02:30 | 05-01-2016

Chấn chỉnh vi phạm trong quản lý hàng đóng gói sẵn

Ngày 19/11, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội nghị tổng kết thanh tra diện rộng chuyên đề về tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL), nhãn hàng hóa, mã số mã vạch và sở hữu công nghiệp đối với hàng đóng gói sẵn (HĐGS).

HĐGS theo định lượng là hàng hóa được định lượng, đóng gói và ghi định lượng trên nhãn hàng hóa mà không có sự chứng kiến của bên mua. Loại hàng hóa này rất đa dạng, phục vụ nhu cầu thiết yếu hằng ngày và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng như bánh, mứt, kẹo, đường; sữa, sản phẩm từ sữa; thủy sản, sản phẩm từ thủy sản; bia, rượu, nước giải khát, nước uống; dầu ăn; muối, chất tẩy rửa, dầu nhờn…

Nhằm kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm về TCĐLCL, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch và sở hữu công nghiệp đối với HĐGS và tăng cường kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ KH&CN đã tổ chức, chỉ đạo các lực lượng trong toàn ngành triển khai nội dung: Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch và sở hữu công nghiệp đối với hàng đóng gói sẵn.

Qua cuộc thanh tra chuyên đề năm 2015, tổng số cơ sở được thanh tra là 2.867. Tổng số cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính là 556 (chiếm tỉ lệ 19,5% số cơ sở được thanh tra) với tổng số tiền phạt trên 1,7 tỉ đồng, truy thu số tiền thu lợi bất hợp pháp do gian lận về đo lường gần 13 triệu đồng. Một số địa phương đã xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm như: Nghệ An (xử phạt 33 cơ sở với 225,055 triệu đồng); Phú Yên (xử phạt 16 cơ sở với tổng số tiền 195,1 triệu đồng), TPHCM (xử phạt 25 cơ sở vi phạm với tổng số tiền 177 triệu đồng)…

Ngoài áp dụng hình thức xử phạt chính bằng tiền, cơ quan thanh tra đã áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với các cơ sở vi phạm như buộc thu hồi hàng hóa vi phạm về ghi nhãn trả lại nhà sản xuất; buộc tiêu hủy hàng hóa quá hạn sử dụng; buộc thu hồi và tái chế đối với hàng hóa có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; buộc định lượng lại hàng hóa trước lúc đưa vào lưu thông; buộc kiểm định phương tiện đo trước khi đưa vào sử dụng…

Nhóm hàng hóa có tỉ lệ vi phạm cao là rượu, bia, nước giải khát, nước uống (25%); nông sản, sản phẩm từ nông sản (24 %); phân bón (23 %); sơn, bột bả tường (21%).

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, sau 3 tháng triển khai, cuộc thanh tra chuyên đề đã ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về TCĐLCL, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch và sở hữu công nghiệp, đạt mục tiêu nâng cao trách nhiệm và tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với HĐGS.

Tuy nhiên, cuộc thanh tra cũng chỉ ra một số hạn chế, ở một số địa phương, việc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về TCĐLCL và sở hữu công nghiệp chưa đầy đủ, kết quả thanh tra ở một số địa phương chưa tốt, số lượng cơ sở được thanh tra quá ít, chưa cương quyết trong xử lý. Một số quy định, chế tài xử lý cũng chưa đủ sức răn đe, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành của các bộ, ngành còn có sự không thống nhất gây khó khăn cho cơ quan thực thi.

Bên cạnh đó, hoạt động kiểm tra Nhà nước về TCĐLCL, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch và sở hữu công nghiệp còn yếu, chưa chủ động, chưa thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Sau cuộc thanh tra diện rộng, Bộ KH&CN sẽ soát xét và tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp về các quy định tại Thông tư 21/2014/TT-BKHCN quy định đo lường đối với HĐGS. Đồng thời sớm ban hành danh mục HĐGS nhóm 2 và nghiên cứu ban hành văn bản quy định trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra chuyên ngành khoa học và công nghệ cho phù hợp với tính chất, đặc điểm của hoạt động thanh tra chuyên ngành.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận