3 tháng đầu năm, công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước được chú trọng, triển khai khá đồng bộ, gắn liền với hoạt động cải cách hành chính (CCHC) và yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh.
Tỷ lệ văn bản điện tử, qua mạng đạt trên 95% ở cấp tỉnh và cấp huyện, trên 65% ở cấp xã; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt 29,9%, mức độ 4 đạt 0,3%.
Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu cho rằng, tỉnh cần có cơ chế để khuyến khích người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến |
Đến nay, đã có 5/20 sở, ban, ngành; 10/13 huyện, thị xã, thành phố; 3/262 xã, phường, thị trấn triển khai được mô hình một cửa điện tử. 85 % cán bộ cấp xã được phổ cập kỹ năng CNTT; 100% cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện được chuẩn hóa kỹ năng, nghiệp vụ chuyên trách CNTT...
Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Trần Việt Hà: Hiện nay để có được đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT ở cấp huyện, xã đáp ứng yêu cầu là hết sức khó khăn. |
Tại cuộc họp, đại biểu cũng đã thảo luận các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, trong đó tập trung triển khai các nhiệm vụ đột phá về ứng dụng CNTT trong CCHC và xây dựng chính quyền điện tử các cấp; có giải pháp mạnh trong việc tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn, khuyến khích nhân dân và doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trên địa bàn; đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông gắn với cung cấp dịch vụ công trực tuyến; chỉ đạo các cơ quan nhà nước tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh thông tin phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; thực hiện kiểm tra, đánh giá, xếp loại về ứng dụng CNTT trong CCHC và trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2016...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh: Việc ứng dụng CNTT ở các đơn vị, địa phương còn chưa đồng bộ, thống nhất. Chính vì vậy người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần quan tâm hơn trong việc tổ chức thực hiện. |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn khẳng định: Những nỗ lực ứng dụng CNTT đã góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Tuy vậy, nhìn chung việc ứng dụng CNTT trên địa bàn vẫn chưa toàn diện, chưa đồng bộ, còn rất rời rạc, chưa đáp ứng yêu cầu trong công tác CCHC; hạ tầng phục vụ CNTT còn chưa đồng bộ...
Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, do chưa gắn với trách nhiệm người đứng đầu nên mức độ quan tâm, am hiểu về ứng dụng CNTT còn hạn chế; đội ngũ cán bộ phụ trách CNTT chưa hiểu hết vai trò, ý nghĩa của việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến, dẫn đến việc ứng dụng CNTT chưa có nhiều đổi mới, chưa chịu thay đổi thói quen làm việc; không định hướng, tuyên truyền cho người dân tham gia vào việc ứng dụng CNTT; công tác kiểm tra, giám sát chưa thực hiện nghiêm, chưa đưa vào hoạt động thi đua – khen thưởng.
Thời gian tới, các ngành, địa phương cần dồn sức cho CCHC, coi đây là khâu đột phá, trong đó hiện đại hóa nền hành chính công là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm; phải cụ thể hóa việc hiện đại hóa nền hành chính thành kế hoạch, chương trình hành động cụ thể; cần tập huấn lại, đào tạo lại kiến thức, kỹ năng ứng dụng CNTT cho đội ngũ lãnh đạo lẫn nhân viên chuyên trách; kiện toàn lại ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho các thành viên; rà soát lại hệ thống hạ tầng phục vụ CNTT để có sự xem xét đầu tư, tránh lãng phí; đối với các đơn vị tổ chức điểm, cần bám sát, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc ứng dụng CNTT tại các đơn vị, địa phương...
Theo baohatinh.vn