Lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên giám sát tiến độ dự án hỗ trợ sản xuất tại huyện Điện Biên Đông. |
Đề xuất các chính sách hỗ trợ vùng bão lũ
Kịp thời nắm bắt toàn diện thiệt hại do mưa bão, lũ quét gây ra đối với sản xuất nông nghiệp, các mô hình liên kết hỗ trợ sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Điện Biên, vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên thành lập hai đoàn về các huyện giám sát, nắm bắt toàn diện thực trạng, kết quả và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Lấy dẫn chứng hậu quả lũ quét tại xã Mường Pồn, theo Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên Giàng Thị Hoa, hơn 100 gia đình bị trôi nhà, hư hỏng nhà ở; mấy trăm gia đình bị mất đất sản xuất, thiệt hại chăn nuôi gia súc, gia cầm cùng hàng chục công trình thủy lợi, đường giao thông liên xã, liên bản bị hư hỏng. Lũ quét đã “đưa” Mường Pồn ra khỏi danh sách xã nông thôn mới của huyện, của tỉnh. Bởi vậy, cần có đánh giá từ thực tế để đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp từ các chương trình đối với vùng bị thiệt hại thiên tai như Mường Pồn.
Đồng chí Giàng Thị Hoa cho biết: Ngoài yêu cầu giám sát, đánh giá thuận lợi, khó khăn, ưu điểm, hạn chế của các huyện trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ đầu giai đoạn đến nay, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh giao thêm nhiệm vụ với hai đoàn giám sát là nắm bắt, đánh giá thiệt hại, tác động thiên tai đến quá trình thực hiện các mô hình sản xuất, có thêm căn cứ, cơ sở thực tiễn đề xuất Trung ương, các bộ, ngành điều chỉnh nội dung chính sách phù hợp với thực tế.
Trên tinh thần đó, trong chương trình giám sát tại các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Ảng, hai đoàn giám sát có mặt thực địa, đánh giá trực tiếp các mô hình liên kết sản xuất ở các địa bàn. Tại huyện Tuần Giáo, đoàn giám sát khảo sát điểm sạt lở trên tuyến đường giao thông bản Nậm Cá (xã Nà Sáy) và làm việc với Ủy ban nhân dân xã Quài Cang để nắm bắt thiệt hại do thiên tai ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp và mô hình liên kết trồng cây mắc-ca.
Tại huyện Tủa Chùa, đoàn giám sát đi thực địa tại xã Huổi Só và xã Tủa Thàng; tại huyện Mường Nhé, đoàn giám sát thực tiễn và thực địa các mô hình hỗ trợ trồng khoai tây, trồng cây sa nhân, cây quế tại xã Mường Toong và xã Leng Su Sìn; ghi nhận nhiều ý kiến người dân, cán bộ địa phương mong muốn hỗ trợ thêm vốn, hoặc kéo dài thời gian thực hiện mô hình.
Trước đó, đầu năm 2024, khi nắm thông tin hiện tượng thời tiết cực đoan làm gia súc chết nhiều khiến người dân bản Huổi Dên, xã Pú Hồng (huyện Điện Biên Đông) và một số xã lân cận có nguyện vọng chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế từ chăn nuôi trâu, bò sang trồng cây cà-phê, mắc-ca, đồng chí Ngô Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Điện Biên Đông yêu cầu các đại biểu Hội đồng nhân dân huyện ứng cử tại xã Pú Hồng phải về bản Huổi Dên để lắng nghe cụ thể kiến nghị của nhân dân; đồng thời đề nghị cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện tiếp nhận giải quyết.
Đồng chí Ngô Văn Thanh cho biết: Từ việc nắm bắt kiến nghị của cử tri xã Pú Hồng, Hội đồng nhân dân huyện nhận thấy đó không đơn thuần là kiến nghị của cử tri một bản ở một xã nữa mà “tiếng nói chung” của cử tri nhiều bản, nhiều xã khác.
Do vậy, cùng với việc đề nghị cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân huyện tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của cử tri Pú Hồng, Hội đồng nhân dân huyện đã thành lập các tổ về từng xã nắm bắt thêm nguyện vọng, đề xuất chuyển đổi cây, con giống của nhân dân, từ đó kịp thời điều chỉnh giải pháp chung trong toàn huyện.
Đánh giá cao kết quả hoạt động giám sát chuyên đề, giám sát đột xuất do các ban hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên Lò Văn Phương, cho biết: Trong sáu tháng đầu năm 2024, Hội đồng nhân dân tỉnh, các ban hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức ba cuộc giám sát chuyên đề. Các đoàn giám sát chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan, đơn vị; kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xem xét, giải quyết trên 30 kiến nghị.
Đổi mới phương thức phản biện
Một trong những hoạt động nổi bật trong công tác giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua là giám sát việc cải cách các thủ tục hành chính và cải cách chế độ công vụ.
Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 54, Nghị quyết số 98 về cơ chế đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, đến tháng 6/2024, thành phố chỉ thu hút được 10 chuyên gia, nhà khoa học, và ba viên chức từ nguồn sinh viên xuất sắc. Theo các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, con số này rất khiêm tốn so với nhu cầu của sự phát triển thành phố.
Đối với việc cải cách thủ tục hành chính, theo ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa xã hội Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh: Dù tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn đã giảm đáng kể; nhiều địa phương có các giải pháp trong quá trình quản lý cán bộ công chức khi thực thi công vụ.
Tuy nhiên, vẫn còn một vài bộ phận trong quá trình thực hiện chưa đạt được tỷ lệ như mong muốn; một số đơn vị, địa phương trong quá trình phối hợp chỉ đạt về số văn bản trả lời, còn tình trạng trả lời chung chung dẫn đến một số nội dung chưa giải quyết kịp thời...
Sau các buổi giám sát, từ các kiến nghị của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch cụ thể để thu hút người tài.
Thành phố phấn đấu đến năm 2025, việc thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước đạt ít nhất 10% so với tổng số tuyển dụng mới; duy trì tỷ lệ nhân tài thu hút vào làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước không dưới 20% so với tổng số các trường hợp tuyển dụng mới hằng năm.
Trong lĩnh vực cải cách hành chính đã có những chuyển biến rõ nét. Năm 2023, thành phố hoàn thành cả 88 nhiệm vụ về cải cách hành chính, đạt tỷ lệ 100%; đến ngày 1/9/2024, tất cả thủ tục hành chính đã được đưa lên và xử lý trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, không còn tình trạng sử dụng hai, ba hệ thống...
Theo bà Phạm Phương Thảo, nguyên: Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị cho nên việc tăng cường hoạt động giám sát Hội đồng nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội trong việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước là hết sức cần thiết.
Bà cho rằng, hoạt động giám sát của các đơn vị này sẽ giúp phát hiện những bất cập và có những đề xuất nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhanh chóng tháo gỡ điểm nghẽn cũng như phòng ngừa sai phạm, giúp giảm rủi ro cho cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, góp phần thúc đẩy đầu tàu kinh tế của cả nước phát triển nhanh và bền vững, đóng góp nhiều hơn cho cả nước...
Từ kết quả tại tỉnh Điện Biên và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, hoạt động giám sát của các đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân ngày càng được nâng lên, đi vào thực chất. Kết quả giám sát làm cơ sở cung cấp thông tin thực tiễn để hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quy định của pháp luật, tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.
Nhắc lại ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, đề nghị Điện Biên phải khẩn trương rà soát, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra đến việc thực hiện các mô hình, chính sách hỗ trợ sản xuất, đồng chí Lò Văn Phương, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên kỳ vọng, qua các cuộc giám sát thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia lần này sẽ thu được nhiều thông tin, kiến nghị từ thực tiễn để tổng hợp đề xuất Trung ương, các bộ, ngành xem xét điều chỉnh chính sách hỗ trợ phù hợp điều kiện, hoàn cảnh của các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía bắc vừa chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa bão, thiên tai.
Tại phiên họp mới nhất góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân, nhiều thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần bổ sung quy định về hoạt động giám sát ở chính quyền đô thị để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc thực hiện giám sát trên thực tế.
Ở cấp địa phương, cả nước hiện nay tổ chức chính quyền đô thị với hai mô hình: Thành phố Hà Nội ở phường không có hội đồng nhân dân; Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng ở quận và phường không có hội đồng nhân dân.
Chia sẻ quan điểm về nội dung này, Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật; Tiến sĩ Triệu Văn Bình, Phó Vụ trưởng Dân tộc (Văn phòng Quốc hội) đồng tình việc cần thiết bổ sung quy định về hoạt động giám sát ở chính quyền đô thị vào dự thảo luật, bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất thực hiện trên thực tế.
Đề cập giám sát tại chính quyền đô thị là vấn đề mới, rất cần có quy định cụ thể đối với những nội dung đã được thực tế kiểm nghiệm; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Thông, thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh:
Việc bổ sung này hết sức cần thiết, vì chính quyền đô thị khác với chính quyền phi đô thị, khác ở chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, cấu trúc bộ máy... Theo ông, cần quy định những vấn đề cơ bản nhất làm căn cứ thực hiện giám sát trên thực tế để bảo đảm tất cả các hoạt động của chính quyền đô thị đều được giám sát.
Mục tiêu lớn đề ra trong quá trình sửa luật này trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, hội đồng nhân dân nói chung, hoạt động giám sát nói riêng, giúp nâng cao năng lực, trách nhiệm của chủ thể giám sát, hiệu quả hoạt động của đối tượng giám sát trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương và cả nước.
Nguồn: nhandan.vn