10:06 | 06-09-2023

Chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nâng tầm sản phẩm OCOP

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị các cấp, ngành, địa phương Hà Tĩnh tiếp tục quan tâm, theo dõi, hỗ trợ các mô hình ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, tổ chức đánh giá hiệu quả và xây dựng kế hoạch nhân rộng trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương vừa đi kiểm tra một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Tại huyện Thạch Hà, đoàn đã đến thăm, kiểm tra thực tế mô hình trồng lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao ở xã Thạch Khê. Mô hình có quy mô đầu tư hơn 10 tỷ đồng trên diện tích hơn 2.500 m 2 . Trong đó, nhà kính có các lớp: cách nhiệt, giữ nhiệt, cắt nắng, ni-lông. Đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại như: hệ thống cảm biến tự động nhiệt độ, ánh sáng tự động; hệ thống quạt đảo gió; máy điều hòa công nghiệp; tường nước…

Đoàn đến thăm, kiểm tra thực tế mô hình trồng lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao ở xã Thạch Khê.
Mô hình lan hồ điệp có quy mô đầu tư lên đến 10 tỷ đồng.

Tiếp đó, đoàn công tác đã đến kiểm tra mô hình sản xuất sản phẩm OCOP Rượu Tình Can Lộc ở thị trấn Nghèn. Sản phẩm Rượu Tình Can Lộc vừa được UBND huyện Can Lộc công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao từ đầu năm 2023. Sản phẩm được chọn lọc từ nguồn nguyên liệu gạo, men, nước địa phương; được sản xuất theo phương pháp nấu rượu truyền thống Việt Nam, kết hợp với việc sử dụng tháp chưng cất bằng đồng để tạo ra sản phẩm chất lượng, đạt các tiêu chuẩn quốc tế.

Đoàn đến kiểm tra mô hình sản xuất sản phẩm OCOP Rượu Tình Can Lộc ở thị trấn Nghèn.

Tại các điểm đến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và các thành viên trong đoàn đánh giá cao những nỗ lực của các cơ sở trong thời gian qua, nhất là việc mạnh dạn đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất nhằm nâng tầm sản phẩm; bước đầu cho thấy kết quả thuận lợi, phù hợp với xu hướng và có nhiều triển vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, các mô hình đã liên kết để thu mua nguyên liệu đầu vào từ các cánh đồng an toàn của hộ dân, góp phần tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp địa phương; giải quyết nhiều việc làm.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các cấp, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, theo dõi, hỗ trợ các mô hình ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, tổ chức đánh giá hiệu quả và xây dựng kế hoạch nhân rộng trong thời gian tới.

Với sản phẩm OCOP đã được công nhận, các cơ sở và địa phương cần quan tâm củng cố các tiêu chí, đầu tư công nghệ, máy móc để nâng cao chất lượng, nâng cấp lên thành sản phẩm 4 sao, 5 sao, tiến tới mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Đoàn công tác cũng đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ hình thành thêm nhiều sản phẩm OCOP chất lượng cao; chú trọng chế biến sâu sản phẩm; hình thành sản phẩm hàng hóa quy mô lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ và hướng tới xuất khẩu.

Phó Chủ tịchThường trực UBND tỉnh lưu ý, việc đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP cần đảm bảo tính khách quan, đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định.

Nguồn: baohatinh.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận