03:28 | 26-04-2017

Chuyên gia sức khỏe sinh sản chế tạo bếp đun

Tốn mất 4 năm với gần nửa tỷ đồng, ông đã tạo ra 5 dòng sản phẩm bếp mang tên ĐK-T vừa giúp đun nấu dễ dàng, tiết kiệm vừa giúp tạo ra than sinh học để bón cây.
Tự thiết kế vì nhập khẩu thất bại
Ở tuổi 60, thạc sỹ (ThS) Đỗ Đức Khôi vẫn rong ruổi khắp nước để tư vấn sức khỏe sinh sản cho bà con, mỗi năm chỉ ở Hà Nội 3 tháng. Dẫn tôi tới nhà xưởng lợp tôn rộng chừng 40m2 ngổn ngang sắt, thép, trấu, lõi ngô, ông khoe: “Đây là phòng thí nghiệm của tôi. Trông thế thôi nhưng là cả một gia tài đấy”. Rồi lấy ra cái bếp hơi giống bếp than tổ ong, ông cho lõi ngô vào, mồi lửa đun nước pha trà.
Nhấp ngụm trà nóng, tác giả của các loại bếp ĐK-T thong thả kể: “Tôi thực chất là chuyên gia tư vấn sức khỏe sinh sản cho các tổ chức phi chính phủ. Có dịp đi nhiều nơi, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, chứng kiến cảnh bà con đun nấu quá vất vả. Năm 2009, chúng tôi kết hợp với Tổ chức Care tại Việt Nam triển khai dự án cung cấp cho bà con Định Hóa, Thái Nguyên và Bá Thước, Thanh Hóa loại bếp vừa tận dụng được nguyên liệu thừa vừa tạo than sinh học, có thể dùng than đó cải tạo đất. Hai loại bếp của Ấn Độ được nhập về đều đun lâu, khó sử dụng nên tôi nghĩ mình phải tự thiết kế. Tôi tham khảo tất cả các mẫu bếp, tài liệu mà chuyên gia nước ngoài gửi cho, đi hội thảo bếp ở một số nước để nghiên cứu cơ chế và nguyên lý hoạt động của bếp”.
“Chính sự thất bại trong việc nhập khẩu bếp khiến tôi tức mình, mới quyết định tự làm ra loại bếp có hiệu suất đun nấu cao, tạo được than sinh học để ủ phân chuồng, cải tạo đất. Mọi người cứ bảo tôi tự mua dây buộc mình” - ThS Khôi cười khà.

Thạc sỹ Đỗ Đức Khôi tại “phòng thí nghiệm” của mình. Ảnh: Đ. Dung
Không phải là dân chuyên kỹ thuật, không có sự tư vấn của chuyên gia vì loại bếp này còn khá mới mẻ ở Việt Nam, ông cứ loay hoay tìm kiếm vật liệu, thử hết gốm, gang, rồi sắt... đều không thành công. “Làm bằng gốm thì dễ vỡ khi va chạm, làm bằng sắt dễ gia công nhưng khi đun sẽ nhanh bị gỉ, dùng gang thì các cơ sở đúc gang không nhận vì tôi chỉ sản xuất thử nghiệm với số lượng ít. Cuối cùng, tôi quyết định dùng inox cho các bộ phận chịu nhiệt, đến đời thứ năm mới ra được sản phẩm” - ThS Khôi giải thích.
Ông cho biết đã chi hết 500 triệu đồng trong vòng 4 năm, mỗi năm còn thanh lý một kho đầy sắt, thép dùng để thử nghiệm. Nhân viên của ông thì đã quen với hình ảnh vị giám đốc sau giờ làm việc lại cặm cụi đục, cắt, khoan rồi đốt trong “phòng thí nghiệm”. Có khi ông làm cả đêm, thử nghiệm lần lượt hết các máy.
Khi sản phẩm đầu tiên ra đời vào năm 2010, Tổ chức Care quyết định dừng nhập khẩu bếp Ấn Độ và sử dụng sản phẩm của ThS Khôi cho dự án hỗ trợ bà con Thái Nguyên, Thanh Hóa.
Sản phẩm của
“Nghề ngón út tay trái”
Thiết kế bếp của ThS Khôi vừa quen, vừa lạ. Khoang chứa nguyên liệu chiếm phần lớn kết cấu, có nắp kim loại để đậy sau khi cho trấu, mùn cưa, lá khô... vào. Khoang giữa hình trụ gọi là buồng đốt trung tâm, dùng để mồi lửa.
Bà Nguyễn Hồng Hạnh - thành viên Tổ chức Phát triển Hà Lan, một đơn vị hỗ trợ cung cấp bếp cho người dân - đánh giá, đây là loại bếp đi tiên phong ở Việt Nam với việc kết hợp hai mục đích tạo nhiệt để đun nấu và sản xuất than sinh học, phù hợp với nhu cầu của người dân các vùng khác nhau. Bếp sử dụng nguyên lý bán khí hóa: Trong khi củi được cắt nhỏ và cháy trực tiếp từ buồng đốt trung tâm, buồng chứa nhiên liệu như trấu, mùn cưa ở xung quanh sẽ hấp thụ nhiệt, tạo ra khí cháy để tiếp tục cung cấp cho buồng đốt chính. Hiệu suất nhiệt đạt từ 28-30%, thời gian đun sôi 5 lít nước là 13-15 phút.

