Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn kiểm tra tình hình sâu bệnh tại một số vùng đồng thuộc xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên)...
Đến thời điểm này, lúa xuân đã bước vào giai đoạn làm đòng - trổ bông. Toàn tỉnh có trên 3.600 ha lúa đã trổ, đạt 6,02% tổng diện tích. Diện tích trổ tập trung ở các địa phương như: Xuân Đan, Xuân Trường (Nghi Xuân); Trung Lương, Đức Thuận (TX Hồng Lĩnh); Lâm Trung Thủy, Tùng Châu (Đức Thọ); Đỉnh Bàn, Thạch Khê (Thạch Hà); một số xã phía nam huyện Cẩm Xuyên… Nhiều giống trổ trước lịch 10 - 20 ngày do bà con nông dân không tuân thủ thời vụ gieo cấy trước đó.
... kiểm tra tại xã Thạch Khê (Thạch Hà)
Ở diễn biến sâu bệnh hại lúa, hiện tại, bệnh đạo ôn lá trên toàn tỉnh đã cơ bản được khống chế, không có phát sinh thêm ở các địa phương. Các địa phương đã chỉ đạo phun phòng trừ đạo ôn cổ bông với tổng diện tích 3.087 ha.
Qua kiểm tra thực địa tại một số vùng đồng thuộc xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) và xã Thạch Khê (Thạch Hà), Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhận định: Đến thời điểm này, nguồn bệnh và nguồn phát tán, lây lan của đạo ôn lá trên đồng ruộng cơ bản được kiểm soát. Ở cả trà lúa đang trổ và sắp trổ (dự kiến vào 14/4) của hai địa phương, các vết bệnh đạo ôn lá đã vào giai đoạn mãn tính, dấu hiệu xuất hiện của bệnh đạo ôn cổ bông rất ít. Điều này chứng tỏ, khả năng nguồn lây bệnh và phát tán dịch bệnh trên cổ bông vào thời gian tới là không nhiều.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện Thạch Hà cần có phương án chủ động phun phòng trừ đạo ôn cổ bông sớm, nhất là trên các trà giống, vùng đồng nhiễm bệnh đạo ôn lá
Tuy nhiên, thời tiết đang tiếp tục âm u, không có ánh nắng còn kéo dài trong nhiều ngày tới, khả năng nhiệt độ chỉ ở mức ở khoảng 18 - 25 độ C là những dự cảm đáng lo ngại. Trong khi đó, thực tế tại đồng ruộng ở các địa phương, cây lúa đang có biểu hiện thừa đạm do bà con nông dân bón phân thiếu cân đối. Hai yếu tố này trở thành môi trường thuận lợi cho dịch bệnh đạo ôn phát sinh và gây hại.
Đề cập đến giải pháp phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Sở NN&PTNT tổ chức rà soát toàn bộ diện tích với tinh thần khẩn trương nhất, đảm bảo cho các trà lúa được phòng trừ đúng thời điểm, đúng quy trình kỹ thuật và đúng thuốc bảo vệ thực vật.
“Trong vòng 1 tuần nữa, phải hoàn thành phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông cho lúa ở những diện tích có nguy cơ phát bệnh. Các ngành liên quan phải chủ động hướng dẫn nhân dân công tác phòng trừ, nhất là đối với những vùng, diện tích đã nhiễm đạo ôn lá, vùng nguy cơ bị nhiễm đạo ôn cổ bông. Đối với những vùng nhiễm nặng, cần chấp nhận phun kép 2 lần. Tất nhiên, không phải phun phòng đại trà tất cả các diện tích, gây lãng phí không cần thiết”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các địa phương liên tục bám sát, theo dõi diễn biến, kiểm tra đồng ruộng liên tục để có biện pháp phòng trừ kịp thời đối với từng vùng đồng, từng giống lúa. Trước mắt, phun phòng trên diện tích lúa bắt đầu trổ vè, đặc biệt trên các giống nhiễm, những diện tích nhiễm đạo ôn lá.
Cần nâng cao công tác tuyên truyền, tăng cường hệ thống truyền thanh cơ sở, lồng ghép giữa tuyên truyền về tình hình dịch bệnh Covid-19 với tình hình dịch bệnh trên cây trồng, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông.
Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý ngành nông nghiệp và các địa phương tăng cường quản lý nhà nước thuốc bảo vệ thực vật; khuyến cáo những danh mục thuốc BVTV phòng trừ đạo ôn hiệu quả, chất lượng. Đồng thời hướng dẫn về cách phun, thời điểm phun thích hợp để tăng hiệu quả cao nhất của công tác phòng trừ.
Theo baohatinh.vn