Theo Hiệp hội Thép thế giới, năm 2023, Việt Nam là nước nhập khẩu thép đứng thứ 12 với sản lượng 19 triệu tấn, đứng trên cả Indonesia, Thái Lan, Malaysia. Nhiều quốc gia đã phải áp dụng rất nhiều thủ tục đối với sản phẩm thép nhập khẩu như Malaysia, Thái Lan, Ấn độ, Hàn Quốc, Australia, Mỹ, Canada, Anh…
Có thể kể đến thủ tục yêu cầu người nhập khẩu phải đăng ký chủng loại mặt hàng với cơ quan quản lý chuyên ngành của nước nhập khẩu trước khi thực hiện nhập khẩu và phải được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nhập khẩu đánh giá thực tế sản xuất, chất lượng sản phẩm tại nhà máy sản xuất, cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn chất lượng của quốc gia nhập khẩu. Mục đích của những việc này nhằm ngăn chặn tình trạng hàng kém chất lượng tràn vào trong nước.
Ảnh minh họa.
Ngoài ra, nhiều quốc gia như Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc… đã thực hiện các tiêu chuẩn bắt buộc đối với thép nhập khẩu và thép sản xuất trong nước. Điều này có thể thúc đẩy, nâng cao chất lượng sản phẩm; nâng cao khả năng cạnh tranh của nhà sản xuất địa phương.
Nhìn lại Việt Nam, một số doanh nghiệp cho rằng trước đây Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu, bảo đảm nguyên tắc quản lý chất lượng đối với mặt hàng thép trong sản xuất, nhập khẩu, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo tính an toàn khi sử dụng thép, chống gian lận thương mại trong việc kê khai thép nhập khẩu.
Tuy nhiên, sau khi Thông tư số 18/2017/TT-BCT được ban hành đã bãi bỏ một số điều của Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN ngày 31/12/2015, trong đó đã bãi bỏ một số quy định liên quan đến quản lý chất lượng thép, trong đó có thép nhập khẩu. Hơn nữa, các biện pháp phòng vệ thương mại như tự vệ phôi thép đã bị dỡ bỏ, các sản phẩm thép khác như tôn mạ, tôn màu, ống thép, thép dự ứng lực… đều không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào, việc nhập khẩu nhiều loại thép mới trên thị trường và không có quy trình kiểm tra chất lượng như các quốc gia khác dẫn đến thép nhập khẩu đa dạng về chủng loại, chất lượng, chưa được đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, chưa có sự kiểm soát về chất lượng và chủng loại.
Hơn nữa, theo cam kết quốc gia về giảm khí phát thải nhà kính, các nước lớn đang có xu hướng nâng cao hàng rào kỹ thuật như chuyển đổi năng lượng sạch, sản xuất cacbon thấp, thuế tối thiểu toàn cầu... Xu hướng này đặt ra những luật chơi mới và là cuộc đua không cân sức với những nước còn nhiều khó khăn như Việt Nam.
Vì vậy, cần xây dựng chính sách, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp trong tình hình mới, đảm bảo những cam kết của Việt Nam, cũng như loại bỏ sản phẩm thép nhập kém chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh chất lượng sản phẩm thép sản xuất trong nước.
Nguồn: vietq.vn