15:06 | 23-02-2024

Sửa đổi, bổ sung quy định đo lường với phương tiện đo nhóm 2: Những yêu cầu đặt ra

Việc xây dựng các quy trình kiểm định, quy trình thử nghiệm thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện nhằm thống nhất hoạt động kiểm định, thử nghiệm phương tiện đo, đảm bảo độ tin cậy và tính chính xác của phép đo, kết quả đo đối với phương tiện đo này khi dùng cho mục đích định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường...

Để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu, điện khí hóa và giảm thiểu phát thải là ưu tiên toàn cầu hiện nay. Trong những năm qua việc chuyển dịch từ ô tô, xe máy dùng nhiên liệu hóa thạch sang ô tô, xe máy điện đang ngày càng trở nên mạnh mẽ.

Tại Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu công cuộc điện khí hóa lĩnh vực ô tô. Một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu khi sử dụng xe điện là thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện. Câu hỏi đặt ra là hạ tầng mạng lưới trạm sạc có làm tốt và đảm bảo năng lượng cho những chuyến đi tương tự như mạng lưới trạm xăng đang làm hay không. Do vậy, hệ thống trạm sạc là vấn đề sống còn cho công cuộc chuyển đổi năng lượng xanh này.

Để người dùng xe điện có thể yên tâm sử dụng xe thì hệ thống trạm sạc cần phát triển đến hàng trăm nghìn cổng sạc hoặc hơn thế. Với con số khổng lồ đó chúng ta cần đẩy mạnh việc sản xuất, nhập khẩu thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện mới đón đầu được nhu cầu sử dụng của người dùng xe điện.

Trên thế giới hiện có khoảng 16,5 triệu chiếc ô tô điện, riêng năm 2021 tăng 6,6 triệu chiếc, tháng 3 đầu năm 2022 bán ra khoảng 2 triệu chiếc. Gần 10% doanh số bán toàn cầu là ô tô điện. Năm 2021 có khoảng 1,8 triệu điểm sạc công cộng trên toàn thế giới, 1/3 trong đó là sạc nhanh. Riêng năm 2021 lắp đặt 500 nghìn bộ sạc. Ước tính năm 2040 cần 290 triệu điểm sạc để có thể chuyển đổi sang xe điện theo cam kết. (Nguồn: Cơ quan năng lượng quốc tế - IEA).

Châu Âu năm 2021 có khoảng 290 nghìn điểm sạc và mục tiêu đến năm 2025 là 1 triệu điểm sạc và đến năm 2030 là 3 triệu điểm sạc (Nguồn: Cơ quan năng lượng quốc tế - IEA). Trung Quốc năm 2021 có khoảng 1,1 triệu điểm sạc. Mục tiêu điện khí hoá năm 2022 có đủ trạm sạc cho 20 triệu EV, phân bổ đều ở cả khu vực nông thôn và hành lang vận tải (hiện nay 70% tập trung ở Quảng Đông và Thượng Hải), 60-80% điểm dịch vụ trên đường cao tốc có trạm sạc nhanh... Xây dựng 1000 trạm đổi pin và sản xuất 100 nghìn xe có khả năng đổi pin. Nhiều chính sách thúc đẩy các ưu đãi cho việc phát triển trạm sạc ở cả trung ương và địa phương (Nguồn: Cơ quan năng lượng quốc tế - IEA).

Nhật Bản, mục tiêu đến năm 2030 có 150 nghìn điểm sạc, đòi hỏi đầu tư hạ tầng cỡ 342 triệu USD, trong đó 114 triệu USD cho các trạm sạc mới và trạm nạp nhiên liệu hydrogen (Nguồn: Cơ quan năng lượng quốc tế - IEA). Hàn Quốc mục tiêu năm 2022 nâng từ 8.000 lên 30.000 điểm sạc với đầu tư trạm sạc chậm tăng 21 lên 65 triệu USD và sạc nhanh tăng từ 3,9 lên 32 triệu USD (Nguồn: Cơ quan năng lượng quốc tế - IEA).

