Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cùng đoàn kiểm tra thực địa tại Nhà máy sản xuất sợi Vinatex Hồng Lĩnh
Dự án Trung tâm Công nghiệp Dệt may tại CCN Nam Hồng được xây dựng trên diện tích 123.185 m 2 nhằm hình thành chuỗi cung ứng sợi – dệt – nhuộm – may do Tổng Công ty CP Dệt may Hà Nội làm chủ đầu tư; Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường Hà Tĩnh làm đơn vị tư vấn đánh giá tác động môi trường của dự án.
Theo đó, ĐTM của dự án được triển khai với những nội dung chính như đánh giá tác động môi trường ở 3 giai đoạn (chuẩn bị, thi công xây dựng và đi vào hoạt động); dự báo những rủi ro, sự cố do dự án gây ra; biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo báo cáo thuyết minh sơ đồ công nghệ xử lý nước thải, qua các công đoạn xử lý, nước thải trước khi thải ra môi trường phải cho kết quả phân tích đạt QCVN 13-MT/2015/BTNMT – Quy chuẩn Quốc gia về nước thải dệt nhuộm; chất thải rắn thông thường sẽ thu gom và vận chuyển xử lý; chất rắn nguy hại sẽ hợp đồng với đơn vị có chức năng định kỳ 6 tháng/lần để vận chuyển xử lý theo hướng dẫn tại Thông tư số 36/2015/BTNMT…
Sau khi nghe đơn vị tư vấn trình bày cụ thể báo cáo ĐTM và trực tiếp kiểm tra tại thực địa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn khẳng định vấn đề về môi trường hiện đang được đặt lên hàng đầu trong yêu cầu phát triển bền vững.
Việc đánh giá tác động môi trường của dự án công nghiệp cần được thực hiện đúng quy định để vừa đảm bảo cao nhất về vấn đề môi trường vừa tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển sản xuất.
Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát lại các yêu cầu theo đúng quy chuẩn quy định, tăng cường kiểm soát các thông số trong quy chuẩn và những thông số phát sinh. Đặc biệt, gắn trách nhiệm của từng đơn vị liên quan để làm tốt công tác quản lý…
Theo baohatinh.vn