Với tốc độ phát triển cao về diện tích, cam Hà Tĩnh cần tìm được hướng đi có tính chất đột phá để khẳng định chất lượng, thương hiệu. (Trong ảnh: Vườn cam của ông Đinh Văn Nhâm ở xã Hương Đô, Hương Khê ).
Diện tích trồng cây có múi nói chung và cây cam nói riêng ngày càng tăng, do đó, vấn đề đặt ra cho Hà Tĩnh hiện nay là mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tươi và đa dạng hóa các mặt hàng chế biến. Trong đó, quan trọng hàng đầu là việc tìm được hướng đi có tính chất đột phá, giúp củng cố và nâng tầm thương hiệu các sản phẩm cam Hà Tĩnh.
Trong khi đó, hiện nay, các sản phẩm rượu, tinh dầu, mứt sấy dẻo từ các loại trái cây đang được nghiên cứu và áp dụng trong sản xuất phục vụ người tiêu dùng. Các sản phẩm rượu và tinh dầu cam được biết đến với vai trò làm đẹp và chăm sóc sức khỏe con người. Ngoài ra, tinh dầu cũng được ứng dụng trong xử lý xốp - một loại chất thải khó bị phân hủy trong điều kiện bình thường.
Từ thực tiễn này, tháng 8/2019, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) đã triển khai đề tài “Sản xuất thử nghiệm một số sản phẩm từ quả cam tại tỉnh Hà Tĩnh”.
Công nghệ sản xuất rượu cam đã được chuyển giao cho Công ty TNHH một thành viên KC Hà Tĩnh.
Theo Thạc sỹ Nguyễn Thị Hà - Trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng và Phát triển dự án (Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông - VAAS), việc áp dụng các quy trình sản xuất rượu cam, tinh dầu cam, mứt sấy dẻo cam trên địa bàn Hà Tĩnh là rất cần thiết nhằm đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ quả tươi. Thực hiện các quy trình chế biến sẽ sử dụng tối đa được tất cả các thành phần của quả cam; ngoài ra còn có thể tận dụng được các loại cam có kích thước nhỏ, không đạt yêu cầu mà các siêu thị, cửa hàng không thu mua hoặc thu mua giá rẻ. Thêm nữa là giải quyết được tình trạng dư thừa nguyên liệu khi vào thời điểm thu hoạch chính vụ.
Triển khai đề tài, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông - VAAS đã liên kết cùng Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên để chuyển giao quy trình công nghệ, quy trình sản xuất sản phẩm mứt cam dẻo, rượu cam và tinh dầu cam. Dự án này được triển khai tại Công ty TNHH một thành viên KC Hà Tĩnh (xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà).
Chị Nguyễn Thị Sâm - Trưởng phòng Quản lý chất lượng (Công ty TNHH một thành viên KC Hà Tĩnh) giới thiệu về công chế chế biến sản phẩm mứt cam sấy dẻo.
Chị Nguyễn Thị Sâm - Trưởng phòng Quản lý chất lượng (Công ty TNHH một thành viên KC Hà Tĩnh) chia sẻ: Qua triển khai cho thấy, quy trình sản xuất dễ áp dụng, phù hợp với các doanh nghiệp sản xuất ở quy mô vừa. Hiện nay, chưa có đơn vị nào ở Hà Tĩnh sản xuất các sản phẩm từ quả cam. Do đó, việc áp dụng quy trình công nghệ để sản xuất các sản phẩm từ cam tươi dự báo sẽ dễ dàng được thị trường chấp nhận và tăng khả năng cạnh tranh với các sản phẩm khác.
Qua hơn 1 năm triển khai, đến nay, dự án đã hoàn thiện các quy trình sản xuất sản phẩm mứt cam sấy dẻo, rượu cam, tinh dầu cam từ quả cam Hà Tĩnh; đã vận hành thiết bị và sản xuất các sản phẩm trên dây chuyền tại Công ty TNHH một thành viên KC Hà Tĩnh.
Qua hơn 1 năm triển khai, dự án đã hoàn thiện các quy trình sản xuất sản phẩm mứt cam sấy dẻo, rượu cam, tinh dầu từ quả cam Hà Tĩnh.
Các sản phẩm tạo ra có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu về chất lượng theo tiêu chuẩn cơ sở và tiêu chuẩn Việt Nam. Dự án cũng hoàn thành xây dựng nhãn mác, bao bì cho từng loại sản phẩm; đào tạo cán bộ làm chủ công nghệ sản xuất.
Hiện nay, các đơn vị đang tiếp tục tiến hành phân tích thị trường sản phẩm và đề ra giải pháp nhằm phát triển sản xuất, tiêu thụ cam trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Các sản phẩm ban đầu được giới chuyên môn đánh giá cao về chất lượng.
Phó Giám đốc Sở KH&CN Phan Trọng Bình cho biết, các sản phẩm chế biến từ cam Hà Tĩnh ban đầu cho thấy chất lượng khá. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thì các đơn vị cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, phù hợp với thị hiếu hơn. Bên cạnh đó, tổ chức giới thiệu, quảng bá sản phẩm rộng rãi trên thị trường.
Đặc biệt, ý nghĩa lớn của đề tài là mở ra những hướng mới trong chế biến nông sản, hướng tới nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh.
Theo Dương Chiến/baohatinh.vn