Thái Lan, hiện có 1.500 trạm sạc công cộng. Mục tiêu đến năm 2030 có 12.000 trạm sạc nhanh và 1.450 trạm đổi pin cho xe máy điện (Nguồn: Cơ quan năng lượng quốc tế - IEA). Mỹ hiện có 100 nghìn trạm sạc công cộng. Mục tiêu đến năm 2030 có 500 nghìn trạm sạc nhanh và đầu tư 5 tỷ USD cho mục tiêu này. Chính phủ Mỹ đã soạn thảo đề xuất tiêu chuẩn hóa hệ thống trạm sạc xe điện do chính phủ hỗ trợ tài chính, để đồng bộ hóa công nghệ sạc công cộng trên cả nước. Các trạm sạc có khoảng cách tối đa 80,5 km (50 dặm) và đặt cạnh một trạm xăng truyền thống. Mỗi trạm sạc "tiêu chuẩn" cũng cần có ít nhất 4 Thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện (loại sạc thường) cho phép người dùng sạc 4 xe cùng lúc và 4 Thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện (loại sạc nhanh). Tiến tới sử dụng chung một ứng dụng cho tất cả các loại trạm sạc (Nguồn: Cơ quan năng lượng quốc tế - IEA).

VinFast hiện đang là nhà sản xuất ô tô điện duy nhất tại Việt Nam. Ngoài việc sản xuất ô tô điện, Vinfast cũng cung cấp ra thị trường cả xe máy điện và xe đạp điện. Với các sản phẩm mới này, VinFast trở thành một trong những hãng xe đầu tiên trên thế giới có hệ sinh thái “xanh” gồm ô tô điện, xe máy điện, xe buýt điện và xe đạp điện, góp phần thúc đẩy môi trường sống xanh, bền vững.

Theo bà Phan Thị Thuỳ Dương, Giám đốc phát triển trạm sạc pin VinFast, song song với việc phát triển phương tiện, VinFast cũng quy hoạch 2.121 vị trí trạm sạc trên 63 tỉnh thành với trên 2.000 trạm sạc cho gần 40.000 cổng sạc phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn châu Âu. Các trạm sạc đa dạng gồm sạc thường ô tô AC 11 kW, sạc nhanh ô tô DC 30 kW và 60 kW, trụ sạc siêu nhanh ô tô DC 250 kW và sạc xe máy AC 1,2 kW. Các trạm sạc VinFast có mặt ở các chung cư, cây xăng, trạm dừng nghỉ, bãi đỗ xe, trường học,…

Hình ảnh Thiết bị sạc điện đã lắp đặt và sử dụng tại hiện trường.

VinFast cũng hợp tác với các bên để cùng lắp đặt và khai thác các trạm sạc xe điện, đơn cử như việc bắt tay với Petrolimex. Dự kiến trong hai năm 2022-2023, hơn 500 trạm sạc xe điện VinFast sẽ được lắp đặt và phục vụ khách hàng cùng các trụ bơm xăng dầu trong khuôn viên cửa hàng xăng dầu Petrolimex trên toàn quốc. Tính tới ngày 14/10/2022, VinFast đã hoàn thiện lắp đặt được tổng số trạm sạc (trạm sạc cho cả ô tô điện, xe máy điện và xe đạp điện) như sau: Tại miền Bắc: 493 trạm sạc tại 26 tỉnh thành; Tại miền Trung: 318 trạm sạc tại 19 tỉnh thành; Tại miền Nam: 256 trạm sạc tại 20 tỉnh thành.

Hiện nay, Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ VinFast có chính sách khách hàng phải trả phí dịch vụ sạc điện theo lượng điện năng tiêu thụ tại Thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện lắp đặt ở địa điểm công cộng như bãi đỗ xe. 

Ngoài Vinfast, Tổng công ty Điện lực miền Trung cũng thử nghiệm và lắp đặt vận hành trạm sạc ô tô điện tại một số địa điểm gồm: Trụ sở Tổng công ty Điện lực miền Trung, các cửa hàng xăng dầu PVOIL trên địa bàn thành phố Đà Nẵng… Sản phẩm được phát triển bởi Trung tâm sản xuất điện tử điện lực miền Trung (thuộc EVN). Hiện, Trung tâm đã hoàn thành và bàn giao 6 trạm sạc đến khách hàng, dự kiến lắp đặt tại Hà Nội.

