Các nhà khoa học cuối cùng cũng đã giải quyết được bí ẩn xung quanh hiện tượng "đêm trắng" (bright nights).
Theo Science World Report, "đêm trắng" là hiện tượng ít xảy ra - khi đó dù là ban đêm nhưng ánh sáng vẫn đủ để bạn đọc một quyển sách như ban ngày. Sự phát sáng bất thường trên bầu trời sau khi trời tối là một vấn đề mà các nhà khoa học đã đau đầu để đi tìm câu trả lời trong thời gian qua.
Theo Deccan Chronicle, các nhà nghiên cứu ban đầu nghĩ rằng, những đợt sóng hội tụ phía trên khí quyển của Trái đất, chúng có thể khuếch đại sự phát sáng tự nhiên trong không khí (thường là màu xanh) nhờ sự chuyển động của các nguyên tử oxy trong khí quyển. Sự phát sáng này thường không gây chú ý. Tuy nhiên, vào những đêm xảy ra hiện tượng "đêm trắng", con người dễ dành nhận ra ánh sáng này.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học York ở Canada đã tiến hành so sánh với dữ liệu thu thập được về sự đột biến của ánh sáng Mặt trời với các sóng bầu khí quyển. Kết quả, họ tìm thấy sự liên kết giữa 2 yếu tố này. Mặc dù ngày nay "đêm trắng" ít xảy ra do ô nhiễm không khí nhưng trên thực tế nó vẫn tồn tại. Ánh sáng trong không khí phát ra từ các phản ứng hóa học ở tầng khí quyển phía trên (với nhiều màu sắc khác nhau) thường được cho là nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Màu xanh lá cây trong không khí được nhìn thấy khi các phân tử oxy được tách ra bởi Mặt trời lại liên kết với nhau một lần nữa.
Dữ liệu do các nhà nghiên cứu thu thập cho thấy, những "đêm trắng" thường xảy ra mỗi năm một lần tại một địa điểm (thường tại những nơi ít có ô nhiễm không khí). Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý rằng "đêm trắng" xảy ra tại thời điểm không có trăng thì chúng ta mới nhìn ra được sự khác biệt.
Điều quan trọng mà các nhà khoa học đạt được qua nghiên cứu này là gì? Đó là hiện tượng "đêm trắng" có thể gây trở ngại cho các nhà thiên văn học trong việc quan sát các vật thể trong vũ trụ. Còn với chúng ta, đơn giản là hãy tận hưởng hiện tượng kì thú này của thiên nhiên.
(VnReview)