Năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp chính là khả năng hiểu và đáp ứng các điều kiện thay đổi bối cảnh, theo đuổi các cơ hội mới, tận dụng kiến thức, sự sáng tạo của mọi người trong doanh nghiệp, đồng thời phối hợp tốt với các bên liên quan và đối tác bên ngoài.
Không phải tất cả quá trình đổi mới sáng tạo đều yêu cầu được quản lý nhưng doanh nghiệp chủ động quản lý các hoạt động đổi mới sáng tạo sẽ nắm bắt cơ hội nhanh hơn, phản ứng kịp thời với thách thức và rủi ro có liên quan, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững. Mặt khác, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp được quản lý đúng phương hướng có thể tạo ra một nền văn hóa sáng tạo, không bỏ lỡ các cơ hội phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo đó, các quá trình và hoạt động hỗ trợ đối với hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp có thể được quản lý trong một hệ thống thống nhất được gọi là Hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp (Innovation Management System, IMS). Để tạo ra giá trị một cách hiệu quả nhất, hoạt động quản lý đổi mới sáng tạo cần được đánh giá thường xuyên, dựa trên một số nguyên tắc nhất định, cụ thể như sau:
Gia tăng giá trị cho doanh nghiệp
Đánh giá quản lý đổi mới sáng tạo và kết quả của quản lý đổi mới sáng tạo sẽ cho phép doanh nghiệp tập trung tốt hơn các nguồn lực vào các hoạt động quản lý đổi mới sáng tạo để tạo ra giá trị cao nhất, trong đó có các tài sản hữu hình và vô hình (như: sản phẩm, dịch vụ, hệ thống, kiến thức, thương hiệu, quan hệ đối tác,... ).
Đánh giá quản lý đổi mới sáng tạo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thành công của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp định vị, thúc đẩy các giao tiếp với khách hàng và các doanh nghiệp khác trong chuỗi giá trị.
Đồng thời, đánh giá quản lý đổi mới sáng tạo nhằm mục đích phát hiện các hoạt động quản lý đổi mới sáng tạo hiện tại thực sự tạo ra giá trị (hoặc không tạo ra giá trị) cho doanh nghiệp để kế hoạch điều chỉnh, thay đổi. Một số hoạt động quản lý đổi mới sáng tạo cần được đánh giá bao gồm: chiến lược và mục tiêu đổi mới sáng tạo, quản lý vòng đời đổi mới sáng tạo (từ việc tạo ý tưởng đến quản lý các ý tưởng đó) và phát triển các ý tưởng thành giá trị mới.
Thách thức các mục tiêu và chiến lược của doanh nghiệp
Đánh giá quản lý đổi mới sáng tạo khuyến khích doanh nghiệp tăng cường khả năng quản lý, xây dựng danh mục đầu tư đổi mới sáng tạo, thống nhất sử dụng một “ngôn ngữ chung” trong các mục tiêu và chiến lược, dự đoán trước những thách thức trong tương lai của doanh nghiệp.
Mục tiêu, chiến lược đổi mới sáng tạo là những định hướng cần thiết giúp doanh nghiệp đạt được những thành công trong tương lai. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ) không thực sự ưu tiên xem xét các chiến lược và mục tiêu của doanh nghiệp trong bối cảnh biến động của thị trường. Đánh giá về quản lý đổi mới sáng tạo là một yếu tố quan trọng nhằm xác định vị trí hiện tại của doanh nghiệp.
Huy động và thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp
Xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, khuyến khích các cách tiếp cận khác nhau, thu hút sự tham gia vào mọi người, khuyến khích phát triển các kỹ năng cần thiết, thực hiện thường xuyên việc khen thưởng cho nhân viên... là các yếu tố thúc đẩy đổi mới sáng tạo thành công.
Đánh giá quản lý đổi mới sáng tạo giúp cho doanh nghiệp tăng cường khả năng học tập, quản lý và phát triển kiến thức. Thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia các cuộc thảo luận mở về một số vấn đề có liên quan đến đổi mới sáng tạo (như: hiệu suất hiện tại của IMS, quyền sở hữu, cam kết được cải thiện...) sẽ giúp đánh giá hiệu suất đổi mới sáng tạo hiện tại của doanh nghiệp, qua đó tạo cơ hội phát triển hơn trong các kế hoạch đổi mới sáng tạo mở.
Tập trung cho tương lai
Thực hiện việc đánh giá quản lý đổi mới sáng tạo vào đúng thời điểm sẽ giúp doanh nghiệp chủ động quản lý và thúc đẩy sự thay đổi cần thiết trong doanh nghiệp. Đánh giá quản lý đổi mới sáng tạo khuyến khích doanh nghiệp xác định tầm nhìn xa hơn, qua đó thúc đẩy hợp tác để mở ra tiềm năng trong các lĩnh vực hoạt động mới thông qua “chu kỳ đổi mới sáng tạo” và “sự trưởng thành” của doanh nghiệp.
Phù hợp với bối cảnh và thúc đẩy việc áp dụng thực tiễn tốt nhất
Đánh giá quản lý đổi mới sáng tạo sẽ làm rõ các cơ hội bên trong và bên ngoài để doanh nghiệp có thể áp dụng các thực tiễn tốt nhất. Trong thực tế, doanh nghiệp có thể thiếu thông tin, kiến thức và thực tiễn tốt nhất trong quản lý đổi mới sáng tạo. Do đó, việc tìm kiếm thực tiễn tốt nhất trong nội bộ và bên ngoài sẽ mở ra tiềm năng cho doanh nghiệp thực hiện việc thay đổi và phát triển hơn nữa phù hợp với bối cảnh mới.
Linh hoạt và toàn diện
Đánh giá quản lý đổi mới sáng tạo được áp dụng tốt nhất khi quá trình đánh giá đơn giản, có tính mở, tính mô đun và thích ứng với nhiều loại doanh nghiệp... khi xem xét tất cả các thành phần và kết quả của IMS có liên quan. Đánh giá quản lý đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp đạt được các tác động tối đa và toàn diện. Phương pháp tiếp cận logic, dễ hiểu, kết quả rõ ràng là các yêu cầu quan trọng để cải thiện thành công giá trị gia tăng của doanh nghiệp.
Hiệu quả và tin cậy
Quá trình đánh giá quản lý đổi mới sáng tạo phải bảo đảm minh bạch, rõ ràng, phạm vi cụ thể, dữ liệu đồng bộ (có thể so sánh)... Trên cơ sở đó, doanh nghiệp cần xây dựng các chương trình hành động (đủ nguồn lực cần thiết) để khai thác kết quả đánh giá quản lý đổi mới sáng tạo một cách thành công.
Đánh giá quản lý đổi mới sáng tạo là một khoản đầu tư mà doanh nghiệp mong đợi sẽ mang lại giá trị cao hơn. Chất lượng đầu ra phụ thuộc vào thiết kế và thực hiện quy trình đánh giá quản lý đổi mới sáng tạo. Một quy trình hiệu quả sẽ thúc đẩy các đánh giá định kỳ để phát triển IMS của doanh nghiệp dài hạn và hiệu quả.
Nguồn: vietq.vn