Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, các đối tượng xấu nhận ra, đây cũng là mảnh đất màu mỡ để lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Trên thực tế, đà tăng trưởng của ngành thương mại điện tử đã bắt đầu từ trước dịch với mức tăng trưởng trung bình 25-28%/năm, song trong giai đoạn 2020-2021 có phần chững lại (16-18%/năm). Tuy nhiên, trong năm 2023, thị trường thương mại điện tử đã có sự tăng trưởng bùng nổ và vươn lên mạnh mẽ. Theo Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2023, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2023 tăng 25% so với 2022, đạt 20,5 tỷ USD, chiếm 8% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Số lượng người mua sắm trực tuyến tại Việt Nam năm 2023 đã đạt gần 61 triệu người và ước tính mỗi người chi tiêu cho mua sắm 336 USD/năm. Bên cạnh đó, hạ tầng cho thương mại điện tử như logistics, giao hàng chặng cuối, các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, hạ tầng viễn thông, internet và những công nghệ mới, giải pháp mới trong thương mại điện tử đã được triển khai ở Việt Nam.
Mặt khác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng sôi động, cộng hưởng với sức mua có phần tăng mạnh sau dịch COVID-19 giúp cho thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tốt. Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường eMarketer (Hoa Kỳ), Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Theo Kế hoạch đề ra tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025; định hướng đến năm 2030, tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ năm 2025 đạt 10%.
Một nghiên cứu của Hãng nghiên cứu thị trường Statista-một cổng thông tin điện tử tích hợp dữ liệu và nội dung nghiên cứu của hơn 170 ngành công nghiệp và đã thực hiện hơn 1 triệu số liệu nghiên cứu thống kê, tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ trung bình của thế giới là 19,4%. Do vậy, thương mại điện tử Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuyên truyền và phổ biến các sản phẩm cấm, có cả những sản phẩm xâm phạm đến chủ quyền, an ninh quốc gia...
Ảnh minh họa
Theo bà Nguyễn Như Quỳnh, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử mang lại cho xã hội nhiều lợi ích, nhưng cũng rất nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn có tính toàn cầu, bao gồm ở Việt Nam đó là giải quyết hàng giả, hàng nhái trong môi trường thương mại điện tử.
Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Thanh tra Bộ được giao chủ trì sửa đổi Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Việc sửa đổi Thông tư 11 là giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật để nhằm giải quyết tốt hơn, hoàn thiện cơ sở pháp lý và hành lang pháp lý cho xử lý vi phạm trong môi trường thương mại điện tử.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang phối hợp với các bộ Công Thương, Thông tin và Truyên thông để hoàn thiện nền tảng pháp lý, các chính sách liên quan tới thương mại điện tử.
Theo Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, thực tế, các cơ quan chức năng đang gặp một số khó khăn khi xử lý hàng nhái, hàng giả trong môi trường thương mại điện tử như việc tồn tại địa chỉ kinh doanh "ma" hay khó khăn khi xác định hành vi vi phạm, hoặc có những tình huống sau khi nhận được khiếu nại, cơ quan chức năng đến kiểm tra thì đối tượng đã kịp xóa bỏ hành vi vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.
Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ, hiện Thanh tra Bộ đang nâng cao năng lực cho cán bộ trong việc xử lý vi phạm trong môi trường thương mại điện tử. Đồng thời, phối hợp với nhiều cơ quan đẩy mạnh nhận thức, ý thức cho người mua hàng online, để giúp người mua phân biệt hàng giả, hàng thật và tẩy chay hàng giả.
Về giải pháp hoàn thiện thể chế - pháp luật, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì xây dựng Nghị định 46 sửa đổi Nghị định 99 về quy định xử lý hành chính trong lĩnh vực vi phạm sở hữu công nghiệp. Với Nghị định 46, các hành vi vi phạm trong môi trường thương mại điện tử đã được làm rõ. Như vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều giải pháp nhằm xử lý và giảm bớt tình trạng hàng giả, hàng nhái. Trong đó nhóm giải pháp về xây dựng và hoàn thiện thể chế - pháp luật.
Có thể nói, chống hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử đã và đang là một trong những vấn đề cấp bách trong phát triển kinh tế số. Bên cạnh các giải pháp chính sách sát thực tiễn được Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đưa ra, vai trò của các sàn thương mại điện tử trong phòng, chống hàng giả, hàng nhái là rất quan trọng. Thời gian tới, cần có các quy định cụ thể và mang tính pháp lý để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử trong công tác này. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức của người tiêu dùng, để người tiêu dùng có thể nhận biết được hàng giả; “nói không” với các loại hàng nhái thương hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên sàn thương mại điện tử.
Nguồn: vietq.vn