Theo tôi, để kết quả các nhiệm vụ, đề tài dễ đi vào cuộc sống hơn, nên đảo ngược quy trình, thay vì nhà khoa học đề xuất đề tài, sau đó triển khai nghiên cứu rồi tìm đối tác để chuyển giao, ứng dụng, nên đi theo hướng xây dựng nhiệm vụ KH&CN dựa trên đặt hàng của cơ quan quản lý nhà nước hoặc doanh nghiệp. Các sở, ban, ngành hoặc doanh nghiệp phải căn cứ vào những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết, cải tiến, đổi mới... để đặt ra yêu cầu, đề tài nghiên cứu cho các nhà khoa học.
Hiện nay, các nhà khoa học đang phải đi xin các cơ quan xác nhận sẽ ứng dụng kết quả nghiên cứu, còn nghiên cứu xong, bàn giao kết quả xong, các cơ quan có ứng dụng hay không thì chưa có ai kiểm soát.
Một vấn đề nữa là các đề tài cần được triển khai theo hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu - nghiên cứu tìm giải pháp giải quyết vấn đề, đơn vị nghiên cứu là cơ quan chủ trì nghiên cứu, còn cơ quan có nhu cầu ứng dụng kết quả là đơn vị phối hợp nghiên cứu. Ở giai đoạn hai - triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế, cơ quan ứng dụng là đơn vị chủ trì triển khai, còn đơn vị nghiên cứu khoa học là đơn vị phối hợp để hướng dẫn việc ứng dụng, đảm bảo đúng kỹ thuật.
Hiện Nhà nước có chính sách hỗ trợ 20-30% kinh phí ứng dụng kết quả nghiên cứu, còn doanh nghiệp phải đóng góp 70-80%. Quy định này khiến nhiều doanh nghiệp gặp rủi ro nếu nghiên cứu không thành công, vì vậy các doanh nghiệp không dám mạnh dạn đăng ký nghiên cứu ứng dụng. Để khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký triển khai ứng dụng, cần tăng tỷ lệ trợ giúp của Nhà nước lên 70-80%, còn doanh nghiệp chỉ phải bỏ ra từ 20-30% chi phí nghiên cứu như trong dự thảo chính sách đối với sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Đặc biệt, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam cần triển khai ngay một số chương trình nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của nó và đề xuất phương hướng hành động để thích ứng nhanh với cuộc cách mạng này.
Theo: khoahocphattrien.vn