Bộ trưởng Cao Đức Phát trao bằng khen cho các tập thể ngành trồng trọt có thành tích xuất sắc giai đoạn 2005-2015 Tạo nên kỳ tích Ngày 7/1, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập. Với sự ra đời của Cục Trồng trọt, 10 năm qua, ngành trồng trọt đã có đóng góp quan trọng, tạo nên những kỳ tích cho nền nông nghiệp Việt Nam với những mặt hàng XK đứng đầu thế giới. Giai đoạn 2005 - 2015, tốc độ tăng trưởng của ngành luôn giữ được mức ổn định 3%/năm. Đến nay, trồng trọt vẫn là lĩnh vực đóng vai trò then chốt trong cơ cấu giá trị SX toàn ngành nông nghiệp với mức đóng góp trên 73%. Giá trị SX/ha năm 2015 đã nâng lên mức trung bình 83 triệu đồng/ha/năm, tăng 60 triệu đồng/ha so với 10 năm về trước. Tạo nên điểm nhấn nhất cho ngành nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế cũng chính là các sản phẩm của ngành này, khi trong số 10 mặt hàng nông sản XK có kim ngạch trên 1 triệu USD thì sản phẩm trồng trọt đóng góp tới 7 mặt hàng. Trong đó, một số mặt hàng hiện đã đứng ở vị trí hàng đầu thế giới như hồ tiêu, cà phê, hạt điều, lúa gạo, cao su… Nhân dịp 10 năm thành lập Cục Trồng trọt, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã tới dự và có những đánh giá, chỉ đạo sát sao đối với lĩnh vực quan trọng này. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: Ngành trồng trọt trong nhiều năm nữa sẽ tiếp tục chiếm vị trí hết sức quan trọng trong ngành nông nghiệp. Cùng với sự ra đời của Cục Trồng trọt, nhiều chủ trương, chính sách lớn đã được ban hành, thực thi có hiệu quả và đúng định hướng. Trong đó, tiêu biểu phải kể tới chính sách bảo vệ quỹ đất nông nghiệp, nhất là đất lúa. Cách đây 5 năm, Việt Nam đã từng rất lo ngại về việc mất đất lúa khi mỗi năm có tới 50 nghìn ha đất lúa bị chuyển mục đích sử dụng (trong khi đất lúa cả tỉnh Vĩnh Long chỉ 42 nghìn ha, Thái Bình chỉ hơn 90 nghìn ha). Với các đề xuất của Cục Trồng trọt cũng như Bộ NN-PTNT, Chính phủ đã kịp thời có các nghị định bảo vệ đất lúa, nhờ đó 5 năm gần đây, mỗi năm chỉ còn khoảng 15 nghìn ha đất lúa bị chuyển đổi. Chính phủ đã kịp thời có các nghị định bảo vệ đất lúa (Ảnh minh họa) Về cơ cấu cây trồng, ngành đã xác định đúng hướng các cây trồng chủ lực, cơ cấu mùa vụ và các gói kỹ thuật cho hầu hết các loại cây trồng quan trọng, tập trung vào phát huy các lợi thế của quốc gia, của từng vùng và địa phương. Nhờ đó, đã tạo được các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường thế giới. Ngành trồng trọt Việt Nam ra đời cùng với Bộ Canh nông theo Sắc lệnh số 16 của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 30/1/1946. Với yêu cầu phát triển ngành trong giai đoạn mới, ngày 13/10/2005, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Cục Trồng trọt trực thuộc Bộ NN-PTNT trên cơ sở tổ chức lại Cục Nông nghiệp. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã tặng bằng khen cho 21 tập thể và 30 cá nhân của ngành trồng trọt đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp phát triển ngành giai đoạn 2010-2015. Thực tiễn cho thấy, chỉ có cạnh tranh cao, sản phẩm trồng trọt Việt Nam mới có thể chiếm được thị phần lớn, với nhiều sản phẩm đứng hàng đầu thế giới với hơn 200 quốc gia như hiện nay. Điều này khẳng định chủ trương, đường lối chỉ đạo và chính sách cho ngành trồng trọt đã đi đúng hướng. Cùng với sự năng động của các DN, nông dân, lĩnh vực trồng trọt đã liên tục phát triển, nhất là lúa gạo, cà phê, cao su, chè, cây ăn quả, rau - hoa quả. Đã hình thành được nhiều vùng SX hàng hóa tập trung, không chỉ năng suất, sản lượng của hầu hết các loại cây trồng tăng mạnh, chất lượng, giá trị sản phẩm ngày càng được nâng cao. Tại Lâm Đồng, có nhà vườn trồng hoa công nghệ cao đã đạt tới 1,5 triệu USD/năm (trên 30 tỉ/năm), một số vườn hồ tiêu đạt tới 2 tỉ USD/năm… Phát triển còn kém bền vững Bên cạnh những thành công lớn trong 10 năm gần đây, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng chỉ ra nhiều tồn tại của ngành trồng trọt cần phải nhanh chóng khắc phục trong giai đoạn tới, điển hình là: Phát triển ngành còn kém bền vững, dễ bị tổn thương khi có tác động thiên tai và thị trường. Tốc độ tăng trưởng ngành chưa ổn định, năm lên cao, năm xuống thấp. Sự tổn thương này sẽ còn gia tăng trong những năm tới do tác động của biến đổi khí hậu và thị trường thế giới tiếp tục gia tăng biến động nhanh và mạnh hơn, nhất là trong bối cảnh năm 2016, kế hoạch Việt Nam sẽ tham gia tới 16 hiệp định tự do hóa thương mại. Trong bối cảnh đó, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của một số mặt hàng ngành trồng trọt còn thấp. “Năm 2015, chúng ta vẫn phải NK 7 triệu tấn ngô, trong nước chỉ làm được 5,5 triệu tấn, mặc dù đã tăng gần 200 nghìn tấn so với 2014 nhưng vẫn thể theo kịp theo yêu cầu. Về tổ chức SX, dù rất có kinh nghiệm, đã tổ chức triển khai mối liên kết 4 nhà, xây dựng Cánh đồng lớn nhưng mới chỉ làm được trên diện tích 500 nghìn ha lúa (trong tổng số 7,7 triệu ha gieo trồng lúa/năm) nên có thể nói mới chỉ dừng ở mô hình, còn quá ít. Nhiều nơi tổ chức SX còn lỏng lẻo, chưa có sự liên kết”, Bộ trưởng lưu ý. Hệ thống quản lí nhà nước của ngành trồng trọt đến nay mặc dù đã sáp nhập với ngành BVTV nhưng mới chỉ có hơn 20 tỉnh thành lập được hệ thống trồng trọt - BVTV nên còn rất lủng củng, khiến hiệu quả, hiệu lực quản lí chuyên ngành có nhiều việc chưa được thực thi cao, nhất là giống và vật tư nông nghiệp. Hiệu lực thực thi quy hoạch của nhiều loại cây trồng thời gian qua vẫn còn lỏng lẻo, nhiều loại cây vượt quy hoạch, điển hình như cà phê, hồ tiêu… "Trong giai đoạn tới, Cục Trồng trọt phải là tổng tham mưu cho Bộ NN-PTNT về tái cơ cấu ngành để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, giữ vị thế của ngành trồng trọt vẫn đóng vai trò chủ chốt, tạo việc làm, cung cấp lương thực thực phẩm chất lượng cao, an toàn cho trên 90 triệu dân và mỗi năm đang tăng thêm 1 triệu người. Đặc biệt, ngành trồng trọt nói chung, Cục Trồng trọt nói riêng cần đi sâu vào đề xuất chính sách để tạo động lực mạnh mẽ khuyến khích DN, người dân ứng dụng KH-CN đặc biệt là công nghệ cao. Tôi kỳ vọng trong vòng 5 tới, trồng trọt sẽ là lĩnh vực tạo ra sự bùng nổ về nông nghiệp công nghệ cao, trong đó Cục Trồng trọt sẽ là nòng cốt tổ chức triển khai thúc đẩy”, Bộ trưởng Cao Đức Phát