09:18 | 11-12-2023

Bộ Xây dựng chỉ ra 5 vướng mắc nổi bật liên quan đến QCVN 06:2022/BXD

Mới đây ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, QCVN 06:2022/BXD (Quy chuẩn 06) Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình được Bộ Xây dựng ban hành ngày 30/11/2022, có hiệu lực từ ngày 16/1/2023. Tuy nhiên, nhiều đơn vị, cá nhân đã gặp phải vướng mắc khi áp dụng QCVN 06:2022/BXD trong thực tiễn.

Bộ Xây dựng đã nhanh chóng tiến hành khảo sát; trao đổi với các địa phương, doanh nghiệp và tổng hợp 5 nhóm vướng mắc nổi bật liên quan đến QCVN 06:2022/BXD:

Sơn chống cháy, QCVN 06:2022/BXD và các phiên bản quy chuẩn trước đây đều không có quy định về sơn chống cháy; yêu cầu về giới hạn chịu lửa của một bộ phận, ví dụ như lợp mái. Trong thực tiễn khi xảy ra cháy, bộ phận kết cấu mái bị sập rất nhanh, đặc biệt là của nhà xưởng. Do đó, không có đủ thời gian để cứu hộ, cứu nạn; yêu cầu về đặc tính kỹ thuật về vật tư, vật liệu chống cháy. Đây là một trong những yêu cầu cốt lõi về an toàn cháy; các địa phương rất quan tâm về vấn đề cải tạo, sửa chữa. Trong lần sửa đổi này, cơ quan nghiên cứu đã làm rõ thời gian áp dụng quy chuẩn khi có cải tạo, sửa chữa công trình; nhiều tổ chức, cá nhân phản ánh các quy định, yêu cầu trong QCVN 06:2022/BXD còn cao, đề nghị hạ thấp quy chuẩn để áp dụng tốt hơn trong thực tiễn.

Hà Nội đề xuất sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC đối với nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Ảnh minh họa

Theo Vụ trưởng Vũ Ngọc Anh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sau một thời gian nghiên cứu, Bộ Xây dựng đã chủ động tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung một số điều của QCVN 06:2022/BXD trên cơ sở khoa học, cập nhật phù hợp với thực tế áp dụng.

Bộ Xây dựng luôn quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến quy chuẩn, tiêu chuẩn mới được ban hành. Đối với lần sửa đổi QCVN 06:2022/BXD này, các đơn vị thực hiện đã đề cập rõ nét hơn giải pháp đảm bảo an toàn cháy, thoát nạn khi cháy xảy ra; vai trò của các địa phương trong việc ban hành nội dung liên quan đến cấp nước, đường giao thông cho xe chữa cháy…

Thông tin về nội dung sửa đổi của QCVN 06:2022/BXD, Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng Cao Duy Khôi cho biết, có nhiều nội dung quan trọng đã được các đơn vị có liên quan tiến hành rà soát, xem xét, sửa đổi.

Theo đó, về điều chỉnh phạm vi áp dụng, nhà ở riêng lẻ, nhà ở riêng lẻ có kết hợp mục đích sử dụng khác và nhà ở riêng lẻ được chuyền đổi sang mục đích sử dụng khác có quy mô cao từ 7 tầng trờ lên (hoặc có chiều cao PCCC từ 25m trở lên); có khối tích từ 5.000m3 trở lên; hoặc có nhiều hơn 1 tầng hầm đến 3 tầng hầm.

Đối với các công trình không thuộc phạm vi của QCVN 06:2022/BXD, có thể áp dụng quy chuẩn khi chủ đầu tư đề nghị và cơ quan cảnh sát PCCC có thẩm quyền chấp thuận.

Về cải tạo sửa chữa, nội dung sửa đổi làm rõ hơn, thu hẹp phạm vi theo hướng đồng bộ với các quy định của Nghị định 136/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi.

