09:12 | 16-08-2023

Các nhà nghiên cứu quốc tế được tiếp cận mẫu Mặt trăng của Trung Quốc

Đầu tháng này, Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) đã tuyên bố trên trang web của mình về cơ hội và nguyên tắc hợp tác quốc tế trong tương lai đối với các mẫu và dữ liệu khoa học từ Mặt trăng.
Tàu Chang’e 5 được phóng vào tháng 11/2020, với mục tiêu mang về mẫu vật từ Mặt trăng. Nó quay lại Trái đất sau 23 ngày, với 1,73kg vật liệu từ vùng Oceanus Procellarum (Đại dương Bão) của Mặt trăng.
Tàu thăm dò lấy mẫu Chang’e 5 của Trung Quốc quay lại Trái đất sau khi mang về các mẫu đá Mặt trăng đầu tiên từ 44 năm nay. Tàu hạ cánh ngày 16/12/2020 tại Tứ Tử Vương kỳ, Nội Mông Cổ. Ảnh: Dự án thám hiểm Mặt trăng Trung Quốc
Các mẫu này đã được cung cấp cho các đề xuất nghiên cứu từ các viện ở Trung Quốc. Các nghiên cứu thực hiện trên các mẫu đã mang lại một loạt phát hiện mới, trong đó có manh mối về bản chất hiện tượng núi lửa và lượng nước bất ngờ được giữ bên trong các hạt thủy tinh của hành tinh này . Còn giờ thì sẽ có nhiều người hơn được tiếp cận những mẫu vật quý giá do Chang’e 5 mang về.
CNSA sẽ tiếp nhận các đề xuất và xem xét sáu tháng một lần. Trung tâm Thám hiểm Mặt trăng và Kỹ thuật Vũ trụ của CNSA (LESEC) sẽ tham gia vào việc quản lý nghiên cứu, còn Đài Quan sát Thiên văn Quốc gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), cơ quan chính quản lý các mẫu Mặt trăng, sẽ chịu trách nhiệm về phân phối và thu hồi lại mẫu.
Tiếp nối Chang’e 5, Trung Quốc đang lên kế hoạch cho một dự án lấy mẫu phức tạp và tham vọng hơn vào năm sau. Tàu Chang’e 6 sẽ được phóng vào khoảng tháng 5/2024 để thu thập những mẫu đầu tiên từ phía khuất của Mặt trăng. Mục đích nhằm thu về vật liệu từ Hố va chạm Apollo có chứa đá phát sinh từ lớp bao phủ Mặt trăng.
Nguồn: khoahocphattrien.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận