03:46 | 23-06-2016

Đạt chuẩn mới chỉ là bước đầu.

Phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) đã và đang làm thay đổi từng ngày bộ mặt nông thôn Hà Tĩnh. Từ các xã đạt chuẩn đến các xã đang nỗ lực phấn đấu, đâu đâu cũng hừng hực khí thế hoàn thành các tiêu chí như một cuộc “cách mạng” Xây dựng xã NTM kiểu mẫu 6 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, tỉnh Hà Tĩnh đã gặt hái được những kết quả bước đầu, thường xuyên là tỉnh đứng top đầu cả nước và vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất kèm phần thưởng 30 tỷ đồng (năm 2015). Tuy nhiên, khích lệ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước không làm Hà Tĩnh bằng lòng với những gì đã đạt được mà địa phương coi đây vừa là nguồn động viên vừa là thách thức để tiếp tục cố gắng thực hiện chương trình ngày càng bền vững. Theo dõi bước đi của Hà Tĩnh từ những ngày đầu tiên phát động phong trào, tinh thần xây dựng NTM của Hà Tĩnh đúng là có một không hai. Ngay từ thời ông Võ Kim Cự làm Trưởng BCĐ, phong trào được “hiện thực hóa” đến tận mỗi người dân thông qua các chuyến “thị sát” vào ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật và cái “ngày nông thôn mới” ấy 6 năm qua vẫn được ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ kế nhiệm tiếp nối, duy trì hiệu quả. Có người bảo rằng đi như vậy lãng phí tiền của, tốn thời gian nhưng muốn gặt hái được thành quả ắt phải bỏ công, bỏ của. Đến thời điểm này, đi từ đầu làng đến cuối xóm đâu đâu cũng nghe người dân động viên nhau hiến đất, hiến tài sản, góp công làm NTM. Ai cũng tự nguyện đóng góp coi đó như là trách nhiệm, nghĩa vụ để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Sau “ngày nông thôn mới” là hàng loạt các cách làm hay, sáng tạo được BCĐ tỉnh xây dựng, ban hành nhằm chỉ đạo các xã, thôn thực hiện tiêu chí theo hướng bền vững. Đó là trích ngân sách tỉnh thưởng cho xã dẫn đầu phong trào; chấm điểm xã NTM; xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu hay ban hành bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu... Đến thời điểm này, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 52 xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, hai chữ “đạt chuẩn” theo quy định của Trung ương theo ông Trần Huy Oánh, Chánh văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh thì “mới chỉ là bước đầu” và để đạt được cái “bước đầu” ấy, các xã phải phấn đấu toát mồ hôi. Bởi ngoài bộ tiêu chí quy định của Trung ương, các xã muốn được công nhận đạt chuẩn NTM phải nâng mức độ đạt chuẩn các tiêu chí liên quan đến kinh tế, môi trường và bổ sung thêm tiêu chí 20 (khu dân cư NTM kiểu mẫu), nhằm tránh tình trạng chạy đua thành tích hay “ăn xổi ở thì”. “Làm NTM là không ngừng. Cái mốc đạt chuẩn chính là ngưỡng phấn đấu cố định đầu tiên. Sau khi được công nhận các xã phải tiếp tục phấn đấu, nếu xã nào dẫm chân tại chỗ hoặc tự bằng lòng với kết quả đã đạt được ắt sẽ tụt lại phía sau”, ông Oánh nói. Cũng theo ông Trần Huy Oánh, hiện nay Văn phòng đã hoàn thành dự thảo bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu trình UBND tỉnh ban hành. Đây là điểm nhấn cực kỳ quan trọng Hà Tĩnh đang dốc toàn lực chỉ đạo các địa phương thực hiện. “Tôi lấy ví dụ cụ thể, theo quy định của Trung ương, tiêu chí thu nhập năm 2015 khu vực Hà Tĩnh phải đạt 18 triệu đồng/người/năm nhưng tỉnh Hà Tĩnh quy định 27 triệu đồng/người/năm. Còn nếu muốn đạt xã NTM kiểu mẫu, các địa phương phải đưa tiêu chí này đạt 32 triệu đồng/người/năm”, ông Trần Huy Oánh cho hay. Sự ra đời của 15 tiêu chí xã NTM kiểu mẫu sẽ đảm bảo được tính bền vững và làm mẫu cho các xã khác học tập; đánh giá được sự vượt trội giữa các xã với nhau. Đồng thời, khuyến khích các xã luôn luôn giữ tư tưởng phấn đấu, nâng cao chất lượng tiêu chí. Chấm điểm bằng phần mềm Một điểm nữa so với các tỉnh, thành khác là trong 6 năm qua Hà Tĩnh chỉ đạo thực hiện Chương trình ở các địa phương rất công bằng.  Theo đó, việc phân vốn ngoài ưu tiên các xã đang xây dựng NTM, những xã đã đạt chuẩn cũng được hỗ trợ nguồn lực để duy trì, phát triển các tiêu chí. Đặc biệt, năm nào tỉnh cũng dành 27 tỷ đồng làm phần thưởng cho các xã có kết quả đạt được trong kỳ cao. Thông qua phần mềm chấm điểm đánh giá kết quả thực hiện 19 tiêu chí, hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, hàng năm các xã tự đánh giá, cập nhật lên hệ thống; UBND các huyện, thành phố, thị xã; các sở ban ngành liên quan có trách nhiệm thẩm định kết quả đánh giá mức độ hoàn thành ở các xã tổng hợp, báo cáo lên Văn phòng điều phối NTM tỉnh để trình BCĐ tỉnh xem xét thưởng các đơn vị thực hiện tốt.

“Việc chấm điểm áp dụng với từng tiêu chí cụ thể. Ví dụ, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 1 triệu đồng/người/năm được 10 điểm; giảm so với năm trước 1 triệu đồng/người/năm thì bị trừ 20 điểm. Giảm 1% hộ nghèo được 20 điểm; tăng 1% hộ nghèo bị trừ 20 điểm...  Cứ như vậy đến cuối kỳ BCĐ tỉnh tổng hợp số điểm đạt được để xếp loại kết quả thực hiện 19 tiêu chí theo các loại A, B, C, D. Với cách làm này cứ anh nào nhiều điểm là có tiền. Đây cũng chính là điểm thi đua, đánh giá sự vào cuộc của các xã quyết liệt hay chưa quyết liệt”, ông Trần Huy Oánh thông tin thêm. Song song với chấm điểm NTM, năm 2016 tỉnh Hà Tĩnh cũng đang thực hiện thí điểm mô hình du lịch làng xã NTM với tên gọi “chiêm ngưỡng, trải nghiệm”. Các tour, tuyến du lịch được hình thành ở các xã xây dựng NTM kiểu mẫu; xã có kết quả cao, phong trào tốt; đặc biệt là có nhiều di tích lịch sử, văn hóa; phong trào văn nghệ, thể dục thể thao đa dạng... để du khách có nhiều cơ hội tham quan, trải nghiệm. Hiện Hà Tĩnh đã hình thành 5 tour, tuyến nội huyện gồm: Nghi Xuân; Đức Thọ - Hương Sơn; Hương Khê; Thạch Hà và Cẩm Xuyên. Sắp tới tập trung rút kinh nghiệm từ tuyến nội huyện để xây dựng tour, tuyến kết nối toàn tỉnh. Ông Trần Huy Oánh cho rằng, để đánh giá một địa phương thực hiện NTM tốt hay không, Trung ương nên xây dựng bộ chỉ số đánh giá áp dụng toàn quốc theo tổng điểm đạt được của từng nội dung cụ thể. Mà điểm số phải dựa vào kết quả đạt được của từng nội dung, công việc đạt được trong kỳ. Vấn đề này không chỉ để đánh gái đúng thực chất mà còn tránh tình trạng chạy đua để đạt chỉ tiêu số xã đạt chuẩn. Sau 6 năm thực hiện Chương trình NTM, đến nay Hà Tĩnh có 52 xã đạt chuẩn NTM; không còn xã dưới 8 tiêu chí (trước khi làm NTM toàn tỉnh có 180 xã dưới 5 tiêu chí và 20 xã “trắng” tiêu chí); hình thành, phát triển hơn 11 nghìn mô hình phát triển sản xuất; thành lập mới hơn 2.800 tổ hợp tác, 1.099 HTX và hơn 1.700 doanh nghiệp. Thông qua việc hỗ trợ xi măng, hệ thống đường giao thông, kênh mương thủy lợi, nhà văn hóa thôn được xây dựng đạt chuẩn theo quy định. Năm 2016, Hà Tĩnh phấn đấu không còn xã dưới 9 tiêu chí.
NongNghiep.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận