Chiều 17/10 tại TP Cần Thơ, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) Quốc gia phối hợp với Cty CP Phân bón Bình Điền tổ chức tổng kết chương trình “Canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu” vùng ĐBSCL năm 2016. Tham dự có các cục, viện, trường, nhà khoa học cùng TTKN 13 tỉnh, thành và gần 200 nông dân. Ứng phó biến đổi khí hậu Ông Trần Văn Khởi, quyền GĐ TTKN Quốc gia, cho biết tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) tác động xấu đến vùng ĐBSCL thời gian qua, nơi hàng năm SX diện tích lúa trên 4,1 triệu ha. Hậu quả là năng suất lúa giảm, giá thành tăng, lợi nhuận thấp, cạnh tranh XK gạo kém. Vì vậy, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ KHKT mới, như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, SX lúa công nghệ sinh thái… Với mục tiêu giúp nhà nông yên tâm SX, cải thiện thu nhập, thông qua việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, hiệu quả để có thể tự ứng phó với các điều kiện bất lợi do BĐKH cũng như trong thực tế SX, trong vụ lúa HT 2016, Cty CP Phân bón Bình Điền phối hợp với TTKN Quốc gia, Cục Trồng trọt, Trung tâm BVTV phía Nam (Cục BVTV) và TTKN 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL thực hiện chương trình “Canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu”. Chương trình được thực hiện trong vụ HT 2016, bắt đầu từ tháng 4- 10/2016 ở 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Các mô hình trình diễn ở mỗi tỉnh đã chọn ra 5 nông dân thực hiện với diện tích canh tác 0,5 ha/hộ, tổng cộng 2,5 ha/tỉnh. Toàn bộ 13 tỉnh, thành sẽ có 65 nông dân với tổng diện tích thực hiện 32,5 ha. Tất cả các mô hình phải có đối chứng với điều kiện SX tương đồng để so sánh hiệu quả. Nông dân canh tác trong mô hình được các nhà khoa học ra tận ruộng hướng dẫn thực tế cho bà con dễ nắm bắt. Số liệu báo cáo từ TTKN các tỉnh ĐBSCL cho thấy, tất cả các mô hình đều đạt được kết quả tốt, đã được các địa phương và nông dân đồng tình cao. Từ đó, những phương thức SX mới được nông dân tiếp thu và sẽ áp dụng cho các diện tích còn lại trong các vụ lúa tới. Nông dân phấn khởi GS.TS Mai Văn Quyền, nguyên Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam, cố vấn chương trình canh tác lúa thông minh cho biết, tiêu chí giảm lượng giống gieo sạ là biện pháp canh tác bắt buộc trong SX lúa hiện nay.
Thực tế, 100% ruộng mô hình đã đạt tiêu chí giảm lượng giống gieo sạ biến động từ 74- 82kg/ha, trong khi ruộng đối chứng phổ biến sử dụng 104-200kg/ha. Việc giảm lượng giống vừa giúp tiết kiệm chi phí giống lúa vừa giúp cây lúa phát triển tốt hơn, giảm sâu bệnh hại, tăng năng suất... Đối với lượng phân bón sử dụng trong các mô hình đã giảm nhiều so với tập quán bón cũ. Trong đó, giảm cao nhất là đạm và lân, hầu hết các ruộng đối chứng đều bón đạm vụ HT hơn 100kg/ha. Cá biệt, một số tỉnh như An Giang, lượng đạm trong mô hình chỉ còn 64kg/ha, Tiền Giang thấp hơn 34 kg/ha, lượng lân cũng giảm đáng kể. Số chồi hữu hiệu tập trung từ 350-550 chồi/m2. Năng suất mô hình đều đạt cao hơn so với ruộng đối chứng từ 200-1.000 kg/ha. Một số tỉnh ruộng mô hình có năng suất lúa vượt trội như Sóc Trăng (1.000kg/ha), Cần Thơ (600kg/ha), Bến Tre (500 kg/ha). Ông Phan Thiện Khanh, ấp Định Khánh B, xã Định Môn, huyện Thới Lai (TP. Cần Thơ) cho biết, áp dụng mô hình canh tác lúa thông minh ứng phó BĐKH, gia đình giảm lượng giống từ 200 – 250 kg/ha xuống còn 60 - 80 kg/ha. Vụ lúa HT vừa qua giảm chi phí 3 triệu đồng/ha, tăng lợi nhuận 5 triệu đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình. Còn ông Đồng Văn Tiệp, ở ấp 3, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) là một trong những nông dân tiêu biểu được chọn thí điểm tham gia mô hình canh tác lúa thông minh cho biết, do đất nhà ông nhiễm phèn nặng, khi sử dụng loại phân chuyên dùng Đầu Trâu, ông thấy bộ rễ cây lúa phát triển mạnh, tăng khả năng chống chịu, lúa ít bệnh. Theo ông Tiệp, mô hình đã đem lại hiệu quả cao, năng suất đạt 5,5 tấn/ha, trừ chi phí lãi 22 triệu đồng/ha. Sang vụ ĐX 2017, ông sẽ áp dụng biện pháp kỹ thuật từ mô hình này với những diện tích còn lại của gia đình.