Điều đáng nói là phần lớn số gia súc bị bệnh đều chưa được tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ thời gian miễn dịch. Bên cạnh đó, việc thả rông trâu bò cũng là một trong những nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh.
Bò bị bệnh LMLM của hộ bà Nguyễn Thị Hường (thôn Thạch Thành, xã Tùng Ảnh) chưa được tiêm phòng.
Đức Long là một trong những địa phương có số gia súc bị bệnh LMLM cao nhất trên toàn huyện Đức Thọ đến thời điểm này. Thôn Phượng Thành có 17 con bò bị bệnh, hiện đang được các hộ dân nhốt chuồng để chăm sóc và chữa trị; trong số đó có 9 con không được tiêm phòng.
2 thôn: Bình Tiến và Bình Tân (Thái Yên) có 18 con bị bệnh thì 12 con không được tiêm phòng. Thôn Vĩnh Yên (Đức Lạng) có 20 con bò bị bệnh thì chỉ có 1 con được tiêm phòng. Thôn Thạch Thành (Tùng Ảnh) có 7 con bị bệnh thì cả 7 con không được tiêm phòng.
Tại những xã có dịch LMLM ở Đức Thọ đang triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh.
“Nguyên nhân trước hết phải kể đến là ý thức, kiến thức của người chăn nuôi về phòng chống dịch bệnh gia súc còn nhiều hạn chế; sự vào cuộc của ngành chức năng và chính quyền một số địa phương thiếu quyết liệt. Không những không muốn tiêm phòng cho đàn gia súc của mình, nhiều người dân còn bất chấp cảnh báo của chính quyền địa phương, tiếp tục thả rông trâu bò tại các điểm chăn thả tập trung, trong khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở nhiều nơi”, ông Hà Quang Thăng - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Đức Thọ khẳng định.
Gần 10.000 con trâu bò chưa được tiêm phòng; hàng ngàn con đã được tiêm nhưng chưa đủ thời gian miễn dịch; công tác kiểm dịch gia súc nhập vào địa bàn, kiểm soát giết mổ gia súc còn nhiều hạn chế; thời tiết tiếp tục diễn biến có lợi cho mầm bệnh lây lan, phát triển… Tất cả những yếu tố trên đang trực tiếp đe dọa đến công tác phòng chống dịch bệnh ở Đức Thọ. Nguy cơ bùng phát một đợt dịch LMLM trên diện rộng ở Đức Thọ cần phải tính đến để triển khai kịp thời các biện pháp ngăn chặn.
Theo baohatinh.vn