14:42 | 18-07-2024

Trăn có thể trở thành nguồn thịt thay thế mới

Trăn có nhiều ưu điểm so với các loại thịt truyền thống, hứa hẹn trở thành nguồn protein mới khi thế giới đối mặt nhu cầu thịt ngày càng tăng.

Trăn nuôi trong trang trại hiện nay chủ yếu phục vụ cung cấp da. Ảnh: AFP

Trong một trang trại ở miền trung Thái Lan, hàng nghìn con trăn cuộn tròn trong thùng chứa, chồm lên và bổ nhào vào lớp kính khi có người đi ngang qua. Chúng được nuôi để lấy da bán cho các nhà mốt cao cấp ở châu Âu làm thắt lưng, túi xách và ví cầm tay, nhưng một số nhà khoa học cho rằng giá trị đích thực của trăn có thể nằm ở thịt của chúng, theo AFP. Nhu cầu về thịt đang tăng lên trên toàn cầu, bất chấp lượng khí thải carbon gắn liền với gia súc truyền thống. Dù chế độ ăn dựa trên thực vật thường được cho là giải pháp thay thế tốt nhất, nhiều người cho rằng bò sát có thể cung cấp lựa chọn khác.

Trăn có thể chịu nhiệt độ cao và hạn hán, sinh sản mau chóng và phát triển nhanh hơn nhiều các nguồn protein động vật truyền thống, đồng thời tiêu thụ ít thức ăn hơn hẳn. Các nhà nghiên cứu ước tính chỉ riêng ở Trung Quốc và Việt Nam có ít nhất 4.000 trang trại nuôi trăn với số lượng vài triệu con, chủ yếu cho ngành công nghiệp thời trang. Trang trại nuôi trăn có thể cung cấp giải pháp linh hoạt và hiệu quả cho tình trạng bất ổn lương thực toàn cầu, theo kết luận từ nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature.

Các nhà khoa học dành một năm nghiên cứu gần 5.000 con trăn gấm và trăn Miến Điện ở hai trang trại thương mại tại Việt Nam và Thái Lan. Chúng có thể sống sót nhiều tháng mà không cần thức ăn và nước uống, và không bị sút cân, theo Patrick Aust, giám đốc Viện bò sát học ứng dụng châu Phi, một trong những nhà khoa học tham gia nghiên cứu. Trăn được cho ăn thịt gà và chuột bắt trong tự nhiên, cung cấp tỷ lệ thức ăn so với lượng thịt cao hơn thịt gia cầm, thịt bò, thậm chí châu chấu. Chúng cũng sinh sản nhanh, trăn cái đẻ 50 - 100 quả trứng mỗi năm.

Phát hiện trên rất đáng mừng đối với Emilio Malucchi, chủ trang trại nuôi khoảng 9.000 con trăn ở Uttaradit, Thái Lan. Malucchi chuyển từ Italy tới Thái Lan cùng gia đình cách đây hơn 4 thập kỷ. Ông chưa thể thuyết phục mọi người ăn thịt trăn. Phần lớn thịt trăn mà ông sản xuất phải bỏ đi hoặc đưa tới trang trại nuôi cá. Trăn hoang dã từ lâu trở thành món ăn trên khắp Đông Nam Á, nhưng loại thịt này chưa thu hút sự quan tâm rộng rãi trên thế giới dù giống thịt gà và có lượng chất béo bão hòa thấp. "Vấn đề là không có thị trường dành cho thịt trăn. Chúng ta cần giáo dục mọi người về tiềm năng của thịt trăn", Malucchi nói.

Tác động của khí hậu tới thịt được ghi nhận rộng rãi. Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (UN) nhấn mạnh thịt từ động vật gặm cỏ, chủ yếu là bò, là thực phẩm tác động lớn nhất tới môi trường, cả về mặt thải khí nhà kính và sử dụng đất. Trong khi UN ủng hộ chuyển sang chế độ ăn dựa trên thực vật nhiều hơn, nhu cầu về thịt ước tính tăng 14% vào năm 2032 do tăng trưởng dân số ở các vùng thu nhập thấp và mức sống tăng lên ở những nước châu Á.

Cùng lúc, hạn hán và thời tiết cực đoan đang khiến chăn nuôi kiểu truyền thống ngày càng khó khăn ở nhiều nơi trên thế giới có nhu cầu cấp thiết về protein. Suy dinh dưỡng protein - năng lượng gây ra gần 190.000 ca tử vong trên toàn cầu trong năm 2021, theo nghiên cứu của chương trình Global Burden of Disease. Nghịch lý đó thúc đẩy khám phá các nguồn thịt thay thế, từ côn trùng ăn được tới thịt nhân tạo.

Hiện nay, nông dân nuôi trăn thương mại đang đối mặt tiêu chuẩn xử lý chặt chẽ và lỗi thời. Những tổ chức về quyền động vật cũng không ủng hộ nuôi trăn lấy thịt. Trang trại của Malucchi bị PETA cáo buộc đối xử tàn ác với động vật khi giết trăng bằng búa trước khi lột da. "Động vật chăn nuôi bị giết mổ trên khắp thế giới. Trăn cũng không phải ngoại lệ", Malucchi giải thích.

Nguồn: vnexpress.net

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận