áp và dự đoán nguy cơ đau tim, đột quỵ cùng tăng huyết áp. Kết quả sẽ được hiển thị ngay trên gương.
Gương thông minh của NuraLogix đo huyết áp và dự đoán nguy cơ đau tim bằng cách sử dụng camera được trang bị để phát hiện lưu lượng máu trên khuôn mặt. Ảnh: NuraLogix.
Spa tại nhà
Alexandra Yacavone - giám đốc studio thiết kế tại Kohler - nhận định trong số các xu hướng tương lai, chủ nhà sẽ muốn phòng tắm của mình trở thành nơi thư giãn và an toàn, hỗ trợ sức khỏe, hạnh phúc và tuổi thọ.
Các công ty đang thử nghiệm công nghệ để tạo cảm giác spa ngay tại nhà.
Đầu năm nay, Kohler đã cho ra mắt loại bồn tắm mang tên “Trải nghiệm vô cực tĩnh lặng” có thể tạo ra âm thanh thác nước êm dịu khi nước tắm tràn vào bồn.
Bồn tắm cũng đi kèm với máy phun sương có khả năng trị liệu bằng hương thơm và đèn chiếu sáng tùy chỉnh màu nhằm giúp người dùng thư giãn.
Vòi sen có khả năng xông hơi và hồng ngoại giống phòng tắm hơi đã có mặt trên thị trường, với giá khởi điểm khoảng 3.000 USD.
Nghiên cứu cho thấy nhiệt hồng ngoại cùng ánh sáng đỏ mang lại nhiều lợi ích bao gồm thư giãn và giảm căng thẳng. Đôi khi, nó còn được quảng bá như cách để giải độc cơ thể.
Điều khiển vòi hoa sen kích hoạt bằng giọng nói đã có sẵn nhưng các phương pháp mới để tinh chỉnh áp lực nước đang được phát triển.
Thảm thông minh
Không dừng lại ở đó, sau khi tắm xong, hãy bước lên tấm thảm tắm thông minh của bạn. Trong tương lại, những tấm thảm này, về cơ bản, có thể trở thành chiếc cân tiên tiến với cảm biến áp suất bên trong lớp vải, giúp đo trọng lượng và thành phần cơ thể.
Bằng cách sử dụng hàng nghìn cảm biến để đánh giá cách người dùng đứng và đi lại, tấm thảm cũng có thể phát hiện tư thế và khả năng giữ thăng bằng nhằm dự đoán nguy cơ mắc bệnh thoái hóa thần kinh, từ đó gửi kết quả đến một ứng dụng.
BBalance - nhà sản xuất thảm tắm thông minh thuộc sở hữu của Baracoda - dự kiến tung ra thị trường thảm ở Mỹ vào năm 2025.
Bằng cách sử dụng cảm biến, thảm tắm BBalance sẽ phát hiện tư thế và sự cân bằng cũng như trọng lượng và thành phần cơ thể. Ảnh: Baracoda.
Bên cạnh đó, trong tương lai khi rửa tay và đánh răng, bạn còn có thể nhận được một số phản hồi.
Serval cho biết các công ty công nghệ muốn phát triển khả năng phân tích nước bọt để phát hiện sự hiện diện của vi khuẩn hoặc Covid-19 khi chảy xuống cống.
Mặc dù hiện nay có rất ít nhà khoa học đang phát triển công nghệ bồn rửa như vậy, phát hiện này không hoàn toàn mới. Các chuyên gia y tế công cộng đã phân tích nước thải để theo dõi sự bùng phát của Covid-19 cùng các bệnh khác.
Alexandria Boehm - giáo sư kỹ thuật dân dụng và môi trường, người điều hành một chương trình học thuật tại Đại học Stanford - cho biết sử dụng công nghệ tương tự, bồn rửa có thể phát hiện sự hiện diện của vi khuẩn cùng vi rút.
Nhưng bà lưu ý sự hiện diện của kem đánh răng và các sản phẩm chăm sóc cá nhân khác có thể khiến việc đạt được kết quả chính xác trở nên khó khăn hơn.
Nguồn: znews.vn