Nhìn lại quá trình triển khai dự án giai đoạn 1 từ tháng 3/2009 đến tháng 3/2015, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định phấn khởi cho biết, giai đoạn 1 đã thực hiện thành công việc kết nối hộ nông dân nghèo với thị trường qua 4 hợp phần: SX rau an toàn (RAT) được chứng nhận; tăng thu nhập từ cây dừa; các hệ thống chăn nuôi có lãi và quản lý dự án. Dự án được thực hiện tại các huyện Tây Sơn, Tuy Phước, Hoài Ân, Phù Cát, Hoài Nhơn, Phù Mỹ và TX An Nhơn. Sau khi giai đoạn 1 kết thúc, nhà tài trợ đánh giá các hợp phần nói trên đều đảm bảo yêu cầu đề ra, mang lại cả lợi ích kinh tế và xã hội. Về hiệu quả kinh tế, dự án đã góp phần tăng lợi nhuận trên 30% đối với RAT; tăng trên 100% đối với nghề chăn nuôi bò và tăng 300% đối với hoạt động xe sợi dừa tại nhà. Về tác động xã hội, dự án đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 1.246 hộ gia đình ở nông thôn, trong đó có 42% là phụ nữ. Thông qua đó, vai trò của phụ nữ trong gia đình và cộng đồng được nâng cao. Sau khi giai đoạn 1 của dự án kết thúc, không chỉ có các đối tượng trực tiếp tham gia mà nhiều nông hộ khác cũng đã học tập và áp dụng hiệu quả quy trình SX RAT, chăn nuôi bò vỗ béo, se sợi chỉ xơ dừa. Dự án đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn, góp phần giúp các địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Giai đoạn 2 của dự án được tiếp tục được thực hiện tại Bình Định từ tháng 6/2016 đến tháng 5/2021 tại các huyện Tuy Phước, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh và TX An Nhơn với chỉ 1 hợp phần duy nhất là SX RAT. Mục tiêu là cải thiện tính bền vững về kinh tế và môi trường cho người trồng rau, cùng sự an toàn của người tiêu dùng.
Cũng theo ông Hổ, năm đầu tiên thực hiện giai đoạn 2, Bình Định sẽ xây dựng các tiêu chuẩn về RAT; xác định các nhóm mục tiêu nông dân và có 200 nông dân tham gia khai trương dự án RAT. Năm thứ 2, việc thực hiện SX RAT được khởi động với khoảng 200 nông dân; năm thứ 3 có thêm khoảng 300 nông dân tham gia; từ năm thứ 4 - 5 có tổng cộng khoảng 2.000 nông dân tham gia và được cấp giấy chứng nhận SX RAT. Từ năm thứ 5 - 6, có 7.400 nông dân trong tỉnh được chứng nhận sản xuất RAT với diện tích 740ha, sản lượng 13.000 tấn/năm. “Phạm vi thực hiện hợp phần RAT giai đoạn 2 của dự án rộng hơn, số lượng người dân tham gia nhiều hơn, diện tích và sản lượng RAT cũng lớn hơn nhiều so với trước”, ông Hổ nói. “Chúng tôi sẽ phát triển và thực hiện chiến lược tiếp thị và thương hiệu để có thể tiếp thị sản phẩm RAT của dự án, tăng nhu cầu của người tiêu dùng và nâng cao thu nhập cho người nông dân và những người tham gia trong chuỗi cung ứng RAT”, ông Phan Trọng Hổ. Để thực hiện thành công dự án, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp Bình Định đã thành lập các tổ công tác triển khai khảo sát diện tích có thể sản xuất RAT tại xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh); phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn); khối Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) và xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước); đồng thời tham khảo ý kiến của chính quyền và người dân các địa phương trong việc tổ chức SX RAT. Các nhóm đồng sở thích SX RAT hiện có tại xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) và khối Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) sẽ được củng cố; đồng thời thành lập 3 nhóm mới tại xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn) và xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước), mỗi nhóm khoảng 25 hộ dân tham gia. Sau đó, ngành nông nghiệp Bình Định sẽ phối hợp với Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm của Chính phủ New Zealand xây dựng các hệ thống SX và xử lý RAT sau thu hoạch; xác định và thống nhất những yêu cầu chủ yếu về cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng RAT như kho lạnh, các xưởng đóng gói sản phẩm.
Thông qua dự án, người SX RAT ở Bình Định sẽ biết sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm và thực hành nông nghiệp tốt (GAP) để SX rau, tuân thủ các quy định quốc gia về mức dư lượng thuốc BVTV cho phép. Người SX RAT cũng sẽ được tiếp nhận những quy trình xử lý sau thu hoạch nhằm cung cấp các sản phẩm RAT cho thị trường.