Theo tìm hiểu, trên thị trường đây là trạm sạc nhanh cho xe ô tô điện đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam đến từ một nhà sản xuất không làm ô tô. Trạm sạc có khả năng đạt 80% pin trong vòng 30 - 40 phút tùy dung lượng pin của xe. Trạm có khả năng ngắt sạc khi có yêu cầu từ xe hoặc thao tác trên màn hình. Đáp ứng quy định về trạm sạc DC dành cho xe điện theo các tiêu chuẩn châu Á và châu Âu như IEC 61851-23/24, IEEE 2030.1.1,… Trạm sạc do EVN sản xuất tương thích với hệ thống thanh toán tiền điện tại Việt Nam và có thể mở rộng tích hợp nhiều chuẩn cho cùng một trạm sạc (CCS, Tesla, GB/T) (tùy chọn). Đồng thời, có thể nâng công suất lên 120 kW.

Theo giới thiệu, 6 trạm sạc EVN bàn giao cho khách hàng lần này có công suất đầu ra mỗi trạm là 60 kW, kiểu sạc nhanh DC, được trang bị hai đầu sạc, chuẩn sạc CHAdeMO, với các chế độ sạc thông thường, sạc đầy pin và sạc theo thời gian tùy theo nhu cầu khách hàng lựa chọn. Giao diện tương tác với người dùng được trang bị trên màn hình hiển thị 17,78 cm (7 inch), màn hình màu, có cảm ứng, hỗ trợ tiếng Việt và tiếng Anh.

Với chiến lược này, các hãng xe điện khác muốn mở rộng thị trường tại Việt Nam buộc phải tính đến chuyện xây dựng hệ thống trạm sạc như VinFast. Và việc EVN - một công ty độc lập không sản xuất xe điện, đầu tư phát triển hệ thống trạm sạc cũng sẽ là giải pháp cho các hãng ô tô muốn bán xe điện tại Việt Nam.

Một số thương hiệu như Porsche, Audi hay Mercedes-Benz cũng thiết lập hệ thống trạm sạc cho khách hàng, tuy nhiên số lượng vẫn còn hạn chế, hầu hết chỉ lắp đặt tại showroom hoặc nhà máy của hãng. Các thương hiệu như Audi hay Mercedes-Benz đều có kế hoạch mở rộng hệ thống trạm sạc, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Đại diện Audi Việt Nam cho biết sắp tới dự kiến mở rộng thêm khoảng 15 điểm sạc tại TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hệ thống trạm sạc cho xe điện cũng mở rộng thị trường kinh doanh trạm sạc xe điện tại Việt Nam như Siemens, Charge+, ABB.

Tuy số lượng trạm sạc đang gia tăng đáng kể theo từng năm nhưng cần tiếp tục bổ sung các giải pháp để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng hiện có của Việt Nam. Theo kết quả khảo sát người tiêu dùng Việt Nam về phương tiện giao thông điện mới được công bố gần đây, trong số 78% người dùng muốn chuyển sang xe điện có đến 38% mong muốn sử dụng ô tô điện. Khảo sát do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đặt hàng Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao thực hiện. Khảo sát được tiến hành trên 5 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ và 3 địa phương tiềm năng như Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế, Phú Yên. Cuộc khảo sát trên gần 1.300 đối tượng, gồm 785 người (người tiêu dùng) đã sử dụng phương tiện giao thông điện và 498 người tiêu dùng tiềm năng là những người chưa sử dụng phương tiện giao thông điện nhưng có nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông điện.

Kết quả khảo sát cho thấy, mức độ sử dụng các loại PTGTĐ hiện nay nhiều nhất là xe máy điện 33%, xe đạp điện 27% và ô tô điện 2%. Các phương tiện giao thông điện mới được sự dụng phổ biến trong 3 năm trở lại đây, chiếm tỷ lệ 79%. Tuy mức độ sử dụng còn khiêm tốn nhưng tín hiệu đáng mừng là mức độ gia tăng sở hữu các loại phương tiện giao thông điện tại Việt Nam những năm trở lại đây đang ngày càng phổ biến và người tiêu dùng đang chấp nhận sử dụng ngày càng nhiều phương tiện giao thông điện cả về số lượng phương tiện và tần suất sử dụng vì mang lại như lợi ích tích cực như bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí, nhiên liệu hay an toàn hơn so với xe sử dụng xe động cơ đốt trong.