Những phế phẩm này đều có thể là nhiên liệu cho bếp ĐK-T. Ảnh: Đ.D
“Điểm mạnh của các loại bếp ĐK-T chính là tiết kiệm nhiên liệu từ 40-60% và có thể sử dụng nhiều loại nhiên liệu sinh khối khác nhau, tận dụng được phế phẩm nông nghiệp nên rất thân thiện với môi trường, tiết kiệm thời gian đun từ 30-40%, giảm 30-70% khói bụi so với bếp truyền thống” - bà Hạnh nói.
Ông Khôi cho rằng, cái hay của bếp này là dễ dùng, khi nhóm bếp rất nhanh cháy, không cần dùng đến quạt, lại tận dụng được tất cả mọi thứ nông dân có để đun nấu, ngay cả khi đi làm nương rẫy. Chính vì vậy, ông đặt tên cho sản phẩm của mình là ĐK-T - viết tắt các tính năng của nó. Trong đó ĐK là đỡ khói, đỡ khổ, T là tiết kiệm, thân thiện môi trường, tiện dụng, thích hợp với mọi nhà và tạo than sinh học - mục đích mà sản phẩm hướng tới.
Vị chuyên gia về sức khỏe sinh sản chia sẻ, mặc dù đã cải tiến và tạo ra khá nhiều thế hệ bếp khí hóa, “làm bếp” đối với ông vẫn không được coi là nghề tay trái mà chỉ là “nghề ngón út của tay trái” mà thôi. Nói cách khác, đó không phải nghề, mà là hoạt động để phục vụ đam mê tìm tòi và thỏa mãn mong muốn góp phần cải thiện chất lượng sinh hoạt của người dân những vùng khó khăn.
“Phần thưởng xứng đáng dành cho tôi là bà con đỡ khổ trong việc đun nấu, sản phẩm lại được các tổ chức quốc tế biết đến. Tôi rất hạnh phúc khi nhiều người dân được các tổ chức tặng bếp đã gọi điện hỏi cách sử dụng và rồi chúng tôi trở thành bạn bè. Trong đó, có một ông ở Sài Gòn mua bếp về dùng tại Long An. Ông ấy rất thích thú với cách giải quyết vấn đề của cái bếp này và trao đổi với tôi rất thường xuyên qua điện thoại, email” - tác giả bếp ĐK-T nói.
ThS Khôi chia sẻ, tuy giỏi “làm bếp” nhưng rất kém về khâu thương mại hóa nên sản phẩm chủ yếu được cung cấp cho dự án của các tổ chức phi chính phủ với mức giá đủ bù chi phí sản xuất. Với con người gắn bó mấy chục năm với công tác cộng đồng này, dù khi chăm lo về sức khỏe sinh sản hay chuyện đun nấu của bà con, sự cải thiện cuộc sống của họ mới là điều đem lại niềm vui lớn nhất.
ThS Đỗ Đức Khôi sinh năm 1957 tại Hải Dương. Ngoài vai trò Giám đốc Trung tâm Dân số, Môi trường và Phát triển thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, ông còn là chuyên gia tư vấn cho nhiều dự án về phát triển nông thôn, xoá đói giảm nghèo và phát triển cộng đồng; Phó Chủ tịch mạng lưới An ninh lương thực và Giảm nghèo gồm 46 tổ chức phi chính phủ; Phó Chủ tịch Liên minh Đất đai bao gồm 17 tổ chức chính phủ, phi chính phủ chuyên vận động chính sách về đất đai. Sản phẩm bếp ĐK-T2 và lò đốt than sinh học ĐK-TR1 của ông đoạt giải nhất tại Triển lãm sáng tạo của sinh viên và cán bộ giảng viên trẻ Đại học Thái Nguyên năm 2012.
Theo: khoahocphattrien.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận