Sau khi tiếp thu ý kiến tại các cuộc làm việc với UBND tỉnh, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, các sở, ngành và các huyện: Vũ Quang, Nghi Xuân, Đức Thọ đã hoàn thiện đề án huyện đạt chuẩn NTM; xác định rõ khối lượng công việc, lộ trình, kinh phí thực hiện theo từng nội dung.
Cụ thể, huyện Nghi Xuân phấn đấu đến năm 2019, Vũ Quang phấn đấu đến năm 2018 và Đức Thọ phấn đấu đến năm 2020 đạt chuẩn huyện NTM.
Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh Trần Huy Oánh cho rằng, nếu chỉ nguồn lực các huyện tự đảm bảo đều chưa cân đối đủ
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Trọng Sơn: Ngoài quyết tâm chính trị, việc triển khai các cơ chế huy động nguồn lực phải đảm bảo cơ sở pháp lý, nguyên tắc tài chính.
Trong đề án, các địa phương cũng đã xác định rõ tổng nguồn lực để hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM, với Nghi Xuân 1.109 tỷ đồng, Vũ Quang 1.030 tỷ đồng, Đức Thọ 1.128 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, đề án của các huyện đều đã xác định rõ, khá chính xác khối lượng công việc, kinh phí cần để thực hiện chi tiết tới từng nội dung, công việc theo từng xã và trên toàn huyện để đảm bảo đạt chuẩn ở mức tối thiểu.
Cũng theo đánh giá, nếu chỉ nguồn lực các huyện tự đảm bảo đều chưa cân đối đủ; nếu được chấp thuận cơ chế đặc thù, huyện Nghi Xuân sẽ cân đối đủ, Vũ Quang và Đức Thọ vẫn phải cần hỗ trợ thêm nguồn lực từ ngân sách tỉnh (Đức Thọ 271 tỷ đồng, Vũ Quang 260 tỷ đồng).
Bí thư – Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Võ Công Hàm: Hiện nay, hệ thống giao thông của huyện đã cơ bản được cứng hóa và suất đầu tư xây dựng hạ tầng thấp hơn so với 2 huyện còn lại. Với mặt bằng KT-XH khá đồng đều, Đức Thọ phấn đấu huy động nội lực để xây dựng huyện đạt chuẩn vào năm 2020.
Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân Trần Báu Hà: Những năm tới, Nghi Xuân sẽ triển khai thu hút nhiều dự án phát triển kinh tế, hạ tầng. Đây là một trong những điều kiện để thu hút nguồn lực xây dựng huyện NTM.
Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang Trịnh Văn Ngọc: Để thực hiện đề án, bên cạnh phát huy lợi thế của địa phương về phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi, vườn đồi, Vũ Quang rất cần cơ chế đặc thù trong huy động nguồn lực.
Tại cuộc họp, các địa phương cũng đề xuất một số cơ chế chính sách như: Đối với tiền thu từ đất được để lại hoặc đầu tư trở lại 100% cho huyện phần tỉnh được hưởng; được sử dụng, tận dụng đất cát sỏi tại các bãi vật liệu, cải tạo vườn đồi để thực hiện các tiêu chí trên địa bàn huyện; được ưu tiên phân bổ phần kinh phí NTM Trung ương thưởng chung cho tỉnh, ưu tiên phân bổ vốn trong điều hành ngân sách hàng năm đối với tất cả các nguồn vốn có thể điều hành linh hoạt; được hỗ trợ lại 100% tiền thu thuế phần tỉnh điều hành của các doanh nghiệp phát sinh mới trên địa bàn huyện; thưởng sau khi được công nhận huyện đạt chuẩn NTM…
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y: Mặc dù các địa phương đã xác định khá chính xác khối lượng công việc, kinh phí cần để thực hiện đề án, song tính khả thi chưa cao, cần làm rõ, thực chất hơn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn: Trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn, cần phê duyệt cơ chế đặc thù để địa phương thực hiện đề án khả thi.
Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn khẳng định, mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM là quyết tâm chính trị cao và là một trong những mục tiêu trọng tâm trong nghị quyết đại hội đảng các cấp.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, cần có sự đồng thuận, quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, xây dựng huyện đạt chuẩn NTM cần căn cứ vào thực tiễn, không để nợ đọng xây dựng cơ bản.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh chủ trì cùng các sở, ngành rà soát lại việc huy động nguồn lực của các địa phương đảm bảo tính khả thi cao, đặc biệt là nguồn lực từ đóng góp của nhân dân, DN, HTX, con em xa quê… Việc lựa chọn 1 hoặc 2 huyện xây dựng huyện NTM sẽ được BTV xem xét quyết định.
Theo baohatinh.vn