Căn cứ tình hình thực tế, trước sự phát triển nhanh của dòng xe điện trên thế giới và Việt Nam, thời gian qua, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Tổng cục) đã nghiên cứu về mặt kỹ thuật đối với thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện và nhận thấy thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện là thiết bị hoặc tổ hợp thiết bị cung cấp các chức năng chuyên dụng để cấp điện năng sạc (Bên bán điện) cho xe điện (Bên mua điện), đồng thời có chức năng đo đếm, xác định lượng điện năng đã tiêu thụ để sạc cho xe điện. Việc sạc điện (gọi cách khác là cấp năng lượng) cho xe điện được thực hiện thông qua thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện. Đây là phương tiện đo có chức năng chuyên dụng để cấp điện năng và xác định chính xác lượng điện năng sạc cho xe điện.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Đo lường “phương tiện đo được sử dụng để định lượng hàng hoá, dịch vụ trong mua bán, thanh toán thuộc Danh mục phương tiện đo nhóm 2 phải được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định”. Vì vậy, thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện là phương tiện đo nhóm 2 cần phải quản lý nhà nước về đo lường.

Tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 07 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 (Thông tư 23), Danh mục phương tiện đo, biện pháp kiểm soát về đo lường và chu kỳ kiểm định phương tiện đo chưa bao gồm Thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện.

Ngày 20/11/2022, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh có văn bản số 1914/SKHCN-Ttra về việc rà soát kiến nghị sửa đổi, bổ sung các Thông tư, trong đó có đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, bổ sung phương tiện đo: Thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện vào Danh mục phương tiện đo nhóm 2. Ngày 26/12/2022, Bộ Công Thương đã có Công văn số 8353/BCTKHCN gửi Bộ Khoa học và Công nghệ về việc đề xuất bổ sung Thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện vào Danh mục phương tiện đo nhóm 2. Do đó, việc rà soát, sửa đổi bổ sung Danh mục phương tiện đo nhóm 2 tại Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN là vấn đề đặt ra cần phải giải quyết nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế.

Chính vì vậy, thời gian qua, Tổng cục đã đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép xây dựng và sửa đổi Thông tư 23/2013/TT-BKHCN quy định về đo lương đối với phương tiện đo nhóm 2 với nội dung bổ sung thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện vào Danh mục phương tiện đo nhóm 2. Đồng thời, xây dựng các quy trình kiểm định, quy trình thử nghiệm phương tiện đo này trên cơ sở nghiên cứu tài liệu hướng dẫn của Tổ chức Đo lường pháp định OIML G 22 “Các yêu cầu kỹ thuật đo lường, quy trình thử nghiệm và kiểm soát đo lường đối với Thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện” (OIML G 22 - Electric Vehicle Supply Equipment - EVSE).

Việc xây dựng các quy trình kiểm định, quy trình thử nghiệm thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện nhằm thống nhất hoạt động kiểm định, thử nghiệm phương tiện đo, đảm bảo độ tin cậy và tính chính xác của phép đo, kết quả đo đối với phương tiện đo này khi dùng cho mục đích định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường...

Tính đến nay, Tổng cục đã xây dựng và hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 23/2013/TT-BKHCN quy định về đo lương đối với phương tiện đo nhóm 2 với nội dung bổ sung Thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện vào Danh mục phương tiện đo nhóm 2. Bên cạnh đó, Tổng cục cũng xây dựng các quy trình kiểm định, thử nghiệm đối với Thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện bao gồm ô tô điện, xe đạp điện và xe máy điện nhằm bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và yêu cầu quản lý nhà nước về đo lường khi dự thảo Thông tư được ban hành.

Nguồn: vietq.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận