Những năm gần đây, ngành thủy sản Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, giải quyết việc làm, tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần xây dựng nông nghiệp, nông thôn nói riêng, kinh tế - xã hội đất nước nói chung. Trong đó phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của nghề nuôi tôm. Tuy nhiên, hiện nay nghề nuôi tôm đang gặp phải nhiều khó khăn, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm... Đây cũng là những khó khăn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành thủy sản Việt Nam nói chung.
Là một doanh nghiệp được thành lập từ năm 2001, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học, hóa học và môi trường, trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, BCC đã đạt được nhiều thành tích trong công tác nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng các sản phẩm phục vụ làm sạch môi trường (xử lý nước thải công nghiệp, sinh hoạt, bệnh viện, rác thải hữu cơ...) và sản xuất nông nghiệp (nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc gia cầm…). Với đội ngũ nhà khoa học/cán bộ kỹ thuật lên tới hơn 60 người, cùng 4 chi nhánh trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, BCC có nhiều thế mạnh trong việc đưa các sản phẩm khoa học và công nghệ hữu ích của mình đến với người nông dân ở khắp 63 tỉnh/thành phố trên cả nước. Trước những khó khăn nêu trên của nghề nuôi tôm, BCC đã nghiên cứu và đưa vào ứng dụng thành công “Quy trình nuôi tôm sạch và bền vững” không sử dụng kháng sinh, hóa chất khử trùng, diệt tạp, diệt giáp xác độc hại.
Gian hàng trưng bày sản phẩm của BCC
tại Techmart quốc tế Việt Nam 2015
Quy trình được mô tả sơ lược như sau: đối với ao nuôi vụ đầu và ao đã qua nhiều vụ sử dụng các loại thuốc kháng sinh và các chất diệt khuẩn, diệt giáp xác, diệt cá tạp nhưng nuôi bị thất bại thì cần tiến hành cải tạo ao bằng cách bơm cạn nước và phơi khô đáy ao (1 tuần với ao lót bạt đáy hay xi măng, 2-3 tuần đối với ao đất). Tiếp theo là tháo nước vào ao khoảng 5-10 cm rồi rải vôi sống (CaO) đều khắp mặt ao (700-1.000 kg/ha đối với ao bạt và xi măng, 1.500-2.000 kg/ha đối với ao đất); ngâm từ 10-14 ngày, sau đó lấy đầy nước vào ao qua lưới lọc thưa để lọc cá dữ và bổ sung chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu EMC giúp phân hủy các chất hữu cơ thừa trong nước, hấp thụ các chất độc hại, phục hồi vi sinh vật có lợi (liều lượng 10 lít/ha) để gây màu nước; sau 5-7 ngày nếu nước có màu xanh nhạt là có thể thả giống. Đối với những ao vụ trước nuôi thả thành công thì quy trình chuẩn bị ao đơn giản hơn, có thể giữ lại toàn bộ nước cũ (nếu thiếu thì bổ sung thêm nước qua lưới lọc cá dữ). Sau đó, sử dụng chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu EMC với liều lượng như trên để gây màu nước và để từ 3-5 ngày là có thể thả tôm.
Trong quá trình nuôi, việc sử dụng chế phẩm Bio-Probiotic (men vi sinh làm thức ăn bổ sung cho tôm cá) bổ sung vào thức ăn cho tôm hàng ngày là rất quan trọng, đồng thời người nuôi cần sử dụng chế phẩm làm sạch nước và nền đáy Bio-DW và EMC xen kẽ nhau trong suốt vụ nuôi; định kỳ cần bổ sung các sản phẩm khoáng hóa sinh (giúp tôm nuôi nhanh lột vỏ, tránh hiện tượng bệnh lý cong thân, đục cơ); tăng trọng hóa sinh (kích thích tôm ăn nhiều, mau lớn, tăng sức đề kháng) và thảo dược BCC (phòng trị bệnh phân trắng và các bệnh đường ruột ở tôm). Bên cạnh đó, người nuôi không được sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trong suốt vụ nuôi. Khi thời tiết, môi trường không thuận lợi, hệ thống quạt nước bị hư hại, làm tôm có dấu hiệu nổi đầu thì phải sử dụng ngay chế phẩm Super Oxygen để cấp cứu tôm khi thiếu oxy. Khi nước quá đục hoặc quá nhiều tảo thì nên dùng ngay chế phẩm keo tụ Super PAC để làm giảm độ đục và cắt bớt tảo. Đặc biệt, theo quy trình người dân phải thực hiện các yêu cầu: tuyệt đối không cho tôm ăn đêm (khi không còn ánh sáng mặt trời); thường xuyên kiểm tra pH, duy trì độ pH tối ưu từ 7,5-8,5; sử dụng các sản phẩm sinh học nêu trên của BCC theo đúng theo hướng dẫn ghi trên bao bì.
Tăng trọng hóa sinh, một sản phẩm được đánh giá cao
trong quy trình nuôi tôm sạch
Về tính hiệu quả, theo nhận định của bà con nông dân đã được nhận chuyển giao, quy trình nuôi tôm bằng công nghệ sinh học của BCC đơn giản, dễ thực hiện, chi phí thấp, mang lại hiệu quả cao. Chi phí mỗi vụ cho mỗi ha chỉ khoảng 30 triệu đồng đối với tôm thẻ (3 tháng), 40 triệu đối với tôm sú (5 tháng), thấp hơn rất nhiều so với các quy trình khác. Đặc biệt, các chế phẩm sinh học sử dụng trong quy trình là sản phẩm của công nghệ sinh học tiên tiến, được BCC nghiên cứu, sản xuất nên việc cung cấp và hỗ trợ cho bà con nuôi tôm rất thuận tiện. Với những ưu điểm vượt trội, quy trình nuôi tôm sạch của BCC đã được áp dụng thành công ở nhiều tỉnh/thành phố trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi tôm. Nhờ những đóng góp này, BCC đã được nhận Cúp Vàng "Danh hiệu chất lượng vàng thuỷ sản" lần thứ 2 của Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam (2012), Bằng khen "Thương hiệu Việt - Vì sự phát triển nông nghiệp bền vững" của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2013), Huy chương Vàng “Doanh nghiệp Việt Nam đổi mới sáng tạo” (năm 2014) do Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng, cùng nhiều giải thưởng, cúp vàng, huy chương danh giá khác.
Theo http://khoahocvacongnghevietnam.com.vn/