Về áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài, cho phép áp dụng đồng bộ mà không phải so sánh với QCVN 06:2022/BXD. Bên cạnh đó, tiến hành phân cấp cho địa phương ban hành quy định về PCCC, cho phép thay thế các yêu cầu của quy chuẩn tùy theo thực tiễn tại địa phương và thẩm quyền theo phân cấp; hình thức thay thế là Quy chuẩn kỹ thuật địa phương. Bổ sung hoặc sửa đổi các thuật ngữ như gian phòng chung, hành lang bên, lối ra ngoài trực tiếp, nhà hỗn hợp…

Đối với thiết kế theo công năng, nội dung sửa đổi 1:2023 đã làm rõ các tiêu chí thiết kế, nguyên tắc thực hiện mô phỏng cháy. Về nguyên tắc áp dụng yêu cầu an toàn cháy cho nhà hỗn hợp, ngăn cách công năng sẽ được áp dụng yêu cầu an toàn cháy cho từng công năng; khoảng ngăn cách áp dụng theo công năng có yêu cầu cao nhất; phân biệt công năng chính, công năng phụ trợ.

Các nội dung kỹ thuật khác về thoát nạn, ngăn cháy lan, chữa cháy, kết cấu, bảo vệ chống khói, khoang cháy và số tầng cao đều được bổ sung thêm yêu cầu cụ thể gắn với đối tượng theo tính nguy hiểm cháy và thực tiễn xây dựng tại Việt Nam…

Ông Cao Duy Khôi cho rằng, vấn đề an toàn cháy và QCVN 06:2022/BXD nhận được sự quan tâm đặc biệt trên cả nước. Bộ Xây dựng, Bộ Công an luôn nghiêm túc, cầu thị tiếp thu các ý kiến, nghiên cứu sửa đổi QCVN 06:2022/BXD trên nguyên tắc bổ sung các phương án khác, không hạ thấp yêu cầu an toàn cốt lõi. QCVN 06:2022/BXD được sửa đổi theo hướng chuyển đổi sang luận chứng kỹ thuật, phân cấp cho địa phương. Về lâu dài, cần cấu trúc lại QCVN 06:2022/BXD và các tiêu chuẩn có liên quan.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2022/ BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình

Quy chuẩn này yêu cầu chung về an toàn cháy cho gian phòng , khoang cháy , nhà và các công trình xây dựng ( khoang cháy , nhà và các công trình xây dựng sau đây gọi chung là nhà ); Phân loại kỹ thuật về cháy cho vật liệu xây dựng , cấu kiện xây dựng , các phần và bộ phận của nhà , và nhà .

Quy chuẩn này áp dụng đối với các nhà và công trình sau : Nhà ở gồm chung cư và nhà ở tập thể có chiều cao PCCC đến 150 m và không quá 3 tầng hầm ; nhà ở riêng lẻ có chiều cao từ 7 tầng trở lên hoặc có nhiều hơn 1 tầng hầm đến 3 tầng hầm ; nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất , kinh doanh với diện tích sàn dành cho mục đích sản xuất , kinh doanh chiếm trên 30% tổng diện tích sàn .

Các nhà công cộng có chiều cao PCCC đến 150 m và không quá 3 tầng hầm ( trừ các công trình trực tiếp sử dụng làm nơi thờ cúng , tín ngưỡng ; các công trình di tích); các loại sân thể thao ngoài trời có khán đài ( sân vận động , sân tập luyện , thi đấu thể thao và tương tự).

Các nhà sản xuất , nhà kho có chiều cao PCCC đến 50 m và không quá 1 tầng hầm ; Các nhà cung cấp cơ sở, tiện ích hạ tầng kỹ thuật có chiều cao PCCC đến 50 m và không quá 1 tầng hầm ; Các nhà phục vụ giao thông vận tải có chiều cao PCCC đến 50 m và không quá 3 tầng hầm ; Các nhà phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn ( trừ nhà ươm , nhà kính trồng cây và tương tự).

Đối với các nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F1.2, F1.3, F4.2, F4.3 và nhà hỗn hợp có chiều cao PCCC lớn hơn 150 m hoặc có từ 4 tầng hầm trở lên , các nhà có các đặc điểm riêng về phòng chống cháy khác thì ngoài việc tuân thủ quy chuẩn này còn phải bổ sung các yêu cầu kỹ thuật và các giải pháp về tổ chức , về kỹ thuật công trình phù hợp với các đặc điểm riêng về phòng chống cháy của các nhà đó, trên cơ sở các tài liệu chuẩn được áp dụng . Đối với các nhà có tầng hầm 4, 5 bố trí để xe thì ngoài việc áp dụng quy chuẩn này phải áp dụng bổ sung quy chuẩn liên quan đến gara ngầm .

Quy chuẩn này áp dụng khi xây dựng mới các nhà và công trình hoặc trong phạm vi những thay đổi sau :

Cải tạo , sửa chữa làm thay đổi công năng của gian phòng , khoang cháy hoặc nhà ; Cải tạo , sửa chữa làm thay đổi các giải pháp thoát nạn của gian phòng , khoang cháy hoặc nhà ; Cải tạo , sửa chữa làm tăng tính nguy hiểm cháy của vật liệu xây dựng , hoặc làm giảm giới hạn chịu lửa của kết cấu , cấu kiện ;

Cải tạo , sửa chữa làm thay đổi hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ của gian phòng , khoang cháy và nhà theo hướng tăng tính nguy hiểm cháy ; Cải tạo , sửa chữa làm nâng cao các yêu cầu an toàn cháy đối với gian phòng , khoang cháy và nhà ; Cải tạo , sửa chữa hệ thống bảo vệ chống cháy của gian phòng , khoang cháy và nhà ; Các trường hợp cải tạo , sửa chữa khác theo hướng dẫn của cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ ( Cảnh sát PCCC và CNCH ) có thẩm quyền .

Các yêu cầu về phòng cháy , chống cháy của các tài liệu chuẩn trong xây dựng phải dựa trên yêu cầu của quy chuẩn này .

Cùng với việc áp dụng quy chuẩn này , còn phải tuân theo các yêu cầu phòng cháy chữa cháy quy định cụ thể hơn trong các tài liệu chuẩn khác được quy định áp dụng cho từng đối tượng nhà và công trình . Khi chưa có các tài liệu chuẩn quy định cụ thể theo các yêu cầu của quy chuẩn này thì vẫn cho phép sử dụng các quy định cụ thể trong các tiêu chuẩn hiện hành cho đến khi các tiêu chuẩn đó được soát xét lại , cũng như cho phép sử dụng các tiêu chuẩn hiện hành của nước ngoài trên nguyên tắc bảo đảm yêu cầu của quy chuẩn này và các quy định pháp luật của Việt Nam về phòng cháy , chữa cháy cùng các quy định về áp dụng tiêu chuẩn của nước ngoài trong hoạt động xây dựng ở Việt Nam.

Trong các tài liệu chuẩn hiện hành có liên quan về phòng cháy , chống cháy cho nhà và công trình mà có các quy định , yêu cầu kỹ thuật cụ thể kém an toàn hơn quy định của quy chuẩn này thì áp dụng quy chuẩn này .

Các tài liệu thiết kế về an toàn cháy và tài liệu kỹ thuật về an toàn cháy của nhà , kết cấu , cấu kiện và vật liệu xây dựng phải nêu rõ các đặc tính kỹ thuật về cháy của chúng theo quy định của quy chuẩn này .

Khi thiết kế và xây dựng nhà và công trình , ngoài việc tuân thủ quy chuẩn này , còn phải tuân thủ các quy chuẩn và bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc khác theo quy định của pháp luật hiện hành , như : quy hoạch , kiến trúc , kết cấu , hệ thống cấp thoát nước , hệ thống điện , thiết bị điện , chống sét , hệ thống cấp nhiên liệu , tiết kiệm năng lượng , hệ thống thông gió , điều hòa không khí , cơ khí , an toàn sử dụng kính , tránh rơi ngã , va đập .

Trong một số trường hợp riêng biệt , có thể xem xét thay thế một số yêu cầu của quy chuẩn này đối với công trình cụ thể khi có luận chứng kỹ thuật gửi Bộ Xây dựng nêu rõ các giải pháp bổ sung, thay thế và cơ sở của những giải pháp này để bảo đảm an toàn cháy cho công trình . Luận chứng này phải được Bộ Xây dựng cho ý kiến thống nhất và hồ sơ thiết kế xây dựng phải được cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH có thẩm quyền thẩm duyệt theo quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy .

Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức , cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam.

Nguồn : VietQ.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận