Tại Vườn Quốc gia Vũ Quang, theo báo cáo của Hạt kiểm lâm Vườn trong 5 năm trở lại đây tình trạng vi phạm lâm luật có chiều hướng giảm dần nhưng vẫn chưa dứt điểm, vấn nạn khai thác săn bắn, bẫy các loài động vật hoang dã vẫn còn diễn ra, khó kiểm soát, đối tượng các loài động vật thường xuyên bị xâm hại là các loài Linh trưởng (chiếm 70% các vụ vi phạm) như Khỉ vàng, Cu li nhỏ và đặc biệt là Chà vá chân nâu. Trước thực trạng đó, Sở Khoa học và Công nghệ đồng ý cho Vườn Quốc gia Vũ Quang thực hiện đề tài "Đánh giá thực trạng các loài động vật thuộc Bộ Linh trưởng (Primates) có nguy cơ tuyệt chủng tại Vườn Quốc gia Vũ Quang và xây dựng phương án bảo tồn".
Sau 24 tháng triển khai thực hiện, đơn vị chủ trì, chủ nhiệm và nhóm cộng sự đã thực hiện hoàn thành rất tốt mục tiêu, nội dung theo đặt hàng của Sở Khoa học và Công nghệ. Kết quả, đã xây dựng hệ thống tuyến điều tra, giám sát các loài Linh trưởng quý hiếm, nguy cấp; xác định thành phần và phân bố của các loài thú Linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng; điều tra, phỏng vấn đã xác định được Vườn Quốc gia Vũ Quang có 8 loài thú linh trưởng thuộc 1 bộ, 3 họ gồm: họ khỉ có 5 loài; họ Cu li có 2 loài; họ Vượn có 1 loài; xây dựng chương trình giám sát đa dạng sinh học ngắn hạn và dài hạn; xác định được nguyên nhân cơ bản đã đe dọa trực tiếp, gián tiếp đến sinh cảnh, môi trường sinh thái đến các quần thể các loài Linh trưởng gồm: xây đập hồ chứa, săn bắt, khai thác lâm sản ngoài gỗ, chăn thả gia súc; xây dựng bản đồ phân bố các loài thuộc bộ Linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng (có vị trí tọa độ); đề xuất 5 nhóm giải pháp cấp thiết cần cho bảo tồn các loài Linh trưởng tại Vườn Quốc gia Vũ Quang....
Chiều ngày 19/9/2019, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức họp Hội đồng KH&CN cấp tỉnh nghiệm thu kết quả đề tài. Hội đồng đánh giá cao kết quả đạt được của đề tài, sản phẩm của đề tài sẽ giúp cho cơ quan quản lý, nhà khoa học, sinh viên, nghiên cứu sinh bức tranh tổng thể về phân bố, tình trạng, số lượng, xu hướng biến đổi các loài Linh trưởng đặc hữu, quí hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng, các nguyên nhân làm suy giảm tại Vườn Quốc gia Vũ Quang. Thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ các loài Linh trưởng tại khu vực cho người dân và các trường học mang lại hiệu quả cao, các vụ vi phạm về săn bắn, bẫy và ăn thịt các động vật hoang dã được giảm đi đáng kể.
UVPB1, TS Ông Vĩnh An - Trưởng bộ môn Động vật, Khoa Sinh học, trường Đại học Vinh: Đánh giá rất cao kết quả đạt được của dề tài. Với khối lượng công việc rất lớn, kinh phí không nhiều, thời gian tương đối ngắn, nhưng nhiều nội dung đã hoàn thành xuất sắc.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Đỗ Khoa Văn - Chủ tịch Hội đồng đề nghị đơn vị chủ trì, chủ nhiệm đề tài tiếp thu tất cả các ý kiến của Hội đồng chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện báo cáo. Ngoài ra lưu ý một số việc: Ngoài các ý kiến đề xuất của nhóm nghiên cứu thì việc xem xét, đề xuất tạo công ăn việc làm cho người dân vùng đệm, nhất là vùng tái định cư; rà soát các chế tài lâu nay áp dụng đã phù hợp chưa, có đủ sức răn đe các hành vi vi phạm. Nghiên cứu tạo thức ăn cho loài Linh trưởng. Kêu gọi các quỹ, các nguồn vốn thực hiện cho công tác bảo tồn. Quan tâm công tác đào tào, bồi dưỡng cán bộ nâng cao kiến thức về bảo tồn động vật...
Kết quả đề tài đạt loại Xuất sắc.
PC